Dự án khách sạn The Horizon Nha Trang, theo Thanh tra Chính phủ có nguồn gốc là nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cho thuê đất không thông qua đấu giá, xây dựng khách sạn không đúng quy hoạch - Ảnh: NHẬT KHÁNH
Cũng trong thông báo, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, tập thể và cá nhân theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị Thủ tướng xử lý kỷ luật nghiêm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu đối với chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật với các phó chủ tịch UBND tỉnh có liên quan về những vi phạm đã nêu trong kết luận...
Đụng đâu sai đó...
Sau khi thanh tra 10 dự án được ưu đãi đầu tư ở TP Cam Ranh, huyện Cam Lâm và TP Nha Trang, TTCP kết luận cả 10 dự án đều không được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, chưa kể tiến độ 10 dự án này đều chậm so với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí có 1 dự án chưa triển khai. Với 3 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, TTCP cũng kết luận có vi phạm.
Cụ thể, với nhà đất số 68 Thống Nhất (phường Vạn Thắng, TP Nha Trang), chi nhánh Công ty CP đấu giá và dịch vụ bất động sản Thiên Việt Khánh Hòa đã không niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi đấu giá; không thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bán đấu giá tài sản.
"Chịu trách nhiệm về vi phạm là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và phó chủ tịch có liên quan; giám đốc các sở, ngành, tổ chức tư vấn bán đấu giá" - kết luận nêu, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa xác định lại tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Với nhà đất số 1 đường Quang Trung (phường Vạn Thắng, Nha Trang), theo TTCP, không có trong phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Vì thế, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát việc thực hiện quyết định của Thủ tướng "về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước". Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xác định lại giá đất để thu tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với cơ sở nhà đất trên.
Tại dự án nhà đất số 9B đường Hoàng Hoa Thám (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang), TTCP cũng phát hiện đơn vị tổ chức đấu giá đã không niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá; không thông báo công khai việc bán đấu giá.
Chịu trách nhiệm về vi phạm tại dự án nhà đất trên là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và giám đốc các sở, ngành có liên quan. TTCP kiến nghị rà soát các quy định pháp luật khi bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu đất này, xác định lại tiền sử dụng đất, rà soát việc sử dụng đất...
Có làm là phải có sai?
Các dự án trong giai đoạn được thanh tra nằm vào khoảng thời gian làm chủ tịch của hai ông Nguyễn Chiến Thắng (2011 - 2016) và Lê Đức Vinh (2016 - 2021, bị cách chức năm 2019).
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 5-11, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết những vi phạm của các dự án này cũng đã được nêu ra tại các cuộc kiểm điểm, xử lý kỷ luật ông về mặt Đảng cuối năm 2019. Theo ông Thắng, nếu làm đúng luật hết sẽ rất khó triển khai các dự án "vì đúng luật này thì không đúng luật kia".
"Thời buổi đó lạm phát lớn, nếu không thúc đẩy phát triển thì không kiềm chế lạm phát được. Dân khó, làm lãnh đạo mình xót xa nhất nên làm gì mà dân được nhờ là được rồi, khó có thể tròn trĩnh hết được. Tôi biết là làm là có sai và khi kiểm tra về Đảng tôi cũng nhận hết rồi, tôi nhận từ dưới chi bộ lên tỉnh rồi lên trung ương, nhận cách hết các chức vụ trong Đảng trước khi có quyết định kỷ luật" - ông Thắng nói.
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ về kết luận thanh tra này, ông Phạm Văn Chi - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (2001 - 2006) - cho rằng các sai phạm vẫn là không tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, không đấu giá đất, giao "đất vàng" sai quy định pháp luật... Nhiều dự án đã cấp chứng nhận đầu tư rồi nhưng nhà đầu tư không thực hiện mà tỉnh cũng không thu hồi, để kéo dài nhiều năm gây lãng phí.
"Kết luận không nói thất thoát của Nhà nước bao nhiêu tiền, nhưng chỉ 1 dự án tỉnh "quên" không thu tiền thuê đất trong gần 2 năm đã trên 11 tỉ đồng, đủ hình dung con số thất thoát của cả 37 dự án có vi phạm là cực lớn" - ông Chi nói.
Đồng thời cho rằng nguyên nhân là do lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa ở giai đoạn trên nóng vội cho sự phát triển của tỉnh nên có thể có việc "xé rào", vượt ngoài quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Chi cũng cho rằng vì những vi phạm kéo dài cho thấy có sự chủ quan, duy ý chí của các vị lãnh đạo UBND tỉnh giai đoạn này, dẫn đến việc triệt tiêu dân chủ trong các cuộc họp bàn về các dự án.
"Nếu lãnh đạo UBND tỉnh trong giai đoạn đó chịu lắng nghe các cấp tham mưu cho ý kiến cụ thể, phản biện rõ ràng... sẽ không có việc sai phạm hàng loạt dự án như thế này" - ông Chi nhận định.
Sẽ thực hiện các chỉ đạo, đề xuất sau thanh tra
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Tấn Tuân - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã được nghe thông tin về kết luận thanh tra, dù TTCP chưa công bố chính thức kết luận thanh tra 37 dự án với tỉnh theo quy định.
"Khi nào kết luận được công bố, tôi nắm bắt đầy đủ các nội dung của kết luận thanh tra mới có ý kiến chính thức" - ông Tuân nói. Đồng thời khẳng định UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ xem xét triển khai thực hiện các yêu cầu, đề xuất của TTCP và chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng về từng dự án, sau khi nhận được kết luận thanh tra của TTCP.
TTO - Liên quan đến vụ "Nhà thiếu nhi không yên trên "đất vàng"", UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang tổng hợp góp ý về các phương án quy hoạch đã công bố để trình UBND tỉnh. Tương lai khu đất này sẽ như thế nào?