TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh xử vụ Lê Trọng Hoàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có nhiều sai sót nghiêm trọng.
Dùng đất lừa chủ đất
Theo hồ sơ, bà N. có thửa đất 56 m2 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tháng 9-2009, bà thuê Lê Trọng Hoàng xây một căn nhà cấp bốn trên đất. Bà N. giao cho Hoàng các giấy tờ liên quan để làm thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Đầu năm 2010, Hoàng nói dối bà Lâm Thị Thu Trang rằng Hoàng đã mua lô đất này giá 200 triệu đồng, muốn bán lại cho bà Trang. Để bà Trang tin, Hoàng đưa bà Trang hợp đồng giả thể hiện là bà N. chuyển nhượng đất cho Hoàng cùng với các giấy tờ mà trước đó bà N. đã đưa.
Bà Trang đồng ý mua đất và đưa cho Hoàng 250 triệu đồng. Sau khi nhận đất, bà Trang xây nhà, làm thủ tục xin cấp điện sinh hoạt và được cấp đồng hồ điện. Sau đó, Hoàng nói với bà N. rằng mình đã làm nhà xong nên bà N. thanh toán cho Hoàng 73 triệu đồng (gồm 60 triệu đồng theo hợp đồng đã giao kết và 13 triệu đồng chi phí phát sinh theo đề nghị của Hoàng).
Để che giấu hành vi lừa đảo, Hoàng vờ hỏi bà N. mua lại căn nhà với giá 770 triệu đồng. Hoàng đặt cọc 10 triệu đồng, sau đó đưa thêm 60 triệu đồng rồi cắt liên lạc. Bà N. đến căn nhà thì thấy người khác đang ở nên đã khởi kiện Hoàng ra TAND huyện Bình Chánh. Quá trình giải quyết vụ kiện, xét thấy có dấu hiệu tội phạm nên tòa chuyển công an huyện kiến nghị khởi tố Hoàng.
Ngày 2-4, VKSND huyện Bình Chánh truy tố Hoàng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tiền của bà Trang. TAND huyện Bình Chánh xác định bà Trang là bị hại, còn bà N. là người liên quan. Xử sơ thẩm, tòa này tuyên phạt Hoàng chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc trả lại bà Trang 250 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên hủy án.
Hủy án, điều tra lại
Tòa phúc thẩm đã chỉ ra hàng loạt sai sót trong quá trình điều tra, xét xử của cấp sơ thẩm, những sai sót này là nghiêm trọng, phải hủy án để điều tra, xét xử lại.
Thứ nhất, bị cáo Hoàng đang phải chấp hành bản án ngày 21-2-2017 của TAND TP.HCM với mức án 30 năm tù về ba tội. Tuy nhiên, khi xét xử, tòa sơ thẩm lại không tổng hợp hình phạt của bản án này để buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là trái luật. Tòa sơ thẩm xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 7-2-2013 là mâu thuẫn, trùng lặp về thời hạn chấp hành hình phạt tù theo bản án ngày 21-2-2017 của TAND TP.HCM.
Thứ hai, phần đất mà bị cáo sử dụng làm phương tiện phạm tội đã được chuyển nhượng nhiều lần cho nhiều người. Sau khi bị cáo lừa bán cho bà Trang thì bà đã xây dựng nhà trái phép và chuyển nhượng cho người khác. Các giao dịch này đều không đúng pháp luật. Tuy có sự tranh chấp về phần đất đã nêu nhưng chưa đủ điều kiện để giải quyết trong cùng vụ án.
Mặt khác, bà N. cũng từng khởi kiện bị cáo yêu cầu trả đất cho bà, vụ án đã được TAND huyện thụ lý. Do đó, tòa sơ thẩm không giải quyết phần dân sự có liên quan đến phần đất sử dụng làm phương tiện phạm tội là có căn cứ.
Tuy nhiên, việc tòa sơ thẩm tuyên “tách yêu cầu dân sự của bà Trang và bà N. để giải quyết bằng một vụ án khác” là không rõ ràng. Bởi lẽ bản án sơ thẩm không thể hiện yêu cầu của bà Trang là gì; không xác định rõ giải quyết bằng một vụ án khác theo trình tự tố tụng hình sự hay dân sự, hay là tiếp tục giải quyết vụ án dân sự do bà N. đã khởi kiện mà tòa này đã thụ lý.
Thứ ba, chủ đất đầu tiên là người được tòa xác định là người liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không lấy lời khai của ông này mà lại lấy lời khai của con gái ông. Có người khác cũng được tòa sơ thẩm xác định là người liên quan nhưng không còn cư trú tại địa phương, khi giao văn bản tố tụng, tòa gửi qua đường bưu điện là không đúng mà phải niêm yết công khai.
Thứ tư, sau khi lừa bà Trang, bị cáo Hoàng nói với bà N. rằng đã làm xong nhà và yêu cầu bà N. thanh toán tiền. Vì tưởng thật, bà N. đã đưa 73 triệu đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không làm rõ.
Ngoài ra, bà N. (là người cao tuổi) không có đề nghị miễn án phí nhưng tòa sơ thẩm vẫn tự miễn án phí là không đúng.
Dùng đất của bà N. làm phương tiện lừa bà Trang Sau khi tòa xử sơ thẩm, bà N. kháng cáo cho rằng bị cáo đã chiếm đoạt đất của bà nên bà là bị hại, tòa xác định bà là người liên quan là không đúng. Ngoài ra, cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, quá trình điều tra chưa đầy đủ… HĐXX phúc thẩm nhận định bị cáo Hoàng dùng đất của bà N. để làm phương tiện lừa bà Trang. VKS truy tố Hoàng lừa đảo bà Trang, trong phạm vi truy tố của VKS, tòa sơ thẩm xác định bà Trang là bị hại, còn bà N. là người liên quan là đúng. Ngoài ra, về mặt chủ quan, bị cáo Hoàng không có ý thức chiếm đoạt 56 m2đất mà chỉ sử dụng đất để làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Trang. Bà N. chưa được công nhận chủ quyền đối với 56 m2 đất này, hành vi của bị cáo không làm mất đi quyền của bà đối với phần đất nên không thể nói bị cáo chiếm đoạt đất của bà N. |