Tham vọng điện mặt trời của Trung Quốc bị đe dọa vì thiếu... thủy tinh
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Longi Green Energy Technology (Trung Quốc), công ty công nghệ điện mặt trời lớn nhất thế giới, cảnh báo thiếu nguồn cung thủy tinh đang làm gia tăng chi phí và trì hoãn hoạt động sản xuất các tấm quang năng phủ gương hai mặt, kìm hãm kế hoạch tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch của Trung Quốc.
Giá của loại thủy tinh dùng để tráng phủ các tấm quang năng đã tăng 71% kể từ tháng 7 năm nay. Các nhà sản xuất loại thủy tinh này đang xoay sở đẩy nhanh tiến độ sản xuất để bảo đảm hàng tồn kho đủ bán cho một tuần, theo Công ty Daiwa Capital Markets. Tình trạng thiếu hụt này diễn ra giữa lúc ngành công nghiệp điện mặt trời chuyển sang sử dụng các tấm quang năng được phủ gương hai mặt, giúp tăng hấp thu năng lượng mặt trời và sản lượng điện nhưng đồng thời đòi hỏi sử dụng thủy tinh nhiều hơn.
Một trang trại tấm quang năng tại một nhà máy điện mặt trời thuộc đồng sở hữu của Longi Green Energy Technology ở Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Các công ty sản xuất tấm quang năng hàng đầu Trung Quốc như Longi Green Energy Technology đã đề nghị chính phủ Trung Quốc hỗ trợ giải quyết tình hình này bằng cách cấp phép cho nhiều nhà máy sản xuất thủy tinh mới. Nếu không, giá thủy tinh sẽ tiếp tăng cao, kéo theo rủi ro tăng chi phí của điện mặt trời và kìm hãm động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp này.
“Nếu các nhà sản xuất thấy rằng các dự án điện mặt trời không còn tính khả thi kinh tế, họ sẽ trì hoãn đầu tư vào các dự án mới và điều này sẽ kéo nhu cầu trong ngành công nghiệp điện mặt trời đi xuống” Charles Jiang, Tổng giám đốc trung tâm quản lý chuỗi cung ứng của Longi Green Energy Technology, nói.
Ông cũng cảnh báo thêm: “Khi các nhà sản xuất thủy tinh tiếp tục tăng giá, lợi nhuận của các nhà máy điện mặt trời sẽ giảm về dưới mức có thể chấp nhận được nếu không có chính sách trợ giá của chính phủ”.
Năm 2018, để ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và tiêu tốn năng lượng quá lớn trong ngành công nghiệp thủy tinh, chính phủ Trung Quốc cấm các nhà máy sản xuất thủy tinh mở rộng công suất.
Hôm 3-11, trong cuộc họp với các quan chức chính phủ, Longi Green Energy Technology và năm công ty điện mặt trời khác kêu gọi họ dỡ bỏ lệnh cấm này, ít nhất là đối với loại thủy tinh dùng để tráng gương cho các tấm quang năng.
Trong thời gian gần đây, nhu cầu thủy tinh của ngành công nghiệp điện mặt trời tăng mạnh vì các nhà sản xuất năng lượng mặt trời ngày càng ưa chuộng các tấm quang năng tráng gương hai mặt, (mặt trên và mặt dưới), giúp tăng sản lượng điện nhờ đón nhận thêm ánh nắng mặt trời phản chiếu từ mặt đất.
Các nhà phân tích ở Công ty Sunwah Kingsway dự báo các tấm quang năng tráng gương hai mặt sẽ chiếm 50% thị trường tấm quang năng toàn cầu vào năm 2022, tăng so với mức 14% vào năm ngoái.
Giá thủy tinh phủ tráng tấm quang năng tăng mạnh giúp cổ phiếu của công ty Xinyi Solar trên sàn sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông tăng vọt trong năm nay. Ảnh: Bloomberg |
Cổ phiếu của một số nhà sản xuất thủy tinh phủ tráng tấm quang năng như Xinyi Solar và Flat Glass Group tăng vọt trong thời gian gần đây. Vốn hóa thị trường của Xinyi Solar trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tăng hơn gấp đôi, còn vốn hóa của Flat Glass Group tăng gần gấp bốn lần so với hồi đầu năm.
Cổ phiếu của hai công ty này tăng giá trong phiên giao dịch 5-11 khi triển vọng đắc cử tổng thống của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, người ủng hộ phát triển năng lượng xanh ở Mỹ, trở nên rõ ràng hơn.
Charles Jiang, Tổng giám đốc trung tâm quản lý chuỗi cung ứng của Longi Green Energy Technology, cho biết thủy tinh đang chiếm khoảng 20% tổng chi phí sản xuất của các nhà sản xuất tấm quang năng.
Ông nói mất rất nhiều thời gian để xây dựng các nhà máy sản xuất thủy tinh, do vậy, nguồn cung thủy tinh cho ngành công nghiệp điện mặt trời có thể thiếu hụt 20-30% so với nhu cầu trong năm tới và thị trường sẽ chưa cân bằng cho đến năm 2022.
Tình trạng thiếu hụt thủy tinh xuất hiện vào thời điểm không thích hợp, khi các nhà sản xuất điện mặt trời đang chạy đua hoàn thành các dự án vào cuối năm nay để được hưởng chính sách trợ giá của chính phủ. Điều này cũng đe dọa chặn đứng động lực tăng trưởng của ngành điện mặt trời ngay đúng lúc chính phủ Trung Quốc cân nhắc tăng tốc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, để kìm hãm ô nhiễm môi trường và hướng đến mục tiêu zero ròng về khí thải carbon vào năm 2060.
Theo Bloomberg