vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ về miền Trung

2020-11-01 11:38
Nhớ về miền Trung - Ảnh 1.

Một vườn cúc trồng bán tết của nông dân xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 9 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Nhớ ở nơi ấy còn có người mẹ, người dì, những đứa cháu... đang quay cuồng sau lũ. Và cũng có những nỗi nhớ sâu thẳm sau bao nhọc nhằn.

Tan tác đồng hoa tết

Mẹ điện vào báo tin mợ đã trắng tay vì lũ lụt bất thần kéo về làm tan hoang vườn hoa tết mà mợ dành dụm, chăm bón cho năm nay. Điện về hỏi thăm, mợ mếu máo kể lại trận lũ tràn về đêm trước. Qua điện thoại, tôi vẫn nghe ầm ào tiếng mưa nhức nhối lẫn vào giọng điệu thổn thức của mợ.

Mợ kể khi nghe thông tin mưa kéo dài trong nhiều ngày, cả nhà đều rất lo. Kinh nghiệm của mợ thì mùa mưa miền Trung đã đến, nhưng mưa dữ dội và liên tiếp nhiều ngày rồi lũ tràn về vào thời điểm này là hoàn toàn bất thường. 

Mợ đã tính toán cách cứu hoa, nhưng chỉ sau ba ngày mưa giội và sau đó những cơn bão liên tiếp ập về thì không những vườn hoa mà cả ngôi nhà của mợ cũng chìm trong biển nước.

Mợ cùng con phải kéo về nhà mẹ tôi để tránh lũ. Tôi bần thần, vì đã lâu lắm rồi mợ không về nhà mình tránh lũ lụt, không phải vì miền Trung đã vắng bóng lũ lụt mưa bão, mà vì nước lụt ngập tràn cả nơi mợ sống thì thật hiếm hoi. 

Nhưng nay, mợ phải về nhà tá túc cùng mẹ tôi với đôi tay trắng vì hậu quả bão lũ... Nghĩ thôi tôi đã thấy quặn thắt lòng mình.

Mẹ kể rằng, hằng ngày trôi qua, những người bạn của mẹ đã tề tựu về và gửi những tấm lòng giúp đỡ mợ. Mẹ kể, đêm 30 tết năm nào mợ cũng thuê xe ôm chở từng chậu hoa về tặng các bà, các chị chơi tết. 

Và giờ đây dưới màn mưa và lưới trời bão lũ, nhiều người dù cũng chới với vì thiên tai, nhưng khi nghe tin mợ thiệt hại quá đỗi, họ đều tìm đến để cùng sẻ chia.

Hiện mợ đã vơi bớt nỗi buồn nhưng những ngày sắp đến chưa biết ra sao. Nhưng tôi biết và tin mợ cùng mọi người sẽ cứng cỏi để bước tiếp, thay vì ngồi đó trách móc thiên tai.

Biết bao tấm lòng của người dân cả nước đã và đang hướng về miền Trung quê tôi, trong đó có nhiều nghệ sĩ. Điển hình như Thủy Tiên. 

Tôi không phải là người quá yêu âm nhạc, nhất là dòng nhạc của Thủy Tiên, nhưng mỗi khi nhìn cô ca sĩ mảnh khảnh tất tả ngược xuôi cùng những chuyến thiện nguyện, để mang lại hơi ấm cho nhiều cảnh đời khó khăn, tôi chợt thấy cô thật đẹp. Đẹp như tấm lòng của cô luôn sống với tâm thế biết chia sẻ cho người khác.

Nhớ món mắm cái rim đậu phụng ngày bão lũ

Những ngày bão lũ triền miên xảy ra tại quê nhà, ở Sài Gòn tôi lại nhớ da diết cái mùi vị quen thuộc của món ăn thuở nhỏ. Món ăn ấy gắn liền với tuổi thơ tôi, đó chính là món mắm cái rim đậu phụng vào những ngày bão lũ mà mẹ thường hay nấu cho mấy anh em tôi ăn.

Tôi vẫn còn nhớ như in vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, hồi đó ở quê tôi (Quảng Ngãi) nhà nào cũng muối sẵn cho gia đình mình một hũ mắm cái (miền Nam hay miền Bắc thường quen gọi là mắm cấy) để dành ăn qua những mùa mưa, nhất là qua những ngày bão lũ. 

