Giờ đây các nhà nghiên cứu từ Đại học Bonn cuối cùng đã đặt ra câu hỏi mà nhiều người giữ trong lòng: Làm thế nào mà những nhân viên tham lam, cư xử bất công, huênh hoang và dối trá lại có thể thành công được? Họ đã nghiên cứu 203 bộ 3 quan hệ nhân viên-đồng nghiệp-cấp trên, thu thập các bản tự đánh giá bản thân và đồng nghiệp.
Thành công của những người xấu tính có mức độ phổ biến đến nỗi có cả một "mô hình sự nghiệp" cho những người như họ được tạo ra: Một nhân viên xấu tính bợ đỡ, nịnh nọt, tâng bốc cấp trên, do đó nhận được đánh giá cao về thành tích cuối năm từ cấp trên (trong khi đồng nghiệp của họ lại nghĩ khác hẳn).
Thực ra mọi thành công đều xoay quanh các kỹ năng xã hội. Và bởi chính những kỹ năng dùng để nuôi dưỡng và phát triển những mối quan hệ lành mạnh nơi làm việc cũng thường được sử dụng để lừa dối người khác, nên các đồng nghiệp xấu tính đều có khả năng sử dụng kỹ năng mềm để phục vụ lợi ích cá nhân của mình.
"Xảo quyệt, giả dối và gian trá là những mặt tối của các kỹ năng xã hội", Gerhard Blickle – một nhà tâm lý học từ Đại học Bonn, đồng tác giả nghiên cứu – cho biết trong một báo cáo về kết quả.
Trong tâm lý học, những tính cách xấu xa thường có đặc điểm chung là thiếu trung thực và ít khiêm tốn. "Những người có tính cách như vậy thường chỉ quan tâm đến bản thân mình", Blickle giải thích.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng bạn cũng có thể góp phần ngăn chặn "mô hình thăng tiến" trong sự nghiệp của những người xấu tính. Nếu là một quản lý, bạn cần chú ý sát sao hơn đến hiệu quả công việc của cả nhóm/tập thể mình phụ trách (không chỉ hiệu quả trong mỗi việc đơn lẻ được giao), và phân chia rõ ràng hiệu quả công việc với ấn tượng tốt, đặc biệt là trong những công việc liên quan đến thu hút sự chú ý và quan tâm của người khác (như bán hàng và các vị trí quản lý), nơi các tính cách xấu có cơ hội thăng tiến và thành công.
Đinh Vân
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.13193130170110202-neit-gnaht-ial-peihgn-us-gnuhn-hnit-uax-nab-auc-peihgn-gnod-oas-iv/nv.zibefac