Thành lập ‘tổ hợp tín dụng’ 300.000 tỉ ‘cứu’ SME liệu có khả thi?
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) - Phương án bảo lãnh vay vốn để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh các ngân hàng đang ‘khép cửa’ vì quan ngại nợ xấu, trên thực tế đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua mà vẫn chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, giờ đây việc tính toán gói hỗ trợ mới là cần thiết để chuẩn bị cho kinh tế phục hồi trong năm sau.
Nỗ lực khơi thông dòng vốn ‘cứu’ SMEs những tháng cuối năm
Ảnh: V.D. |
Gói tín dụng 300.000 tỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" do Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM phối hợp tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã góp ý, chia sẻ và thảo luận giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
Trong đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đưa ra đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3-3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỉ đồng, để cho các danh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có cơ hội tiếp cận tín dụng.
Đây là khoản vay tín chấp, tức doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất 3-5%/năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng năm năm.
"Quan trọng nhất là tổ hợp này phải cho vay tín chấp. Giờ muốn cứu họ cũng không thể đòi hỏi tài sản thế chấp được”, ông Hiếu nói.
Đối tượng vay vốn sẽ là doanh nghiệp và hộ kinh doanh, không bao gồm cá nhân. Tuy nhiên điều kiện vay phải là những doanh nghiệp còn có khả năng “sống sót” chứ không phải toàn bộ.
Theo đó, để được vay vốn thì vốn chủ sở hữu phải còn thực dương. Doanh nghiệp có thể vay tối đa số tiền không vượt quá ba lần giá trị thực dương của vốn điều lệ, hay vốn chủ sở hữu hoặc tùy điều kiện khác do “tổ hợp tín dụng” quy định.
“Những doanh nghiệp nào chết lâm sàng hay có vốn chủ sở hữu âm hay trong tình trạng phá sản không thể vay, vì doanh nghiệp này đã quá kiệt quệ dù có bơm bao nhiêu tiền chăng nữa cũng không thể cứu”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, để tổ hợp này hoạt động được, theo TS. Hiếu thì Chính phủ cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô khoảng 30.000 tỉ đồng, để bảo lãnh cho tổ hợp tín dụng quy mô 300.000 tỉ đồng. Lý do vì các doanh nghiệp này đều là những khoản “nợ xấu” tiềm tàng mà trên thực tế các ngân hàng thương mại đã từ chối.
"Vì rủi ro nợ xấu nên chỉ có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia thì ngân hàng mới dám cho vay. Hiện nay mỗi địa phương đều có các quỹ bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp được vay, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô từng tỉnh, vốn nhỏ không đáng kể và không hiệu quả”, ông Hiếu nhìn nhận.
Theo ông Hiếu, điều thuận lợi là với hình thức như trên, Chính phủ không phải bỏ tiền ra trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, mà là tiền của các ngân hàng cho vay.
Trong khi đó, thanh khoản hệ thống hiện nay đang rất tốt, đặc biệt là nguồn tiền CASA (nguồn tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn) đang chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Các ngân hàng thương mại có thể lấy nguồn đó tham gia vào “tổ hợp tín dụng”, từ đó có cho thể cho vay với lãi suất thấp từ 3-5%/năm.
Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất trong việc thành lập tổ hợp tín dụng này, như ông Hiếu cũng thừa nhận, đó là việc Chính phủ bỏ tiền thực vào quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.
Nhu cầu vốn sản xuất-tiêu dùng cuối năm tăng cao, thị trường vẫn đang chờ các ngân hàng tiếp tục "kích cầu" tín dụng. Ảnh: ITL. |
Thách thức dòng tiền
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên mà chuyên gia đề xuất một quỹ bảo lãnh tín dụng ở quy mô quốc gia. Điển hình là vào cuối tháng 4, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ, đề xuất gói hỗ trợ 150.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vay vốn qua hệ thống ngân hàng, dưới sự bảo lãnh của chính phủ.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp trong dịch Covid-19, tuy nhiên là công ty dịch vụ nên đa phần những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều gặp khó trong điều kiện tài sản thế chấp mà các ngân hàng thương mại đặt yêu cầu.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 sau đợt giãn cách toàn xã hội đầu tiên vào tháng 4, rất nhiều chuyên gia tại nhiều hội thảo “giải cứu”đã góp ý hình thành gói hỗ trợ, trong đó có nhắc đến sự tham gia của dòng tiền chính phủ.
Theo đó, về mặt nguyên tắc, các chuyên gia đều cho rằng khi nào nhà nước chịu trách nhiệm đảm bảo cho các khoản vay có khả năng là nợ xấu, thì gói hỗ trợ tín dụng mới thực sự phát huy được tác dụng.
Ở góc độ nhà quản lý chính sách, việc Chính phủ bỏ tiền thực để bảo lãnh trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn thực sự là một thách thức không nhỏ, trong khi nguồn lực ngân sách còn phải san sẻ ra nhiều “mặt trận” khác nhau.
Ngoài ra, việc quản lý quy mô “tổ hợp tín dụng” này cũng là cả một vấn đề. Theo TS. Hiếu, “Tổ hợp tín dụng” này được NHNN đứng ra tổ chức, nhưng các Ngân hàng thương mại sẽ là đơn vị thực hiện, quản lý trực tiếp.
Về phía quản lý rủi ro, những doanh nghiệp vay vốn từ gói này sẽ là những doanh nghiệp đang yếu, nên phải có những tiêu chí định lượng và định tính để thẩm định các doanh nghiệp có nhu cầu vay. Do đó, để làm được điều này thì việc xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp vay vốn cũng là một vấn đề lớn.
“Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể cho SME, trong bối cảnh không còn dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá. Trong khi đó ngân hàng vẫn còn dư địa về thanh khoản”, TS. Hiếu nêu bối cảnh các gói hỗ trợ của ngân hàng trước đây chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế từ đợt giãn cách toàn xã hội vào tháng 4, thị trường còn thảo luận về các phương án hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên gói hỗ trợ quy mô 300.000 tỉ đồng mà các ngân hàng nêu lên trước đây nguồn tiền là từ các ngân hàng thương mại, chứ không phải nguồn ngân sách nhà nước.
Cho đến nay, dựa vào Thông tư 01, việc “giải cứu” sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào từng ngân hàng thương mại theo từng chiến lược khác nhau, thuần túy là quan hệ thị trường với các doanh nghiệp, chủ yếu là phương án miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ.
Trong khi đó, cách thức “giải cứu” theo kiểu “tổ hợp tín dụng” đề xuất ở trên đòi hỏi cơ quan quản lý cũng tham gia sâu hơn và thực tế hơn, ít nhất là ở con số 30.000 tỉ đồng tiền thực để thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, cũng như xây dựng các điều kiện cho vay và hình thành cơ chế quản lý hiệu quả trong nhóm tín dụng này.
Đối với cơ quan quản lý, việc tính toán một gói hỗ trợ tín dụng mới, tập trung hơn và có sức mạnh hơn, là điều cần thiết phải làm trong giai đoạn này, để sớm chuẩn bị cho kinh tế hồi phục trong năm 2021.
Xem thêm: lmth.iht-ahk-oc-ueil-ems-uuc-it-000003-gnud-nit-poh-ot-pal-hnaht/071013/nv.semitnogiaseht.www