Việc Sam Altman, người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của OpenAI, bị hội đồng quản trị sa thải rồi được phục chức với một hội đồng quản trị mới, đem đến một bài học cho các công ty khởi nghiệp công nghệ trong việc lựa chọn và cấu trúc hội đồng quản trị như thế nào.
Sam Altman - CEO từng bị HĐQT của OpenAI sa thải rồi phục chức. Ảnh: Reuters
OpenAI chắc chắn là một công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu với những thành công mà hiếm có một công ty nào trong lịch sử có thể đạt được. ChatGPT, một sản phẩm của OpenAI, đạt 100 triệu người sử dụng chỉ sau 2 tháng kể từ ngày ra mắt. Được Microsoft đầu tư 10 tỷ USD, doanh thu 2023 dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD so với doanh thu 28 triệu USD năm 2022.
Tầm ảnh hưởng của OpenAI vượt xa những thang đo về tài chính. Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) làm cả thế giới phải hết sức quan tâm, từ chính phủ, doanh nghiệp đến giới nghiên cứu về những thay đổi mà công nghệ này sẽ tạo ra cũng như những quan ngại về những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nhân loại. Chính vì sự quan trọng đó, cả thế giới ngỡ ngàng và theo dõi từng diễn biến về mâu thuẫn giữa ban giám đốc và hội đồng quản trị tại OpenAI.
Trường hợp người sáng lập đồng thời là CEO bị hội đồng quản trị sa thải và quay trở lại của Sam Altman không phải là chưa có tiền lệ. Một màn "come-back" cũng đình đám không kém trong lịch sử công nghệ là Steve Jobs. Ông buộc phải rời Apple vào năm 1985 do không nhận được sự ủng hộ của hội đồng quản trị lúc đó về tầm nhìn và chiến lược cho công ty.
Trong những năm tiếp theo, Apple vấn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và sau khi Steve Jobs trở lại vị trí thuyền trưởng của Apple vào năm 1997, khi Apple mua lại NeXT - công ty do Steve Jobs sáng lập sau khi rời ‘đứa con đầu tiên’. Steve Jobs đã dẫn dắt Apple bước vào thời kỳ hoàng kim với việc ra mắt những sản phẩm làm thay đổi thế giới như iMac, iPhone và iPod.
Sự tương đồng trong hai trường hợp này chính là ở chỗ: với những công ty mang tính đột phá về công nghệ (disruptive technology) như OpenAI và Apple, vai trò của người sáng lập và điều hành có tầm nhìn độc đáo vô cùng quan trọng cho sự thành công. Ở những công ty với tính chất như thế này, mâu thuẫn giữa hội đồng quản trị và CEO rất dễ xảy ra bởi sự khác biệt về tầm nhìn.
Theo thông lệ quản trị công ty, một trong những vai trò của hội đồng quản trị là giám sát ban giám đốc bao gồm CEO và là đại diện cho các cổ đông. Quan điểm của số đông có thể không đồng thuận với tầm nhìn của người sáng lập về các công nghệ mới và các tình huống phức tạp chưa có tiền lệ. Khi hội đồng quản trị thực hiện vai trò giám sát này và bỏ phiếu chống lại CEO thì sẽ gây ra thiệt hại cho công ty và có thể dẫn đến khả năng một công nghệ đột phá bị "chôn vùi" chỉ vì quyết định thay đổi CEO.
Những mối rủi ro bị hội đồng quản trị bị sa thải luôn hiện hữu trong các mô hình công ty kể kên, để tránh mối ‘đe dọa’ này, Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, kiểm soát bằng cách nắm chi phối quyền biểu quyết và "cơ cấu" các thành viên ủng hộ mình trong hội đồng. Cá tính đặc biệt của Musk đã từng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư của Tesla với những tuyên bố không chính xác về việc hủy niêm yết của Tesla vào 2018. Tuy nhiên, hội đồng quản trị của Tesla đã không có những động thái nào để buộc ông từ nhiệm vị trí CEO.
Khi hội đồng quản trị thực hiện vai trò giám sát và bỏ phiếu chống lại CEO có thể dẫn đến khả năng một công nghệ đột phá bị "chôn vùi".
Dù chưa biết hội đồng quản trị mới của OpenAI, với những thành viên dày dạn kinh nghiệm kinh doanh, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình như thế nào để OpenAi thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Nhưng sự thay đổi thành phần của Hội đồng quản trị cho thấy Sam Altman đã thành công khi nhận được sự ủng hộ của các cổ đông có tầm ảnh hưởng lớn như Microsoft và tập thể đội ngũ nhân viên gần 700 người. Đây là một bài học rất quan trọng đối với các nhà sáng lập kiêm CEO để đảm bảo việc mình vẫn có thể ở vị trí "cầm cương" khi muốn hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Mối quan hệ giữa CEO và Hội đồng quản trị là vấn đề đáng quan tâm của các mô hình khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam - Ảnh minh họa từ Bizzi.
Mối quan hệ giữa CEO và hội đồng quản trị là câu chuyện chưa bao giờ cũ ở các doanh nghiệp, điều này cần được các CEO và nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam chú ý nhiều hơn. Theo quan sát của tôi, trong giai đoạn đầu của những vòng gọi vốn sớm, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ tập trung rất nhiều vào các điều khoản của hợp đồng đầu tư mà chưa dành đủ thời gian để cân nhắc và thảo luận với các quỹ đầu tư mạo hiểm về cơ cấu hội đồng quản trị. Những yếu tố quan trọng cần xem xét là số lượng thành viên, kinh nghiệm, năng lực, quan điểm và quyền biểu quyết của hội đồng quản trị.
Dù ở giai đoạn sớm, cách thức vận hành của hội đồng quản trị có thể đơn giản nhưng nếu tổ chức hiệu quả sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong chiến lược kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp trong những năm đầu tiên.
Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc điều hành của Bizzi
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.77334249192113202-oec-ohc-pes-nohc/et-hnik/nv.vtv