vĐồng tin tức tài chính 365

Luật Chứng khoán 2019 và nghĩa vụ tuân thủ đối với công ty đại chúng

2020-11-01 08:15

Luật Chứng khoán 2019 và nghĩa vụ tuân thủ đối với công ty đại chúng

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG) - Tiếp nối bài viết về nhận diện công ty đại chúng, bài viết này tiếp tục phân tích những tác động đến nghĩa vụ tuân thủ của công ty đại chúng theo tinh thần của Luật Chứng khoán 2019.

“Thúc ép” lên sàn

Với tư cách là một chủ thể gắn liền với lợi ích công chúng, các công ty đại chúng (CTĐC) luôn phải tuân thủ những nghĩa vụ đặc thù được quy định riêng biệt tại Luật Chứng khoán. Kể từ khi xác lập tư cách CTĐC, công ty sẽ được đặt dưới sự giám sát của công chúng về sự công khai, minh bạch, khi đó hoạt động của công ty không chỉ là chuyện nội bộ của một nhóm cổ đông.

Theo Luật Chứng khoán 2019, bên cạnh việc tăng chuẩn các tiêu chí về tính đại chúng, các nghĩa vụ của CTĐC cũng tăng lên nhằm hướng đến tính minh bạch và hiệu quả. Luật tiếp tục ghi nhận các nghĩa vụ về công bố thông tin qua các hệ thống công bố thông tin và nghĩa vụ đăng ký cổ phiếu tập trung tại tổ chức lưu ký chứng khoán (hiện tại là Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tương lai là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam).

Đối với nghĩa vụ tuân thủ quy định về quản trị công ty, Luật Chứng khoán 2019 đã chính thức luật hóa quy định về quản trị công ty đối với CTĐC theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực về quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD/G20 năm 2015). Các nguyên tắc và những nội dung chủ yếu về quản trị CTĐC đã được ghi nhận tại điều 40 và 41 của luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đáng chú ý là nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn. Luật yêu cầu các CTĐC phải đăng ký giao dịch cổ phiếu tại Hệ thống giao dịch của cổ phiếu chưa niêm yết (UpCom) hoặc niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác lập tư cách CTĐC. Nếu vi phạm sẽ phải gánh chịu chế tài hành chính. Theo dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán thì mức phạt có thể lên đến 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, quy định lại theo hướng chỉ có những công ty trở thành CTĐC do hệ quả của hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công, kể từ thời điểm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, mới được quyền lựa chọn đăng ký niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán hay đăng ký giao dịch tại UpCom.

Còn những công ty trở thành CTĐC do có vốn điều lệ và số cổ đông đảm bảo tính đại chúng theo luật định (không phải là do IPO), thì chỉ có lựa chọn duy nhất là đăng ký giao dịch cổ phiếu tại UpCom và phải chờ sau hai năm kể từ ngày giao dịch cổ phiếu đầu tiên tại UpCom mới được quyền đăng ký niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán.

Nghĩa vụ tuân thủ của các CTĐC đang diễn tiến theo chiều hướng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Hàng loạt quy định về quyền và nghĩa vụ thay đổi, buộc các CTĐC phải có kế hoạch và chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ tuân thủ.

Dễ dàng nhận thấy quy định này mang tính “thúc ép” các CTĐC phải đưa cổ phiếu lên sàn nhằm tăng tính thanh khoản, giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán cổ phiếu và góp phần tăng nguồn cung cho thị trường.

Dụng ý của việc yêu cầu CTĐC trước khi niêm yết cổ phiếu phải giao dịch trên UpCom trong vòng hai năm là tạo cơ hội cho các CTĐC quen dần với hệ thống giao dịch, tập dợt nghĩa vụ công bố thông tin, nghĩa vụ về quan hệ cổ đông và thị trường. Bởi các nghĩa vụ này đối với các công ty niêm yết vô cùng nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, hai năm dường như là khoảng thời gian quá dài đối với dụng ý này và gây cản trở quyền tiếp cận thị trường cổ phiếu niêm yết của các CTĐC đủ điều kiện niêm yết. Theo kinh nghiệm nhiều nước, khoảng thời gian này thường chỉ dao động từ sáu tháng đến một năm.

