Trong 9 tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã chủ động triển khai các hoạt động nghiệp vụ, bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng trong bối cảnh cả nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Điểm tựa vững chắc cho người gửi tiền
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho 1.283 tổ chức tham gia BHTG, tăng 01 tổ chức so với thời điểm 31/12/2019, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, BHTGVN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN); chủ động triển khai hiệu quả các nghiệp vụ BHTG, đảm bảo tốt quyền lợi người gửi tiền. Tính đến 30.9.2020, tổng số phí BHTG thu được trong kỳ thu phí Quý 1,2,3/2020 là hơn 6.000 tỉ đồng, đạt hơn 80% kế hoạch năm 2020.
Công tác cấp chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các TCTD. Trong 9 tháng đầu năm, BHTGVN đã hoàn thành cấp mới 01 Chứng nhận tham gia BHTG, cấp lại 16 Chứng nhận tham gia BHTG và cấp 188 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG.
Công tác tham gia kiểm soát đặc biệt được BHTGVN là một trong những điểm sáng trong các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN. Cụ thể làchú trọng triển khai một cách tích cực thông qua việc triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; chủ động xây dựng mức vốn dự phòng đối với nghiệp vụ cho vay đặc biệt năm 2020 để đảm bảo BHTGVN có đầy đủ nguồn lực về tài chính phục vụ việc cho vay đối với các TCTD đủ điều kiện khi phát sinh.
BHTGVN thực hiện giám sát đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG, cung cấp thông tin kịp thời cho NHNN về các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ được giao. Thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội do dịch Covid -19, BHTGVN đã phải tạm hoãn kế hoạch kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, BHTGVN đã khẩn trương triển khai công tác kiểm tra theo kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2020, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 267/375 tổ chức tham gia BHTG, đạt hơn 70% kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2020.
Hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN. Hiện nay, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 68 nghìn tỉ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ là hơn 61 nghìn tỉ đồng. Đây là nguồn lực để BHTGVN có thể thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao cũng như tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD.
Tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD
Trong các tháng còn lại của năm 2020, BHTGVN xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để triển khai hạn mức BHTG mới, Chiến lược phát triển của BHTGVN sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tổng kết thi hành Luật BHTG và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và tạo cơ sở pháp lý để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Về các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả theo quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Công tác giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG được nâng cao, đặc biệt là kiểm tra đầy đủ các nội dung đối với các tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của NHNN.
Bên cạnh đó, BHTGVN tiếp tục mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng, lan tỏa chính sách bảo hiểm tiền gửi đến tất cả các công chúng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động đề ra trong năm 2020. Tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý; phấn đấu trở thành tổ chức BHTG hiệu quả, thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung ngành Ngân hàng.