Trong 9 tháng, Kiểm toán Nhà nước phải xử lý tài chính gần 53.000 tỉ đồng
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã xử lý gần 53.000 tỉ đồng trong các cuộc kiểm toán 9 tháng đầu năm nay. Trong số này, có nhiều dự án hạ tầng tại TPHCM phải xử lý tài chính gần 700 tỉ đồng mà vẫn chưa thể về đích như kế hoạch.
Nhiều dự án tại Thủ Thiêm như Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc bị điều chỉnh tổng mức đầu tư theo hợp đồng BT còn 53% so với dự toán. Ảnh:TL |
Theo Báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ở kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 đang diễn ra, kết quả xử lý tài chính được tổng hợp đến ngày 30-9 là 52.970 tỉ đồng. Trong đó, mức thu tăng 3.074,5 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 10.700 tỉ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỉ đồng.
KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 64 văn bản từ luật đến nghị định, thông tư... nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân. Qua việc kiểm toán cũng đã phát hiện hàng loạt vấn đề trong quản lý và điều hành, sử dụng ngân sách công không hiệu quả.
Theo KTNN, việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM phải xử lý tài chính và xử lý khác 663,2 tỉ đồng. Chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán còn bất cập.
Cụ thể, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc có tổng mức đầu tư được duyệt là 3.345 tỉ đồng, tuy nhiên giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỉ đồng. Giá trị dự toán tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại hợp đồng BT còn 1.776,5 tỉ đồng (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư được duyệt là 4.260,1 tỉ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.082,4 tỉ đồng, giá trị dự toán là 2.504,5 tỉ đồng (bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu).
Dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính tổng mức đầu tư được duyệt là 12.182,1 tỉ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 8.265,1 tỉ đồng, giá trị dự toán là 6.511,8 tỉ đồng (bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu).
KTNN đã xác định giá trị dự toán chưa chính xác, kiến nghị giảm ba dự án là 244,3 tỉ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, cả ba dự án chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần ba năm làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.
Tại các doanh nghiệp, tổng công ty có vốn nhà nước chi phối, KTNN kết luận một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, điển hình như Tổng công ty dầu PV Oil thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Một trường hợp khác là chính quyền TPHCM ban hành quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chín mặt bằng đất tại dự án Rạch Ụ Cây trước khi có quyết định giao đất, không có cơ sở xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất.
Mặt khác, thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất không thông qua đấu giá, thông báo và thu tiền sử dụng đất đối với hai mặt bằng đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ không theo quy định Luật Đất đai.
Một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh số lượng lớn nợ phải thu quá hạn, khó đòi; một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn vốn. Như số nợ khó đòi lên đến hơn 200 tỉ đồng tại Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Tổng công ty Thương mại và Đầu tư 643 tỉ đồng.
Tại PV Power, cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 rất thấp (0,2% tổng vốn đầu tư) hay như Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đầu tư nhiều công ty con, công ty liên doanh thua lỗ. Tại tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), nhiều công ty con phải chịu diện giám sát đặc biệt.