Việc ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm khiến nhiều người bất ngờ khi cách đây không lâu ông đã nâng tỉ lệ sở hữu tại Coteccons lên 5,77% và trở thành cổ đông lớn của DN với cam kết gắn bó với công ty và cổ đông.
Trong đơn từ nhiệm của mình, ông Dương cho biết: “Vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sắp xếp công việc, đóng góp được những điều tốt nhất cho Coteccons”.
Cựu Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương
Ngay sau đó, hôm 6/10/2020, người từng được cho là linh hồn Coteccons đã khẳng định việc rút chân khỏi đây, thông qua động thái bán ra hơn 1,1 triệu cổ phiếu CTD, giảm tỉ lệ sở hữu từ 5,7% xuống còn 4,2% và không còn là cổ đông lớn.
Được biết, ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập, điều hành Coteccons những ngày đầu từ năm 2004, từ chức vụ Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT.
Trong 17 năm lãnh đạo, ông Dương được ví là “kiến trúc sư trưởng”của Coteccons, chèo lái "con thuyền" CTD từ một DN non trẻ nhanh chóng phát triển và bùng nổ để trở thành một trong những "ông lớn" đầu ngành xây dựng của Việt Nam.
Ngay sau khi Chủ tịch Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, hôm 13/10, cổ đông người Việt cuối cùng trong HĐQT Coteccons đồng thời là Chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam – ông Nguyễn Quốc Hiệp – cũng đã xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Conteccons.
Trước đó, lần lượt thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng, ban thư ký HĐQT người Việt của Coteccons cũng rời công ty này.
Với việc ra đi của cổ đông người Việt cuối cùng tại Contecons - ông Nguyễn Quốc Hiệp, đến nay HĐQT Coteccons chỉ còn toàn người nước ngoài, bao gồm ông Bolat Duisenov (CEO Kusto Vietnam) - tân Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Yerkin Tatishev (Chủ tịch Kusto Group), ông Talgat Turumbayev (Giám đốc Kusto Group), ông Herwig Guido H. Van Hove (Giám đốc The 8th Pte Ltd) và ông Tan Chin Tiong (Singapore), Thành viên HĐQT độc lập.
Cuộc chiến nội bộ dai dẳng
Sự ra đi của dàn lãnh đạo chủ chốt người Việt tại Coteccons, trong đó có cả người sáng lập - cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, vì lý do sức khỏe, tỏ ra không mấy thuyết phục đối với những ai đã dõi theo nội tình công ty này thời gian gần đây.
Như đã đưa tin trước đó, khoảng 2-3 năm trở lại đây, tại DN này, cùng với sự lao dốc không phanh của các chỉ số doanh thu và lợi nhuận là cuộc chiến nội bộ kéo dài dai dẳng giữa dàn lãnh đạo người Việt với Kusto và The8th - 2 cổ đông nước ngoài lớn lần lượt nắm giữ 17,6% và 10,4% cổ phần tại DN.
Ông Nguyễn Sỹ Công - cựu Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Coteccons (thứ 2,3 từ trái sang) đều đã rời bỏ DN này (ảnh: CTD)
Cụ thể, các cổ đông Kusto, The8th liên tiếp yêu cầu bãi miễn các lãnh đạo đương nhiệm gồm: Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công.
Trước những cáo buộc của các nhóm cổ đông này, Coteccons đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu trên, đồng thời bày tỏ nghi ngờ giữa Kusto, The8th, cùng một số cổ đông cá nhân khác… có sự cấu kết với nhau nhằm bãi miễn những người sáng lập Coteccons để hoàn tất quá trình thâu tóm công ty này.
Từ đây, Coteccons và nhóm cổ đông lớn nói trên chuyển từ mối quan hệ "đối tác chiến lược" sang "đối đầu" sau 8 năm gắn bó, nguyên nhân chủ yếu được cho là vì những bất đồng liên quan đến Ricons (công ty thành viên của Coteccons).
Chính vì cuộc nội chiến nội bộ nói trên, cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đã hai lần phải thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông. