Một ngày sau bầu cử, người Mỹ thức dậy mà vẫn chưa biết ai sẽ là tổng thống tiếp theo. Họ có thể sẽ phải tiếp tục chờ, tùy thuộc vào các cuộc chiến pháp lý và quá trình kiểm phiếu. Theo Washington Post, đối với nền kinh tế, "điều đó có nghĩa sự bất ổn sẽ tiếp diễn trong năm 2020".
Trước bầu cử, đảng Dân chủ được kỳ vọng kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội, giúp các chính sách được thông qua thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều này hiện khó xảy ra. Gói kích thích mới có thể vẫn được thông qua, nhưng các nhà kinh tế không còn kỳ vọng con số hơn 2.000 tỷ USD như trong kịch bản "làn sóng xanh" nữa.
Vì thế, bất kể ai thắng cử, Mỹ đang ngày càng có khả năng tiếp tục trải qua sự phục hồi hình chữ K. Trong đó, nhóm thu nhập cao ở nửa trên sẽ tiếp tục phục hồi tốt, còn nửa dưới vẫn trượt dốc.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư thường ghét sự không chắc chắn. Nhưng tình hình chính trị hiện tại đang làm tăng thêm điều đó, nhất là khi Mỹ đồng thời phải đối phó với làn sóng bùng phát dịch thứ hai và cuộc chiến gói kích thích mới tại quốc hội. Nhiều nhà kinh tế đang hạ dự báo tăng trưởng, dù khá nhẹ, với những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, do tình hình đại dịch.
Ngược lại, chứng khoán Mỹ tăng vọt hôm 4/11, với chỉ số DJIA tăng 1,3% lên 27.847 điểm. Trong phiên, có thời điểm DJIA tăng tới hơn 800 điểm. Nguyên nhân là Phố Wall thiên về phán đoán Joe Biden chiến thắng và Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Các nhà phân tích nhanh chóng chỉ ra rằng kịch bản Nhà Trắng và Thượng viện do hai đảng khác nhau kiểm soát luôn rất tốt cho thị trường chứng khoán. Điều này đồng nghĩa Mỹ có thể không có thay đổi lớn nào trong các chính sách thuế, khí hậu cũng như chăm sóc sức khỏe.
Một phân tích của Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA Research, cho thấy kể từ Thế chiến II, chứng khoán có mức tăng cao nhất khi có tổng thống đảng Dân chủ và quyền kiểm soát Quốc hội chia đều cho hai đảng Dân chủ, Cộng hòa.
Nhà đầu tư cũng nhận thấy khả năng lặp lại kịch bản này ngày càng tăng, với Biden làm Tổng thống, Thượng viện thuộc về đảng Cộng hòa và Hạ viện do đảng Dân chủ chi phối. Hai trang web cá cược PredictIt và Betfair đều hiển thị tỷ lệ chiến thắng của Biden vào khoảng 80%.
"Quyền kiểm soát Thượng viện ít nhất cũng quan trọng như kiểm soát Nhà Trắng. Khi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại Thượng viện, chúng tôi không cho rằng sẽ có đợt tăng thuế lớn. Còn quy mô gói kích thích sẽ chỉ dưới 1.000 tỷ USD mà thôi", Goldman Sachs bình luận hôm 4/11.
Trong họp báo sau phiên họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ công bố giữ lãi suất ở mức gần 0% trong nhiều năm. Điều này sẽ tiếp tục khiến người Mỹ khá giả cảm thấy hấp dẫn khi mua cổ phiếu và nhà đất. Sự bất ổn thậm chí có thể thúc đẩy Fed tăng các biện pháp kích thích kinh tế của riêng cơ quan này.
Trong khi đó, triển vọng lại bi quan hơn nhiều đối với thị trường việc làm, vốn chỉ mới phục hồi một nửa. Việc tuyển dụng đang chậm lại và báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố vào 6/11 được cho là sẽ chỉ ra động lực tăng trưởng việc làm giảm đáng kể.
Hơn 22 triệu người vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp. Con số này giảm không đáng kể từ đầu mùa hè. Trợ cấp thất nghiệp cũng giảm mạnh. Các biện pháp nhằm giúp đỡ những sinh viên đang phải đối mặt với khoản nợ vay sinh viên sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Khó khăn đang ngày càng tăng với hàng triệu người không thể trở lại làm việc.