Với những gia đình nghèo khó và đông con như nhà tôi thì hũ mắm cái luôn là thứ cần thiết để "đưa cơm".

Mắm cái là một loại mắm "đặc biệt" được muối với cá cơm biển còn tươi nguyên nên thường có hương vị rất riêng. Nó có vị mặn đậm đà như chính bản chất của những người miền Trung vất vả, một nắng hai sương. 

Mắm cái càng để lâu càng có vị thơm ngon đặc biệt hơn, không thể chê vào đâu được. Chén mắm cái giã ớt tỏi thường xuyên "hiện diện" trong mỗi bữa cơm độn khoai sắn của những gia đình đông con, nhà nghèo hồi đó.

Thường thì vào những ngày mưa to, gió lớn, nhất là những ngày bão lũ, nước ngập quanh làng, người ta thường không họp chợ liên tiếp trong nhiều ngày. Không thể đi chợ, lúc này hũ mắm là "vị cứu tinh" của nhiều gia đình nghèo khó hồi đó.

Mắm cái giã ớt tỏi mà chấm với rau muống luộc hay mớ rau tập tàng mẹ hái quanh giếng thì anh em tôi ăn hết cả nồi cơm. Trong những ngày bão lũ mà có món mắm cái thì chẳng cá thịt nào có thể sánh bằng.

Ăn mắm cái với rau luộc riết rồi có lúc cũng "ngán". Để thay đổi khẩu vị, mẹ thường chế biến mắm cái thành nhiều món ăn khác để anh em tôi thưởng thức. 

Đặc biệt là món mắm cái rim với đậu phụng (miền Nam hay gọi là đậu phộng), mà anh em tôi rất thích ăn với cơm nóng độn khoai sắn vào những ngày mưa bão hay những ngày mùa đông giá rét.

Hồi nhỏ khi còn ở quê, ngồi trong gian bếp củi ấm áp ngày mưa bão, tôi thường hay để ý cách mẹ chế biến món mắm cái rim với đậu phụng dành cho "con nhà nghèo". Khi chảo nóng mẹ bắt đầu cho một ít mỡ heo (mẹ hay để dành trong chén mỗi ngày) vào. Mẹ cũng không quên cho một ít tỏi giập vào chảo để món ăn có mùi vị thơm ngon hơn.

Khi mùi tỏi bốc thơm ngào ngạt đầy gian bếp cũng là lúc mẹ cho nguyên một chén mắm cái vào chảo. Dùng đũa đảo qua đảo lại chừng vài giây cho mắm khỏi "sít", mẹ bắt đầu cho chén đậu phụng đã rang sẵn vào nồi và trộn đều lên.

Để cho món mắm cái ít mặn hơn, mẹ thường cho thêm muỗng đường đầy rồi gạt lửa nhỏ liu riu chừng hơn phút. Trời lạnh mà có món mắm cái rim đậu phụng do mẹ làm, thì dù chỉ có nồi cơm độn khoai sắn anh em tôi ăn không biết chán...

Anh em tôi giờ đây đã trưởng thành. Có người đi làm ăn xa, lâu lâu có dịp về thăm quê, lại tề tựu về ngôi nhà nhỏ, thân yêu, quen thuộc của mẹ. Rồi chúng tôi lại "bắt" mẹ làm món mắm cái rim đậu phụng thuở trước để thưởng thức.

Bà con quê tôi đang trong những ngày mưa lũ đầy khốn khó. Chắc rằng lại có những người con được ăn chén mắm cái của mẹ để đi qua những ngày bão dông. 

Và như chúng tôi, các em chắc rồi sẽ đi xa. Đi xa để thành đạt, để nhớ và trân trọng món mắm cái, mắm cái rim đậu phụng mà mẹ hay làm. Món mắm dân dã đã nuôi chúng ta lớn khôn, nên người.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi ủng hộ sách, vở cho thầy, trò miền TrungBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi ủng hộ sách, vở cho thầy, trò miền Trung

TTO - "Trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung cho việc tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại hội nghị ngành giáo dục diễn ra vào sáng 31-10.

Xem thêm: mth.31713550213010202-gnurt-neim-ev-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ về miền Trung”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools