vĐồng tin tức tài chính 365

Tiền không vào được sản xuất thì đã có chứng khoán

2020-11-01 08:15

Tiền không vào được sản xuất thì đã có chứng khoán

Hồ Lê

(TBKTSG) - Lãi suất cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán từ đầu năm đến nay liên tục giảm sâu, thậm chí còn có tín hiệu giảm nhanh hơn và thực chất hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng, trong đó phải kể đến sự châm ngòi từ các công ty chứng khoán ngoại.

Công ty Chứng khoán Hàn Quốc Mirae Asset tiếp tục củng cố vị trí số 1 về dư nợ cho vay với mức tăng trưởng 13% trong quí 3, lên 9.670 tỉ đồng.

Vốn rẻ chạy vào đâu?

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp trong tháng 9 với tốc độ tăng chỉ đạt 10,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 16,2% trong năm năm trước. Theo WB, các ngân hàng ngần ngại cấp tín dụng là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm và rủi ro cao hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới lỏng các điều kiện cho vay trong những tháng gần đây.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đầu ra sản phẩm không được đảm bảo và sức cầu tiêu dùng vẫn trì trệ, nhiều doanh nghiệp dù có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng không mặn mà vay vốn, trong khi một bộ phận thậm chí không đủ điều kiện để vay trong tình hình hiện nay. Hệ quả là, dù lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đã rớt về mốc 4,5%/năm, nhưng dòng vốn thực chảy vào các hoạt động sản xuất vẫn chưa thể khởi sắc.

Dư nợ cho vay, chủ yếu là cho vay margin, trên toàn thị trường tính tới cuối quí 3 tới khoảng 66.000 tỉ đồng. Đây cũng là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay.

Tuy nhiên, xu hướng lãi suất giảm mạnh thời gian qua lại thúc đẩy dòng tiền hướng đến những kênh đầu tư, không chỉ là dòng tiền nhàn rỗi mà còn cả nguồn vốn vay trong nền kinh tế.

Một thống kê từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán mới đây cho biết, dư nợ cho vay, chủ yếu là cho vay margin, trên toàn thị trường tính tới cuối quí 3 tới khoảng 66.000 tỉ đồng. Đây cũng là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay.

Có thể nói dòng tiền từ hoạt động margin này không chỉ góp phần cân bằng lực cung từ động thái bán ròng không dứt của khối ngoại, mà còn giúp thị trường duy trì xu hướng đi lên tích cực sau khi tạo đáy vào cuối tháng 3. Tính đến cuối quí 3, riêng 20 công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất thị trường đã có dư nợ margin hơn 57.600 tỉ đồng, tăng 33% so với thời điểm cuối quí 1 và tiếp tục tăng 19% so với quí 2-2020.

Cuộc đua của các công ty chứng khoán

Đầu tiên, cần phải thừa nhận rằng sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của nhóm CTCK nước ngoài đã khiến áp lực cạnh tranh giữa các công ty trong ngành ngày càng trở nên gay gắt. Những công ty này, phần lớn đến từ Hàn Quốc, với nguồn lực tài chính hùng hậu nhận được từ tập đoàn mẹ, vốn có điều kiện tiếp cận những khoản vay với lãi suất thấp tại nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh tiền rẻ tràn ngập hiện nay, đã khiến cuộc chơi margin trở thành chiến trường quan trọng để cạnh tranh lôi kéo và thu hút khách hàng.

Theo đó, lãi suất cho vay margin của các CTCK từ đầu năm đến nay liên tục giảm sâu khi các CTCK ngoại liên tục tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi để lôi kéo nhà đầu tư chuyển sang mở tài khoản giao dịch.

Do đó, không có gì lạ khi thị phần cho vay margin của các CTCK ngoại đã gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Đơn cử như trong quí 3 vừa qua, có ba CTCK ngoại xuất hiện trong tốp 10 dư nợ cho vay và đều là các CTCK Hàn Quốc, bao gồm Mirae Asset, KIS và KB Securities. Trong đó, CTCK Mirae Asset tiếp tục củng cố vị trí số 1 về dư nợ cho vay với mức tăng trưởng 13% trong quí 3, lên 9.670 tỉ đồng, đây cũng là kỷ lục mới về dư nợ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hay như CTCK Pinetree, sau khi được Hanwa mua lại vào cuối năm 2019, đã gây sự chú ý khi là CTCK đầu tiên tung ra chính sách miễn phí giao dịch trọn đời, bên cạnh việc tung ra gói lãi suất margin chỉ 6,8%/năm áp dụng trong hai tháng. Báo cáo cũng cho thấy dư nợ của công ty này cuối quí 3 tiếp tục tăng trưởng mạnh 59% so với quí trước, lên 251 tỉ đồng, và là CTCK có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao nhất thị trường.