Cổ phiếu quỹ... chỉ còn là niềm tiếc nuối

Theo thông lệ thị trường, CTĐC thường tranh thủ tiền nhàn rỗi mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ mà không cần phải giảm vốn điều lệ tương ứng. Hoạt động này mang bản chất của một quyết định mang tính kinh tế để phục vụ cho chiến lược về vốn của CTĐC, thậm chí là một công cụ để “ứng phó” với hành vi “thâu tóm thù địch”.

Tuy vậy, trên thực tế xảy ra không ít trường hợp CTĐC lợi dụng việc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ để làm giá hoặc tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty mình. Cơ quan quản lý thị trường cho rằng đây là một kẽ hở để các CTĐC lợi dụng.

Để rồi, giải pháp lấp kẽ hở này là việc không cho phép các CTĐC mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ nữa, thay vào đó buộc CTĐC phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.

Đối với trường hợp CTĐC mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu hay theo yêu cầu của cổ đông thì có thể bán ra cổ phiếu ngay sau khi mua lại.

Như vậy, cổ phiếu quỹ chính thức bị “khai tử” để lại nhiều niềm tiếc nuối đối với các CTĐC. Người viết cho rằng cách phản ứng này của cơ quan quản lý là một bước thụt lùi trong tiến trình cải cách và cơ cấu lại thị trường chứng khoán vì thể hiện rõ tư tưởng “không quản được thì cấm”.

Bởi lẽ, trước khi Luật Chứng khoán 2019 ra đời, quy định về mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ của các CTĐC được xây dựng và thiết kế rất bài bản nhằm hướng đến việc lấp các khe hở. Nếu dựa trên nền tảng các quy định cũ để hoàn thiện quy định và tăng cường năng lực giám sát, thực thi thì hoàn toàn có thể quản lý và xử lý được những hành vi tiêu cực.

Lấp các khoảng trống về chào mua công khai

Mục tiêu của quy định về chào mua công khai là đảm bảo cho cho các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ được đối xử công bằng cũng như bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông trước các hoạt động mua cổ phiếu mang tính thâu tóm. Đây cũng là công cụ góp phần hạn chế việc thao túng giá chứng khoán, bảo đảm cho thị trường được vận hành một cách minh bạch, công bằng.

Mục tiêu này dường như chưa thực hiện được trọn vẹn bởi quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành không bao quát được hết các trường hợp. Hệ quả là nhiều đối tượng đã tận dụng những kẽ hở để lách luật, âm thầm mua gom cổ phiếu trong thời gian dài để kiểm soát công ty mà không thực hiện thủ tục chào mua công khai dẫn đến việc thâu tóm không công bằng.

Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung nhiều quy định lấp vào những khoảng trống này, có thể điểm qua ba điểm mới đáng chú ý: Thứ nhất, xác định rõ các đối tượng phải thực hiện chào mua công khai theo hướng mở rộng đối tượng người có liên quan. Thứ hai, xác định rõ các mốc tỷ lệ sở hữu cổ phiếu phải chào mua công khai: 25%, 35%, 45%, 55%, 65% và 75%. Thứ ba, trường hợp nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến đạt các mốc tỷ lệ sở hữu vừa nêu sẽ không phải chào mua công khai nếu đáp ứng hai điều kiện: (i) được đại hội đồng cổ đông thông qua; (ii) nghị quyết của đại hội đồng cổ đông phải xác định được đối tượng chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng.

Những phân tích trên cho thấy nghĩa vụ tuân thủ của các CTĐC đang diễn tiến theo chiều hướng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Hàng loạt quy định về quyền và nghĩa vụ thay đổi, buộc các CTĐC phải có kế hoạch và chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ tuân thủ. Điều này cũng buộc các công ty cổ phần đang có kế hoạch đại chúng hóa phải cân nhắc mối tương quan giữa lợi ích của việc đại chúng hóa và chi phí tuân thủ.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Xem thêm: lmth.gnuhc-iad-yt-gnoc-iov-iod-uht-naut-uv-aihgn-av-9102-naohk-gnuhc-taul/579903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Luật Chứng khoán 2019 và nghĩa vụ tuân thủ đối với công ty đại chúng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools