Ba quý của năm nay có thể coi là bão táp với các doanh nghiệp trước những tác động của dịch bệnh COVID-19. Chưa bao giờ sức chống chịu và khả năng thích nghi ứng phó với những biến động, bất lợi của thị trường lại mạnh như những tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thậm chí, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong số ít ỏi các nền kinh tế có tăng trưởng dương.
Hàng loạt mô hình phát triển mới, mô hình quản trị rủi ro đã được các doanh nghiệp áp dụng để vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc để thích nghi, vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sáng tạo để vươn lên sau dịch
Trước đây, những cánh đồng ngô chỉ mang lại thu nhập 30 triệu đồng 1 vụ. Nếu không thay đổi, quỹ đất rộng lớn sẽ trở thành gánh nặng. Mạnh dạn thay đổi từ trồng ngô sang cây phòng phong, cùng với đó là đầu tư chế biến sâu đã giúp vùng đất của doanh nghiệp từ chỗ chẳng đủ ăn, nay đạt thu nhập lên tới 600 - 700 triệu đồng/ha, cao gấp gần 23 lần so với trước. Biến nguy thành cơ đã giúp doanh nghiệp không chỉ đứng vững, mà còn vươn lên trong dịch.
"Chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, không bị phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo công ăn việc làm cho bà con khi tham gia trồng dược liệu cho chúng tôi", ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Dược, cho biết.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp hàng không quyết tâm phục hồi kinh doanh. (Ảnh: Dân trí)
Đại dịch đã khiến các doanh nghiệp hàng không nằm trong nhóm bị thiệt hại nặng nhất, nhưng khi tình hình được kiểm soát, chính các doanh nghiệp này lại quyết tâm phục hồi kinh doanh mạnh nhất. Hàng loạt đường bay mới được thiết lập. Nhiều cơ hội mới đang tiếp tục đón chờ các doanh nghiệp khai phá.
"Sức hấp dẫn của Việt Nam giờ không chỉ còn là địa chính trị, thị trường lớn, dân số vàng, mà còn sức chống chịu, khả năng linh hoạt của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đó là nền tảng cho sự phát triển vững vàng của Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
"Cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước để giúp các doanh nghiệp phục hồi như cơ thể còn yếu thì cần có trợ giúp để họ trụ vững và phát triển trong năm tiếp theo", ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ.
Những ý tưởng mới, những mô hình phát triển chuyên sâu đang tạo nên sự thích nghi mới. Nhiều doanh nghiệp cho biết, chính khó khăn trong đại dịch cũng là cơ hội để các đơn vị cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh và trong thời điểm nhất định sẽ có những đau đớn buộc phải chấp nhận để mở ra những cơ hội mới hiệu quả, bền vững hơn.
Hoạt động doanh nghiệp 10 tháng năm 2020
Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn, chật vật cho các doanh nghiệp. Thương mại toàn cầu đứt gãy, đứt gãy ở cả đầu vào (nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất) và cả đầu ra (xuất khẩu hàng hóa). Chính phủ cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế. Sự nỗ lực và chung tay của cả hệ thống chính trị đã bắt đầu có những kết quả.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm nay, so với cùng kỳ năm 2019, hơn 111.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9%. Bên cạnh đó, hơn 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gần 85.500 doanh nghiệp, tăng hơn 15%. Đồng thời, hơn 41.780 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng gần 59%.
Thế nhưng, nhìn chung trong tháng 10 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng mạnh, quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng đang có xu hướng tăng lên.
Nhìn chung trong tháng 10 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Các báo cáo cũng cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp trong quý III đã tốt hơn so với quý II và quý I.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam đã được giới truyền thống đánh giá khá cao. Tờ Asia Times đã gọi Việt Nam như một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả. HSBC, một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất trên thế giới, đánh giá Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm sau.
Trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh Chính phủ vẫn kiên định thực hiện mục tiêu kép: vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hàng loạt chính sách được áp dụng, như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm 1/3 thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành 21 Thông tư giảm, miễn các loại phí, lệ phí. Nhờ đó, khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước đã được giảm, giãn. Đây chính là sự đồng hành của Chính phủ giúp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp.
VTV.vn - ERP được xem là công cụ phổ biến để doanh nghiệp chuyển đổi số. Đây không phải là giải pháp mới nhưng lại được thúc đẩy khá mạnh mẽ nhờ ảnh hưởng của đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29224909180110202-ohk-touv-peihgn-hnaod-gnuc-hnah-gnod-uhp-hnihc/et-hnik/nv.vtv