Nhóm tác giả Phạm Nguyên Quỳnh, Nguyễn Hoàng Anh Khôi và giáo viên hướng dẫn Nguyễn Văn Thanh bên mô hình nhà vệ sinh thông minh cho trường học - Ảnh: DUY THANH
Giải pháp "Mô hình nhà vệ sinh thông minh trong trường phổ thông" của 2 học sinh Phạm Nguyên Quỳnh (lớp 12) và Nguyễn Hoàng Anh Khôi (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) vừa được trao giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú Yên năm 2020.
Nhà vệ sinh tự xả nước, chống người hút thuốc trộm
Phạm Nguyên Quỳnh cho biết ý tưởng để bạn và Khôi thực hiện giải pháp này xuất phát từ những bức xúc thực tiễn của trường.
"Nhiều bạn đi vệ sinh xong không xả nước, một số nam sinh 'học đòi' lẻn vào nhà vệ sinh đóng cửa lại để hút thuốc lá khiến nhà vệ sinh trường học là chỗ 'không dám đến' với nhiều học sinh. Nhiều bạn khi có nhu cầu đi vệ sinh nhưng nghĩ đến 'tình cảnh' toilet của trường mình nên cố nhịn rất khó chịu, không tập trung học tập được. Báo chí cũng phản ánh nhà vệ sinh trường học là nỗi ám ảnh của học sinh nhiều trường trong cả nước" - Quỳnh nói về lý do quyết tâm thực hiện giải pháp hữu ích này.
Giống toilet tự động trong các khách sạn, nhà hàng, nhà vệ sinh thông minh của Quỳnh và Khôi sử dụng các cảm biến quang để điều khiển nước giội tự động khi người sử dụng xong và rời khỏi vị trí. Còn đối với những bạn "đi nặng", bắt buộc phải xả nước sau khi "đi" xong, nếu không cửa phòng nhà vệ sinh tự động đóng chặt đến khi nào nước được giội mới mở ra.
Tương tự, cảm biến khói cũng được đặt trong các phòng vệ sinh, nếu có học sinh lẻn vào hút thuốc, phà khói ra, cửa toilet sẽ không mở được, đồng thời tín hiệu sẽ được báo về bộ phận chức năng của trường để người trực biết đến mở cửa "giải cứu" người hút thuốc lá trộm và xử lý theo nội quy nhà trường.
Ngoài ra, nhà vệ sinh này còn có thể tự động phát nhạc, phát âm thanh tuyên truyền gìn giữ vệ sinh chung đã được cài đặt, lập trình sẵn...
Mong bạn trẻ nâng cao ý thức
"Chúng em hi vọng nếu được áp dụng vào thực tiễn, nhà vệ sinh thông minh này không chỉ giúp xóa bỏ 'ấn tượng xấu' về nhà vệ sinh trường học, quan trọng hơn cả là làm thay đổi ý thức của các bạn học sinh trong việc gìn giữ vệ sinh chung ở học đường" - Khôi nói.
Cậu cũng cho biết mong muốn của nhóm tác giả là sắp tới có thể nghiên cứu nâng cấp mô hình này theo hướng người khuyết tật có thể sử dụng như người bình thường và khi lỡ bị mất nguồn điện, nhà vệ sinh hoạt động như một nhà vệ sinh bình thường.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên hướng dẫn nhóm tác giả thực hiện giải pháp hữu ích này, nhận xét: "Quỳnh và Khôi là hai học sinh học giỏi môn vật lý và rất có tinh thần nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Dù việc lên ý tưởng, triển khai thực hiện đề tài kéo dài trong suốt học kỳ 1 nhưng hai em rất nỗ lực và quyết tâm để hoàn thành đề tài và đạt được kết quả như mong đợi".
Còn thầy Lê Thành Phương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - nói đề tài do các học sinh lên ý tưởng và tổ chức thực hiện nhưng tính áp dụng thực tiễn khá cao. Hiện nhà trường đang lập các thủ tục xây dựng trường mới và chắc chắn áp dụng kết quả nghiên cứu này cho nhà vệ sinh của trường ở cơ sở mới.
"Với chi phí 20-25 triệu đồng để lắp đặt thiết bị thông minh cho nhà vệ sinh, giải pháp này có thể ứng dụng đại trà cho các trường học, đơn vị, công sở, góp phần tạo một nhà vệ sinh thông minh, hiện đại, gìn giữ vệ sinh môi trường tốt" - thầy Phương nói.
Ý tưởng tốt, khả năng ứng dụng thực tiễn cao
Ông Huỳnh Xuân Sơn - phó chủ tịch, tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên - nhận xét: "Dù là đề tài của học sinh cấp THPT nhưng nhóm tác giả đã có ý tưởng rất tốt. Giải pháp này trước hết phục vụ chính học sinh, nhưng chúng tôi đánh giá có thể áp dụng ngay vào thực tiễn, áp dụng đại trà cho nhiều cơ quan, đơn vị được và giá thành cũng khá rẻ. Giải pháp này đã được Phú Yên chọn để tham dự giải Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên - nhi đồng toàn quốc năm nay".
TTO - Với vật liệu do ban tổ chức cung cấp, 30 đội thi cùng thiết kế hệ thống lọc nước mini trong hai giờ tại phòng thí nghiệm hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Xem thêm: mth.5962549011110202-hnim-gnoht-hnis-ev-ahn-ek-teiht-neyuh-gnourt-ort-coh/nv.ertiout