"Mọi người cần tiền thất nghiệp bây giờ. Tôi chưa bao giờ phải sống như thế này trước đây. Tôi quản lý tiền khá tốt, nhưng không thể tồn tại bằng cách này mãi được", Ronnie Lauth, 24 tuổi, một diễn viên kiêm nhân viên pha chế đã thất nghiệp ở New York cho biết. Anh hiện không thể tìm được việc làm.
Lauth đang sống với 300 USD trợ cấp thất nghiệp một tuần, nhưng số tiền đó chỉ đủ trả tiền thuê nhà. Những người bạn cùng phòng vẫn có việc làm phải mua đồ ăn cho anh.
Tất cả những điều này đang khiến người Mỹ thêm lo lắng trong mùa đông. Theo nhiều nhà phân tích, tương lai của kinh tế Mỹ, và các thị trường, phụ thuộc rất nhiều vào 3 câu hỏi chính: Đại dịch và gói kích thích sẽ ra sao? Người Mỹ bắt đầu chi tiêu trở lại cho các dịch vụ như du lịch, nhà hàng và giải trí nhanh đến mức nào? Và liệu cuộc bầu cử gây tranh cãi hiện tại có châm ngòi cho bất ổn xã hội hay không?
Nếu tình hình chính trị làm tăng bất ổn xã hội, nó có thể gây ra hậu quả lâu dài cho quốc gia và nền kinh tế, gây sức ép lên người tiêu dùng và làm tổn hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà hàng và cửa hàng ở các khu vực suy thoái. Trước bầu cử, các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã đồng loạt ốp ván lên mặt tiền, vì dự đoán các cuộc biểu tình có thể trở nên nguy hiểm. Các công ty như United Airlines còn chuyển đội bay ra khỏi khách sạn ở thành thị.
Peter Atwater - nhà sáng lập Financial Insyghts kiêm giáo sư tại Đại học William & Mary cho biết Mỹ thậm chí còn bị chia rẽ nhiều hơn so với năm 2016. "Các điều kiện cho sự phẫn nộ đang chín muồi", ông nói.
Kinh tế Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng - vốn đang chịu sức ép nặng nề từ đại dịch. Biểu tình và bạo loạn sau bầu cử có thể khiến tiêu dùng càng yếu hơn.
Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Mỹ nhiều tháng nay là Covid-19. Việc này vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Người Mỹ đang ở nhà và chi tiêu chỉ bằng một phần nhỏ so với trước dịch. Constance Hunter - kinh tế trưởng tại KPMG cho biết, cho đến khi điều này thay đổi, ngành dịch vụ sẽ vẫn yếu ớt và sự phục hồi có thể bị đình trệ. "Chừng nào chưa xử lý được đại dịch, nền kinh tế sẽ vẫn ở trong trạng thái bị tổn thương", ông nói.
Hunter chỉ ra rằng chi tiêu cho dịch vụ thường chiếm hơn 45% tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhưng trong quý III, khi Mỹ ghi nhận tăng trưởng kỷ lục, chi tiêu cho các dịch vụ như nhà hàng, du lịch và giải trí vẫn thấp, ở mức dưới 43%. Khác biệt nghe có vẻ không lớn, nhưng nếu tính theo con số tuyệt đối, nền kinh tế trong quý III đã mất hơn 500 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Người ta hy vọng rằng nếu đại dịch được kiểm soát, làn sóng chi tiêu sẽ quay lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tồn tại cho đến thời điểm đó. Các doanh nghiệp nhỏ đang đặc biệt lo lắng. Hiện chưa rõ sự phục hồi sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2021 hay muộn hơn thế.
Những gì sẽ định hình nền kinh tế và thị trường chứng khoán có lẽ đã được tóm tắt trong một nhận định của JPMorgan sáng 4/11: "Hiện chưa rõ ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Nhưng điều rõ ràng là ông ấy sẽ phải đối mặt với sự phản kháng của quốc hội về bất cứ điều gì mang tính cải tổ, dù là về mặt ngân sách hay quy định".
Kịch bản phân chia kiểm soát tại Nhà Trắng và Quốc hội có thể tốt cho thị trường và nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các chủ doanh nghiệp nhỏ và những người thất nghiệp, nỗi đau sẽ vẫn còn đó. Đối với họ bây giờ, rất nhiều điều vẫn còn chưa chắc chắn.
Phiên An (theo Washington Post)