Sự mạnh tay giảm lãi suất margin của nhóm CTCK ngoại khiến các CTCK nội cũng khó có thể ngồi yên. Như trong tháng 10 này VCBS, SSI, Bản Việt, FPTS, PHS,... đã gia nhập cuộc đua giảm lãi suất margin, trong đó đáng kể nhất là ông lớn SSI khi giảm mạnh từ 14% còn 11,8%/năm.

Dù vậy, mức quanh 12% mà các CTCK này đang áp dụng cũng chỉ ngang mức bình quân của thị trường hiện nay. Một số CTCK đang áp dụng mức lãi suất margin khá thấp chỉ còn 9-10%/năm, như Pinetree, AIS, VPS, TVSI,... Mức này tương đương lãi suất cho vay đối với khách hàng thông thường tại các ngân hàng hiện nay.

Nguồn vốn dồi dào

Cũng cần biết rằng, nếu như trong năm trước nhiều CTCK bị hạn hẹp về nguồn vốn do ngân hàng mẹ phải co lại nhằm đáp ứng các yêu cầu thanh tra, kiểm tra từ phía cơ quan quản lý, thì năm nay các CTCK đã được cấp hạn mức bình thường trở lại, thậm chí từ đầu năm đến nay nguồn vốn ngày càng trở nên dồi dào khi ngân hàng mẹ cũng bị ứ đầu ra, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục giảm cũng giúp chi phí vốn giảm mạnh. Như VPS - công ty con của VPBank, đầu tháng 10 này tung ra chương trình lãi suất cho vay ở mức thấp nhất thị trường hiện nay là 6,8%/năm dành cho mọi khách hàng mở mới tài khoản tại VPS.

Ngoài ra, nếu như các CTCK ngoại không ngừng tăng vốn khủng để đáp ứng cho năng lực cạnh tranh ở hoạt động margin, thì các CTCK nội thời gian qua cũng tích cực tăng cường nguồn vốn kinh doanh qua con đường phát hành trái phiếu. Thống kê từ HNX cho thấy các CTCK đã phát hành lượng trái phiếu trị giá hơn 4.400 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quí 3 của các CTCK cũng cho thấy lượng tiền gửi của khách hàng cũng tăng trưởng mạnh, cho thấy dòng vốn không nhỏ đang chờ đợi để tìm kiếm cơ hội nhảy vào khi thị trường điều chỉnh. Cụ thể, trong tốp 20 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất, lượng tiền gửi khách hàng tại nhiều công ty cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 100%, như VPS, VCBS, SSI,...

Về cơ bản, tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK thường là của những nhà đầu tư cá nhân, dù tiền gửi này được hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì trong tài khoản ở các CTCK , nhằm có thể giải ngân bất kỳ lúc nào khi có cơ hội hấp dẫn.

Có thể thấy ngoài việc mặt bằng lãi suất giảm khi nguồn vốn tại các CTCK dồi dào, thì diễn biến thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong gần bảy tháng qua cũng đã kích thích nhu cầu vay từ phía nhà đầu tư. Đến lượt mình, dòng vốn vay từ margin cũng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng của thị trường, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro điều chỉnh ngày càng gia tăng khi mức dư nợ margin ngày càng căng cứng.

Dù vậy, với lượng tiền gửi của nhà đầu tư đang chờ đợi vẫn khá lớn, nguồn vốn có thể tiếp tục cho vay thêm từ các CTCK vẫn khá dồi dào, trong khi đầu ra vốn của các ngân hàng ngược lại vẫn dồn ứ, cộng thêm dòng tiền gửi tiếp tục dịch chuyển sang, nên thị trường nếu có điều chỉnh kỳ vọng sẽ không quá sâu, khi một dòng tiền không nhỏ vẫn đang chực chờ để nhảy vào.

Xem thêm: lmth.naohk-gnuhc-oc-ad-iht-taux-nas-coud-oav-gnohk-neit/479903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiền không vào được sản xuất thì đã có chứng khoán”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools