vĐồng tin tức tài chính 365

Các ngân hàng lãi nhiều, nhưng lại đáng lo!

2020-11-07 10:41

Các ngân hàng lãi nhiều, nhưng lại đáng lo!

Thụy Lê

(TBKTSG) - Báo cáo tài chính quí 3 của hầu hết các ngân hàng công bố đều cho thấy xu hướng nợ xấu tiếp tục gia tăng, với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng so với cùng kỳ.

VietinBank có khoản phải thu lên đến 24.400 tỉ đồng, tăng 3.300 tỉ đồng, tương đương tăng gần 16% so đầu năm. Ảnh: THÀNH HOA

Bức tranh tổng quát về nợ xấu

Hơn 100.200 tỉ đồng là nợ xấu trong báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ của 26 ngân hàng công bố quí 3 vừa qua, tăng hơn 23.400 tỉ đồng, tương đương tăng 30,5% so với đầu năm. Nhiều nhất vẫn là ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gốc quốc doanh, gồm BIDV 20.800 tỉ đồng, VietinBank 17.700 tỉ đồng và Vietcombank 7.800 tỉ đồng. Ba ngân hàng này (không tính Agribank vì chưa công bố BCTC) cũng đang có quy mô dư nợ cho vay lớn nhất hiện nay.

So với đầu năm, có đến 22 ngân hàng trong số này ghi nhận nợ xấu tuyệt đối tăng, trong đó tăng nhiều nhất vẫn là ba ngân hàng TMCP gốc quốc doanh.

Trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, SHB có nợ xấu lớn nhất là 6.700 tỉ đồng, Sacombank 6.000 tỉ đồng và VPBank 5.700 tỉ đồng. Đáng lưu ý là VPBank, nếu tính theo báo cáo hợp nhất bao gồm công ty con cho vay tiêu dùng là FE Credit, nợ xấu lên đến 10.100 tỉ đồng.

Tính theo tỷ lệ nợ xấu, cao nhất là KienLong Bank 6,6%, Bản Việt gần 3%, PGBank 2,9% và ABBank gần 2,8%.

So với đầu năm, có đến 22 ngân hàng trong số này ghi nhận nợ xấu tuyệt đối tăng, trong đó tăng nhiều nhất vẫn là ba ngân hàng TMCP gốc quốc doanh. Cụ thể, VietinBank tăng hơn 7.000 tỉ đồng, trong đó giảm hơn 3.000 tỉ đồng ở nợ nhóm 5 nhưng nợ nhóm 3 tăng vọt thêm gần 10.000 tỉ đồng. BIDV tăng 2.900 tỉ đồng và Vietcombank tăng 2.100 tỉ đồng. Bốn vị trí tiếp theo có mức tăng nợ xấu ngàn tỉ đồng gồm SHB tăng hơn 2.000 tỉ đồng, KienLong Bank tăng gần 1.900 tỉ đồng, MBBank tăng gần 1.200 tỉ đồng và ACB tăng hơn 1.000 tỉ đồng.

Còn nếu xét theo tốc độ tăng, có bảy ngân hàng tăng từ 50% trở lên, đứng đầu là KienLong Bank tăng gấp 5,5 lần, trong đó chủ yếu tăng vọt ở nợ nhóm 5 từ gần 239 tỉ đồng lên hơn 2.100 tỉ đồng, do ngân hàng này phải phân loại nợ nhóm 5 gần 1.900 tỉ đồng các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiếp theo là ACB tăng hơn 71%, VietinBank tăng 66%, VietBank tăng 61%.

Thu nhập lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh tăng lên đi kèm với lãi phải thu cũng tăng mạnh trên bảng cân đối kế toán tại nhiều ngân hàng.

Trong khi đó, nếu nhìn vào chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chín tháng đầu năm nay lại cho thấy một số chi tiết đáng chú ý khác. Tương tự, cũng có đến 22 ngân hàng tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ trích lập dự phòng lại có sự phân hóa lớn, trong khi một số ngân hàng tích cực trích lập dự phòng thì cũng có ngân hàng mức độ trích lập dường như chưa tương xứng, do lo ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong đó, Techcombank là ngân hàng có chi phí trích lập tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm năm 2019, với mức tăng hơn 1.600 tỉ đồng, tương đương tăng 273%, dù nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng này ghi nhận giảm gần 1.700 tỉ đồng (với nợ nhóm 5 giảm hơn 2.100 tỉ đồng) và quỹ dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm gần 900 tỉ đồng so đầu năm nay. Nguyên nhân chính là tuy Techcombank trong kỳ vẫn thực trích thêm dự phòng rủi ro tín dụng, cụ thể hơn 2.200 tỉ đồng, nhưng đồng thời đã sử dụng hơn 3.100 tỉ đồng để xử lý rủi ro, nên quỹ dự phòng và nợ nhóm 5 đã giảm mạnh so với đầu năm.

