Khu vực sạt lở ở thôn Cưa, xã Trà Hiệp đất đá túa vào nhà dân - Ảnh: TRẦN MAI
Chiều 5-11, phóng viên Tuổi Trẻ Online có mặt tại điểm sạt lở ở thôn Cưa, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Hàng ngàn khối đất đá đổ sập, bùn đất trượt thẳng vào nhà dân.
Người dân trong làng kể tối 4-11, đất đá bất ngờ đổ sập phía sau nhà. Trong đêm, chính quyền khẩn trương đưa người dân rời khỏi làng đến ở ghép tại những nhà dân có vị trí an toàn.
Ông Hồ Văn Hải (thôn Cưa) kể lại: "Mọi người đang ngủ thì nghe tiếng ầm. Biết có sạt lở núi, ai cũng hoảng hồn chạy ra khỏi nhà. May là núi không sạt thêm và chính quyền cũng kịp thời đến giúp dân".
Đất đá túa vào nhà dân, may mắn vụ sạt lở dừng lại, người dân di tản khỏi nhà - Ảnh: TRẦN MAI
Theo quan sát, khu vực này đang xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khoảng 200m, nước từ trong thân núi túa ra tạo thành bùn nhão tiếp tục tràn xuống ngôi làng. Chính quyền đang điều xe cơ giới đến dọn dẹp bùn nhão và theo dõi sát sao tình hình, không cho người dân trở lại nhà di chuyển đồ đạc.
Theo thống kê của xã Trà Hiệp, có 8 ngôi nhà với 47 người phải di dời khẩn cấp. Ngôi làng này người dân sinh sống hàng trăm năm qua và không có sạt lở trước đây. Hiện trạng điểm sạt lở có một con đường vừa mới mở, đơn vị thi công bạt một phần quả đồi tạo taluy dương cao khoảng 10m.
Quả đồi bị sạt lở là taluy dương của con đường vừa mới mở - Ảnh: TRẦN MAI
Chiều 5-11, ông Đặng Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - thị sát điểm sạt lở và động viên bà con tại những nhà ở ghép. Tại hiện trường, ông Minh yêu cầu huyện Trà Bồng và xã Trà Sơn không cho người dân đến gần khu vực sạt lở.
"Tuyệt đối không để bà con thiếu ăn, thiếu mặc. Tăng cường lực lượng rà soát những quả đồi ở các khu dân cư trên địa bàn huyện. Khu vực nào có nguy cơ phải chủ động di dời dân tránh sạt lở núi. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm với dân. Không được chủ quan bởi mưa sẽ còn kéo dài", ông Minh nói.
Xe cơ giới đào bớt bùn nhão để nước thoát đi - Ảnh: TRẦN MAI
Theo báo cáo của huyện Trà Bồng, hiện đã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, chính quyền di dời gần 1.000 hộ với gần 4.200 người dân vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét đến nơi ở an toàn. Có 31 tuyến đường tại huyện bị sạt lở, hư hỏng với gần 40.000m3 đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông.
Trước đó, vào ngày 3-11, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi văn bản yêu cầu các huyện miền núi di dời hàng chục ngàn dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn.
Những vết nứt phía trên quả đồi chạy dài khoảng 200m - Ảnh: TRẦN MAI
Chính quyền đang phong tỏa khu vực, cử lực lượng túc trực, theo dõi điểm sạt lở này - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thị sát điểm sạt lở và động viên bà con trong thời gian ở ghép tránh sạt lở núi - Ảnh: TRẦN MAI
TTO - Câu trả lời là cần cả hai. Tuy nhiên, việc có được bản đồ cảnh báo sạt lở không phải là chuyện đơn giản, việc tính toán nhanh chuyện quy hoạch các khu dân cư miền núi cũng gặp khó khăn về nguồn lực.
Xem thêm: mth.15763148150110202-med-gnort-yahc-ob-gnal-ac-pas-od-ad-tad-iohk-nagn-gnah/nv.ertiout