Trước khi hướng về mùa cao điểm, thị trường đang có những diễn biến mới, ảnh hưởng mới, trên nền ở ổn định ở các chỉ tiêu chính kéo dài thời gian qua.
Nếu như Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt và kéo dài quãng thời gian không phát sinh ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng để tạo môi trường sức cầu trong nền kinh tế tăng lên, thì vừa qua và hiện nay dồn dập những đợt bão, lũ cấp độ cao xẩy ra, ảnh hưởng lớn tại nhiều địa phương.
Một mặt, bão lũ chồng bão lũ gây trở ngại nhất định đến dòng vốn giải ngân đầu tư công, giá cả hàng hóa; mặt khác, chất lượng tín dụng và nhu cầu vay vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh… tại các địa bàn đó cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Với thị trường tiền tệ, cân đối cung - cầu một số dòng chảy lớn cũng đã có thay đổi rõ nét như: qua 10 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã hoàn tất chỉ tiêu kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ; những quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bước đầu cũng thể hiện tác động ở quy mô lượng phát hành suy giảm mạnh.
Còn phía trước, chỉ còn khoảng hai tháng để thị trường bước vào mùa cao điểm thanh toán, chi trả cuối năm.
Dù qua tháng 10 và chuyển tiếp sang tháng 11 này, các chỉ tiêu như lãi suất, tỷ giá, lợi suất trái phiếu Chính phủ… vẫn tương đối ổn định, nhưng triển vọng tiếp tục ổn định hay không trở nên khó đồng nhất trong các dự báo.
Có thể thấy điều đó trong chênh lệch khá lớn giữa điểm dự báo của các thành viên Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) về tháng 11 này.
VIRA tập hợp những đại diện đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, định kỳ hàng tháng đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước.
Như đề cập ở trên, tính ổn định của các chỉ tiêu tháng này dường như trở nên khó lường hơn. Như ở dự báo về chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là tháng ít thấy trong các kỳ dự báo trước đây của VIRA khi điểm chênh lệch giữa các thành viên khá lớn.
Nhiều thành viên VIRA dự báo CPI sẽ tăng trong khoảng 1,5 - 1,7%, tuy nhiên cũng không ít thành viên dự tính điểm đến sẽ trong khoảng 2,5-2,7%. Chênh lệch theo đó khá lớn.
Điểm chung, bình quân dự báo của các thành viên chỉ 1,99%, thấp hơn mức tăng thực tế 2,47% của CPI tháng trước so với cùng kỳ.
Tương tự, ở chỉ tiêu dự báo tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng mức bình quân tháng nay cũng có khác biệt khá lớn giữa các thành viên VIRA.
Nếu như cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, tỷ giá liên ngân hàng có một đợt tăng lên đáng kể, chênh khá cao so với mức 23.175 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào, thì nửa cuối tháng 10 đến nay sự ổn định ở vùng thấp đã thiết lập lại.
Hầu hết các thành viên VIRA cùng dự báo tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bình quân tháng này sẽ tiếp tục ở sát mốc 23.175 VND. Tuy nhiên, một số thành viên dự tính sẽ có biến động mạnh hơn, ở quanh 23.190 VND.
Nhưng dù vậy, nhìn chung, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ vẫn tiếp tục ổn định trong tháng này.
Như đề cập ở trên, sau khi Kho bạc Nhà nước đã sớm hoàn tất kế hoạch huy động vốn cả năm qua phát hành trái phiếu Chính phủ, một kênh hút vốn lớn dự báo theo đó có thể giảm bớt quy mô.
Trong khi đó, thị trường đang chuẩn bị bước vào mùa cao điểm cuối năm. Cao điểm thường thấy nhiều năm qua ở cầu và tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn những tháng đầu năm, nhu cầu về thanh toán và chi trả cũng cao hơn…
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất VND rất thấp trên thị trường liên ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, dù có xu hướng tăng nhẹ.
Cụ thể, ở chỉ tiêu bình quân lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, nhiều thành viên VIRA dự báo sẽ chỉ quanh 0,2%/năm trong tháng này; một số thành viên dự báo sẽ tăng lên quanh 0,25%/năm; bình quân chỉ 0,21%/năm, chỉ nhích nhẹ so với mức bình quân thực tế 0,2%/năm của tháng liền trước.
Khác biệt lớn trong dự báo giữa các thành viên VIRA tháng này cũng thể hiện rõ ở chỉ tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.
Gần như khó có điểm chung trong dự báo ở chỉ tiêu này. Bởi chênh lệch khá rộng: một số thành viên tính toán mức lợi suất bình quân tháng này ở mức thấp, chỉ 2,53 - 2,55%; trong khi một số thành viên dự báo vào khoảng 2,66 - 2,68%.
Đây cũng là tháng mà dự báo của VIRA có khác biệt lớn như vậy ở chỉ tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ. Định kỳ hầu hết các tháng trước đó dự báo của các thành viên đều rất sát nhau và cùng phản ánh rất sát điểm đến thực tế sau đó.
Xem thêm: lmth.0083198294061-meid-oac-aum-court-et-neit-gnourt-iht-oab-ud/nv.semitaer