vĐồng tin tức tài chính 365

Các khu mua sắm ở Philippines xoay xở ứng phó với dịch bệnh

2020-11-08 19:49

Các khu mua sắm ở Philippines xoay xở ứng phó với dịch bệnh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Các khu mua sắm, được ví như các mô hình thu nhỏ của nền kinh tế trị giá 377 tỉ đô la Mỹ, phụ thuộc vào tiêu dùng của Philippines, đang đứng trước áp lực đổi mới để tồn tại khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 thúc đẩy các nhà bán lẻ và người tiêu dùng chuyển sang các kênh mua sắm trực tuyến.

Cảnh vắng hoe tại khu bán hàng thời trang ở một khu mua sắm của Philippines trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thấm đòn nặng vì dịch bệnh

Khi các hoạt động chào đón lễ Giáng sinh bắt đầu rục rịch ở Philippines, các khu mua sắm là nơi đầu tiên chào đón sự kiện này. Ngay từ đầu tháng 9, các gian hàng lớn ở đây được trang hoàng những vòng hoa giả, chuông treo lủng lẳng, trong khi đó, các chương trình bán hàng khuyến mãi được triển khai rầm rộ

Nhưng trước thềm Giáng sinh năm nay, khi bước vào các khu mua sắm, thay vì được chào đón bởi các nhân viên mặc trang phục ông già Noel, người mua sắm Philippines phải đối mặt với máy quét kiểm tra thân nhiệt và những chiếc bàn có để sẳn nước rửa tay khô.

Tại các khu mua sắm, các tấm áp phích quảng cáo khuyến mãi được đặt song song với bảng thông báo nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách với người khác để tránh nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Ngay cả khi bán giảm giá, tình hình kinh doanh vẫn rất khó khăn vì mọi người ngại đi ra khỏi nhà”, nhân viên cửa hàng thời trang ở một khu mua sắm ở thủ đô Manila, nói.

Colliers International Philippines dự báo tỉ lệ mặt bằng trống ở các khu mua sắm ở vùng thủ đô Manila sẽ tăng từ mức 9,8% vào năm ngoái lên mức 14% trong năm nay, tương đương với năm 1999 sau khi Philippines chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Giá cho thuê mặt bằng ở các khu mua sắm cũng được dự báo giảm 2% vào năm sau, trong khi đó, các khu mua sắm mới có thể bị trì hoãn khai trương.

Trong năm nay, các khu mua sắm ở Philippines thấm đòn nặng nề bởi các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, khiến niềm tin của người tiêu dùng sụp đổ và nền kinh tế Philipines tiến vào cơn suy thoái đầu tiên trong ba thập kỷ qua.

Hàng tỉ đô la vốn hóa thị trường của các công ty phát triển bất động sản thương mại và doanh thu của các nhà bán lẻ ở Philippines đã bị thổi bay trong thời kỳ dịch bệnh.

Với hơn một nửa doanh thu đến từ các khu mua sắm, SM Prime, công ty phát triển bất động sản lớn nhất Philippines, chứng kiến vốn hóa thị trường giảm hơn 19% trong năm nay, xuống còn 953 tỉ peso (19,8 tỉ đô la Mỹ) tính đến ngày 4-11.

Tỷ lệ trống tại các khu mua sắm ở Philippines đang tiến sát các mức cao trong lịch sử khi nhiều người mua sắm ở nhà để tránh bị lây nhiễm.
Philippines là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm trong đại dịch Covid-19 cao nhất khu vực bất chấp giới chức trách đã triển khai một trong những chiến dịch phong tỏa nghiêm ngặt và dài nhất.

Lo sợ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và lệnh yêu cầu người dân ở nhà giúp mua sắm trực tuyến trỗi dậy. Trong khi đó, nhiều cửa hàng trực tiếp đang phải dừng hoạt động. 
 

Các nhà bán lẻ chuyển sang kênh bán hàng trực tuyến

Tại đất nước nhiệt đới Philippines, các khu mua sắm với không khí mát mẻ nhờ hệ thống điều hòa, chẳng khác nào những trung tâm khổng lồ của các dịch vụ công cộng. Bên cạnh nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ, rạp phim, các khu mua sắm còn là nơi tọa lạc của các phòng giao dịch ngân hàng, phòng khám, trung tâm kiều hối, nhà nguyện và các trung tâm dịch vụ công của chính quyền.

Tất cả những điều này giúp các khu mua sắm trở thành điểm đến yêu thích của mọi gia đình Philippines bất kể giàu nghèo. “Khu mua sắm là nơi gắn kết các thành viên gia đình vào dịp cuối tuần. Chúng tôi ăn uống, chơi và đi dạo khắp nơi từ trưa đến tối mà chỉ tiêu chưa tới 1.000 peso (20 đô la Mỹ)”, Jeaneth Delos Reyes, một khách mua sắm đang đi cùng với ba đứa con nhỏ trong một khu mua sắm ở Manila, nói. Delos Reyes cho biết gia đình cô đã dừng đi đến các khu mua sắm kể từ khi lệnh cách ly cộng đồng, buộc người già và trẻ em phải ở nhà, được áp đặt hồi tháng 3.