Tiếp theo là Vietcombank tăng chi phi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 1.200 tỉ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng 25%; Sacombank tăng gần 1.200 tỉ đồng, tương đương tăng 74%; ACB, SHB và VietinBank cũng đều tăng hơn 500 tỉ đồng.

Nếu tính theo số trích lập tuyệt đối, BIDV trích nhiều nhất trong chín tháng qua với 15.800 tỉ đồng, VietinBank và Vietcombank trích lần lượt 11.400 tỉ đồng và 6.000 tỉ đồng. Tiếp theo là VPBank trích 3.800 tỉ đồng, MBBank trích 2.900 tỉ đồng và Sacombank 2.800 tỉ đồng.

Lãi phải thu tăng nói lên điều gì?

Dù nợ xấu tính đến cuối quí 3 tăng mạnh so với đầu năm, nhưng có lẽ vẫn chưa phản ánh hết chất lượng tín dụng thật sự của các ngân hàng do đầu năm nay NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ với những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính sách này đã giúp các ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận lãi dự thu của những khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ, nên thu nhập lãi thuần vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tốt, cũng như giảm bớt áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho giai đoạn năm nay, nhờ đó lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là khả năng đóng lãi, hoàn trả khoản vay của khách hàng đã và đang tiếp tục suy yếu, thể hiện qua thu nhập lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh tăng lên đi kèm với lãi phải thu cũng tăng mạnh trên bảng cân đối kế toán tại nhiều ngân hàng. Về cơ bản, khi ngân hàng ghi nhận lãi dự thu của các khoản vay vào lợi nhuận, nếu khách hàng thực tế đóng lãi thì lãi phải thu sẽ giảm xuống tương ứng.

Đơn cử như NamA Bank ghi nhận thu nhập từ lãi chín tháng đầu năm 2020 tăng 1.400 tỉ đồng, tương đương tăng 28% so cùng kỳ, là ngân hàng có tốc độ tăng cao nhất, nhưng đồng thời lãi và phí phải thu cũng tăng thêm 1.200 tỉ đồng, tương đương tăng 92% so với đầu năm, cùng với các khoản phải thu cũng tăng mạnh thêm 1.300 tỉ đồng, tương ứng 67%.

Tương tự, Ngân hàng Việt Á cũng có thu nhập từ lãi tăng khá mạnh - đến 25% so với cùng kỳ, tương ứng 900 tỉ đồng, nhưng các khoản lãi và phí phải thu của ngân hàng này cũng tăng thêm 1.500 tỉ đồng, tương ứng 47% so với đầu năm.

Ngoài ra, còn có SHB chứng kiến lãi và phí phải thu tăng 4.900 tỉ đồng, tương đương tăng gần 62% so với đầu năm, bên cạnh khoản phải thu cũng ở mức cao đến 15.000 tỉ đồng. Sacombank có khoản phải thu 21.600 tỉ đồng và lãi và phí phải thu là 18.300 tỉ đồng. VietBank có lãi và phí phải thu tăng 49% so đầu năm, LienVietPostBank tăng 40%.

Trong khi đó, MSB có khoản phải thu lên đến 10.500 tỉ đồng, tuy giảm 1.400 tỉ đồng so với đầu năm, nhưng con số này vẫn ở mức rất cao, trong đó các khoản phải thu có rủi ro tín dụng là hơn 5.500 tỉ đồng. VietinBank có khoản phải thu lên đến 24.400 tỉ đồng, tăng 3.300 tỉ đồng, tương đương tăng gần 16% so đầu năm. NCB là hơn 10.000 tỉ đồng, tăng 80%.

Với những thiệt hại từ đại dịch Covid-19 vừa qua, ảnh hưởng lên ngành ngân hàng là không nhỏ, do đó rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng là có thể thấy rõ, dù báo cáo của các ngân hàng vẫn chưa phản ánh đầy đủ chất lượng tín dụng hiện nay. Đáng lo ngại hơn là với tình hình bão lũ hoành hành trong thời gian vừa qua tại khu vực miền Trung, ngành ngân hàng lại đang đứng trước thách thức những khoản nợ xấu mới phát sinh từ những tai ương này.

Xem thêm: lmth.ol-gnad-ial-gnuhn-ueihn-ial-gnah-nagn-cac/072013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các ngân hàng lãi nhiều, nhưng lại đáng lo!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools