Trong đợt lũ vừa qua, học sinh trong toàn tỉnh Quảng Trị phải nghỉ đến 14 ngày. Đến nay, còn 13 điểm trường vẫn chưa thể cho học sinh đi học trở lại vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Ước tính tổng thiệt hại toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị khoảng gần 105 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 308 điểm trường bị ngập, hơn 14.000 bộ SGK bị ướt và cuốn trôi, gần 40.000 cuốn vở bị ướt không sử dụng được, hơn 9.000 cặp sách học sinh bị ướt, gần 13.000 mét tường rào các trường học bị sập, ngã đổ, hơn 800 phòng học bị thiệt hại nặng. Tỉnh Quảng Trị có 4 em học sinh mất vì lũ, 1 giáo viên mất vì bị nước cuốn trôi.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: "Công tác khắc phục hậu quả sau lũ của ngành giáo dục toàn tỉnh cơ bản đã ổn. Các trường đã phối hợp với lực lượng công an, bộ đội tại địa phương vệ sinh, sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Việc thống kê học sinh ở các gia đình chịu thiệt hại do lũ cũng đang được gấp rút tiến hành. Sở đã chỉ đạo các trường học rà soát cơ sở vật chất sau lũ. Trong trường hợp có các hạng mục hư hỏng, xuống cấp thì đề nghị chính quyền địa phương phối hợp để sửa chữa, đảm bảo an toàn cho học sinh. Các trường sẽ chủ động tổ chức dạy bù để đảm bảo tiến độ năm học".
Tại điểm trường Trúc Khê của trường Mầm non Vành Khuyên (Cam Lộ), đoạn hàng rào dài khoảng 25m bị sập, khuôn viên trong trường bị nứt. Trường ngập nên một số đồ chơi của học sinh bị ướt. Trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Bùi Thị Yến (hiệu trưởng) cho biết: "Trường đã tổ chức vệ sinh, quét dọn bùn non sau khi nước rút và lên kế hoạch dạy bù. Đồ dùng đồ chơi cho các cháu sẽ được mua từ từ".
Một đoạn tường bị sập tại điểm trường mầm non Trúc Khê. Ảnh: NTCC
Học sinh không thể vui chơi tại khuôn viên trường bị nứt. Ảnh: NTCC
Đối với Trường THCS&THPT Bến Hải (Vĩnh Linh), việc dạy bù được nhà trường tổ chức từ 2 tuần trước. Điểm trường THCS dạy bù vào buổi chiều, mỗi tuần từ 1-2 buổi. Điểm trường THPT phải dạy bù vào chủ nhật vì không có lớp trống. Trong buổi họp hội đồng nhà trường vào ngày 3-11, trường quyết định đổi cách dạy bù cho trường THPT thành bổ sung số tiết vào mỗi buổi trong tuần.
"Nhà trường đã thực hiện việc vệ sinh các lớp, khuôn viên chỉ trong 3 ngày, ngay sau khi nước rút. Trường đã thăm hỏi một số em có hoàn cảnh đặc biệt. GVCN được quán triệt nắm bắt tình hình, thống kê số lượng học sinh gặp khó khăn sau lũ để nhà trường có sự hỗ trợ" - thầy Ngọc Sức (hiệu trưởng) chia sẻ.
Tại Hướng Hóa, việc dọn dẹp hậu quả của lũ diễn ra khó khăn hơn vì nhiều vùng bị sạt lở. Trong sân trường THCS&TPHT Hướng Việt, có nơi bùn cao hơn 1m.
Theo chia sẻ của bà Thúy Phụng (hiệu phó), hiện nay thầy cô chỉ có thể cào lớp bùn đất ở trong phòng học ra ngoài. Nhà trường phải chờ máy móc, quân đội, công an, đoàn thanh niên của huyện, tỉnh đến giúp mới có thể dọn sạch lớp bùn dày ở ngoài sân. Việc dọn dẹp có thể mất thêm 10-15 ngày nữa. Bà Phụng cho biết: "Trường chỉ còn vỏ, bàn ghế đầy bùn đất, ngổn ngang. Mọi máy móc, giấy tờ, sách vở trong trường đều mất hết. Học sinh đã nghỉ học từ ngày 19-11 đến giờ và phải mất một thời gian dài nữa học sinh mới có thể học trở lại".
Máy in và sách trong Trường TH&THCS Hướng Việt hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: NVCC
Nhiều trường tại Hướng Hóa chưa thể cho học sinh đi học lại vì bùn đất ngổn ngang. Ảnh: NVCC
Thầy cô chỉ có thể cào lớp bùn non từ trong lớp ra sân trường, phải chờ hỗ trợ của máy móc. Ảnh: NVCC
Tại các trường ở khu vực cao, không ảnh hưởng bởi lũ lụt, học sinh đã đi học lại và học bù theo kế hoạch của nhà trường. Giáo viên trường THPT Đông Hà đã hỗ trợ một phần vật chất, giúp đỡ dọn vệ sinh nhà cửa của các giáo viên bị ảnh hưởng nặng do lũ. Công đoàn nhà trường đã quyên góp, nấu cơm hỗ trợ nhân dân vùng lũ Triệu Phong; hỗ trợ công đoàn viên bị thiệt hại, tiền, áo quần cho nhiều học sinh vùng lũ. Đoàn trường thành lập quỹ "Chia sẻ yêu thương" để hỗ trợ học sinh nghèo trong trường có nhà bị ngập lụt.
Trường THPT Đông Hà hỗ trợ gạo cho trung tâm GDNN-GDTX Hướng Hóa. Ảnh: NTCC