Quyền Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế xã hội Philippines, Karl Chua, từng mô tả 865 khu mua sắm của Philippines giống như ‘những nền kinh tế thu nhỏ’. Ông nói mọi người có thể làm bất cứ điều gì ở những nơi đó ngoại trừ ngủ.
Năm ngoái, lượt khách ghé trung bình hàng ngày ở 74 khu mua sắm của SM Prime đạt 4,2 triệu người, tương đương dân số của Cộng hòa Panama.

Theo Bộ Thương mại Philippines, tính đến đầu tháng 9, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trực tuyến ở nước này đã nhảy vọt lên con số 75.876 so với chỉ 1.753 vào cuối tháng 3.

Lượng giao dịch mua sắm ở các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee ở Philippines tăng bùng nổ trong thời kỳ phong tỏa.

Được hỗ trợ bởi 30 tỉ đô la kiều hối và 25 tỉ đô la doanh thu từ các công ty gia công quy trình kinh doanh mỗi năm, ngành tiêu dùng của Philippines thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng nước ngoài bao gồm thương hiệu thời trang Uniqlo (Nhật Bản) và H&M (Thụy Điển) trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của họ đốt nóng sự cạnh tranh những vị trí đắc địa ở các khu mua sắm, đẩy giá cho thuê mặt bằng tăng mạnh, giúp cho các công ty phát triển bất động sản thương mại thu về lợi nhuận lớn.

Giờ đây, đại dịch buộc ngành bán lẻ của Philippines phải thẩm định chiến lược kinh doanh. Paul Santos, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Philippines, nói: “Rất nhiều nhà bán lẻ tái thẩm định chiến lược kinh doanh mặc định trước đây là tìm cách tăng sự hiện ở các trung tâm mua sắm để tăng trưởng. Chiến lược này không còn hiệu quả như trước nữa ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Những nhà bán lẻ trước đây còn lưỡng lự với thương mại điện tử giờ đây nhanh chóng đón nhận nó”.

Tập đoàn SSI Group, nhà bán lẻ hàng xa xỉ hàng đầu Philippines, đã khai trương gian hàng trực tuyến cho nhiều thương hiệu và dịch vụ mua hàng hộ cho những khách hàng ngại ra khỏi nhà.

Doanh thu của SM Prime và Ayala Land, hai công ty quản lý chuỗi khu mua sắm hàng đầu của Philippines, lần lượt giảm 49% và 43% trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Nikkei Asian Review

‘Đổi mới hoặc biến mất’

Các nhà bán lẻ ở Philippines đang tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khu mua sắm và cửa hàng trực tiếp và người tiêu dùng ngày càng thích mua sắm trực tuyến hơn. Tình hình này sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong ngành bán lẻ và buộc các khu mua sắm phải đổi mới.

“Họ buộc phải đổi mới hoặc biến mất”, Joey Roi Bondoc, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty dịch vụ bất động sản Colliers International Philippines, nói. Các nhà phát triển bất động sản thương mại đã nhận ra những bất ổn mà họ đang đối mặt và đang sẵn sàng đón nhận sự chuyển đổi sang thương mại điện tử.

“Chúng tôi tin rằng do mức độ bất ổn quá lớn của đại địch Covid-19, thói quen của người tiêu dùng chắc chắn không còn như trước đây nữa sau khi dịch bệnh lắng xuống”, Injap Sia, Giám đốc điều hành Công ty phát triển bất động sản Double Dragon Properties và là người sáng lập Công ty bán lẻ Merry Mart Consumer, nói.

Một số công ty bán lẻ, chứng kiến doanh thu suy giảm đến 80% trong nửa đầu năm nay, có thể đóng cửa các cửa hàng có doanh thu yếu vĩnh viễn, theo nhận định của Paul Santos, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Philippines.

Để giữ chân các nhà bán lẻ và ngăn họ đóng cửa các gian hàng vĩnh viễn, SM Prime và Ayala Land, một công ty bất động sản khác đang quản lý 32 khu mua sắm ở Philippines, đã miễn thu phí thuê mặt bằng tổng cộng 16 tỉ peso trong nửa đầu năm nay. Tỷ lệ mặt bằng trống gia tăng đang khiến các khu mua sắm xem xét lại mô hình kinh doanh với tầm nhìn hướng đến thương mại điện tử.

“Chúng tôi đang xem xét cải tạo một số khu vực ở các khu mua sắm thành các trung tâm hoàn thiện đơn hàng cho thương mại điện tử và có thể chuyển đổi mục đích sử dụng một số khu vực sang công năng văn phòng”, Arlene Magtibay, Phó Chủ tịch Robinsons Land, công ty phát triển khu mua sắm lớn thứ hai Philippines, nói. Bà cho biết công ty bà sẽ tái thiết kế trải nghiệm ở các khu mua sắm để phù hợp với lối sống mới khi nhận thức của khách hàng về bảo vệ sức khỏe tăng lên.

Theo Nikkei Asian Review

Xem thêm: lmth.hneb-hcid-iov-ohp-gnu-ox-yaox-senippilihp-o-mas-aum-uhk-cac/604013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các khu mua sắm ở Philippines xoay xở ứng phó với dịch bệnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools