Châu Âu bước vào đợt phong tỏa mới để khống chế Covid-19
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Một loạt nước châu Âu tái triển khai lệnh phong tỏa trên toàn quốc hoặc một phần khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không ngừng tăng, vượt tầm kiểm soát, đe dọa tính mạng người dân và gây sức ép cho hệ thống y tế.
Báo chí Anh đưa tin trang nhất về lệnh phong tỏa mới trong số phát hành hôm 1-11. Ảnh: BBC |
Anh tái phong tỏa toàn quốc
Tại cuộc họp báo vội vã vào đêm 31-10, Thủ tướng Anh, Boris Johnson ra lệnh tái triển khai lệnh phong tỏa trên toàn quốc sau khi Anh ghi nhận số ca nhiễm trong đại dịch Covid-19 vượt con số 1 triệu và làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế của nước này. Anh đang chật vật ứng phó với với 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các nhà khoa học cảnh báo trong kịch bản tồi tệ nhất, số ca tử vong ở Anh do dịch Covid-19 có thể vượt con số 80.000.
Cho đến nay, Anh báo cáo gần 47.000 ca tử vong (những người tử vong trong vòng 28 ngày sau khi được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2). Nếu dựa trên giấy chứng tử, số tử vong do Covid-19 ở Anh là gần 59.000 người.
Anh là nơi có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất châu Âu và cao thứ năm thế giới sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết lệnh phong tỏa sẽ áp đặt từ ngày 5-11 đến ngày 2-12. Ông nói: “Chúng ta phải hành động ngay, nếu không, chúng ta có thể chứng kiến số người chết lên đến vài ngàn người mỗi ngày”.
Theo lệnh phong tỏa, hay còn gọi là lệnh yêu cầu ở nhà (stay at home), người dân chỉ được phép rời nhà trong mộtsố trường hợp nhất định như học hành, làm việc, tập thể dục, mua sắm hành hóa thiết yếu và thuốc men.
Các cửa hàng thiết yếu, trường học vẫn được phép mở cửa. Các trận thi đấu thể thao chuyên nghiệp sẽ được tiếp tục diễn ra nhưng những hoạt động thể thao nghiệp dư cho người lớn và trẻ em sẽ phải dừng lại. Các quán rượu và nhà hàng chỉ được phép giao hoặc bán đồ ăn mang về. Người dân không được đi ra nước ngoài ngoại trừ lý do công việc.
Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ khôi phục chương trình trợ cấp lương khẩn cấp để bảo đảm những người lao động tạm thời bị sa thải trong đợt phong tỏa mới được nhận 80% mức lương. Lệnh phong tỏa toàn quốc là một thay đổi chính sách đáng chú ý của Thủ tướng Johnson, người trong nhiều tháng qua cho rằng điều này là không cần thiết. Cách đây hai tuần, ông giới thiệu các biện pháp giãn cãnh xã hội theo ba cấp độ rủi ro nhằm tránh một lệnh phong tỏa toàn diện.
Khi được báo chí hỏi lý do vì sao ông mất quá nhiều thời gian để ra quyết định tái phong tỏa toàn quốc, ông Johnson nói rằng ông phải đấu tranh liên tục để cân bằng giữa rủi ro tính mạng và rủi ro mưu sinh của người dân.
Pháp, Đức phong tỏa ở mức hạn chế
Hôm 28-10, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thông báo 67 triệu dân Pháp sẽ bước vào đợt phong tỏa kéo dài 4 tuần bắt đầu từ ngày 29-10 sau khi số ca nhiễm trong đại dịch Covid-19 ở nước này tăng nhanh và đã lên mức hơn 1,3 triệu ca. Theo lệnh này, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà với các lý do thiết yếu như mua sắm thực phẩm, khám bệnh, đi làm việc hoặc các lý do cấp bách liên quan đến người nhà.
Ngoài ra, họ được phép ra ngoài tập thể dục trong vòng một tiếng nhưng chỉ ở phạm vi một km tính từ nhà của họ.
Tuy nhiên, lệnh phong tỏa lần này ít nghiêm ngặt hơn so với lệnh phong tỏa cách đây bảy tháng. Chẳng hạn, các trường học được phép mở cửa.
Ngành xây dựng được phép hoạt động vì nền kinh tế Pháp bị ảnh hưởng nặng nề do ngành này bị đóng cửa hồi mùa xuân. Các bãi biển, công viên vẫn được phép mở cửa nhưng chỉ phục vụ những người sống trong vòng 1 km quanh đó. Các nơi bị đóng cửa bao gồm các cửa hàng không thiết yếu, quán cà phê, nhà hàng phục vụ tại chỗ, phòng tập gym, các câu lạc bộ thể thao, rạp phim, nhà hát, viện bảo tàng...
Tại Đức, nơi số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ đạt mức kỷ lục 18.681 ca vào ngày 30-6, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến của các bang nhất trí triển lệnh phong tỏa hạn chế trong vòng 4 tuần bắt đầu từ ngày 2-11. Theo đó, các quán bar, nhà hàng chỉ được bán đồ ăn mang về. Các cơ sở giải trí và các tụ điểm văn hóa, thể thao sẽ phải đóng cửa, trong khi đó, các trường học và hầu hết cửa hàng vẫn được phép hoạt động. Lưu trú qua đêm ở các khách sạn với mục đích du lịch bị cấm. Các cuộc gặp gỡ nơi công cộng hạn chế ở mức tối đa 10 người.
Tại cuộc họp báo thông báo lệnh phong tỏa, Thủ tướng Angela Merkel nói: “Chúng ta đang ở trong tình thế rất nguy ngập. Chúng ta phải hành động ngay lập tức để tránh tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia nghiêm trọng”. Trong cuộc họp báo 31-10, Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis thông báo triển khai lệnh phong tỏa với mức độ hạn chế và kéo một tháng bắt đầu từ ngày 3-11 để kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Người dân sẽ bị bắt buộc mang khẩu trang ở mọi nơi và không được tụ tập nơi công cộng. Lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ nửa đêm đến 5 giờ sáng. Ở những khu vực có rủi ro cao, các nhà hàng không được phục vụ ăn uống tại chỗ. Nhà hàng, quán bar, rạp phim, nhà hát, viện bảo tàng, phòng tập gym đều phải đóng cửa. Song các cửa hàng và trường họp sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Cảnh sát Pháp kiểm soát người đi bộ trên một tuyến phố ở Paris trong ngày đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa lần thứ hai để kiểm dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Reuters |
Bồ Đào Nha: Yêu cầu dân ở 121 thành phố ở nhà
Hôm 31-10, chính phủ Bồ Đào Nha cũng thông báo lệnh phong tỏa mới áp dụng đối với phần lớn đất nước, ảnh hưởng đến 70% dân số của nước này bắt đầu ngày 4-11. Lệnh phong tỏa yêu cầu người dân ở 121 thành phố bao gồm ở những vùng quan trọng như Lisbon và Porto phải ở nhà ngoại trừ các trường hợp đi ra ngoài vì công việc, học hành và mua sắm hàng hóa thiết yếu. Lệnh cũng yêu cầu các công ty chuyển sang mô hình làm việc từ xa.
Lệnh phong tỏa được thông báo khi số ca nhiễm mới hàng ngày ở Bồ Đào Nha đạt mức kỷ lục mới 4.656 ca vào ngày 30-10. Cho đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận 141.279 ca nhiễm gồm 2.507 ca tử vong. Thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Costa cho biết lệnh phong tỏa sẽ được xem xét lại 15 ngày mỗi lần. Ông nói: “Nếu không làm gì cả, số ca nhiễm tăng lên sẽ khiến hệ thống y tế của chúng ta sụp đổ”. Bồ Đào Nha cũng đã cấm người dân di chuyển giữa hơn 300 thành phố từ ngày 30-10 đến ngày 3-11.
Bỉ, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên đầu người ở mức cao nhất thế giới, sẽ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 2-11. Chính phủ Bỉ yêu cầu các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa và hạn chế các chuyến thăm viếng đến nhà riêng của các hộ gia đình.
Thủ tướng Bỉ, Alexander de Croo cảnh báo lệnh phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất 90 ngày. Trong tuần qua, Bỉ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới, trung bình mỗi ngày hơn 15.000 ca, mức cao kỷ lục mới. Ông Alexander de Croo nói: “Đất nước chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp y tế. Sức ép lên các bệnh viện rất lớn và đội ngũ y bác sĩ đang nỗ lực phi thường để cứu tính mạng bệnh nhân mỗi ngày”.
Ý: Biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát Covid
Chính phủ Ý có thể sớm thông báo các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn bao gồm cấm đi lại giữa một số vùng dù một số người dân, chủ yếu là giới trẻ,đang phản đối các quy định giãn cách xã hội mới áp dụng gần đây.
Hôm 31-10, các vụ xô xát đã xảy giữa cảnh sát và người biểu tình ở Rome sau khi các vụ xô xát tương tự diễn ở TP. Florence vào tối trước đó. Người biểu tình xuống đường ở nhiều thành phố trên khắp nước Ý trong tuần qua để phản đối các biện pháp giãn cách xã hội mới bắt buộc phòng tập gym, hồ bơi, rạp chiếu phim đóng cửa trên toàn quốc, trong khi đó, các nhà hàng, quán bar phải đóng cửa sớm vào lúc 6 giờ chiều.
Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Ý đạt mức kỷ lục 31.084 ca vào ngày 30-10. Trước diễn biến xấu của dịch bệnh, chính phủ Ý đang cân nhắc triển khai lệnh phong tỏa ở các thành phố lớn như Milan, Rome và Naples. Hồi tháng 3, Ý là tâm điểm của dịch Covid-19 ở châu Âu, khiến nước này phải tiến hành phong tỏa hai tháng, gây kiệt quệ nền kinh tế.
Theo Reuters, AFP, Greek City Times
Xem thêm: lmth.91-divoc-ehc-gnohk-ed-iom-aot-gnohp-tod-oav-coub-ua-uahc/961013/nv.semitnogiaseht.www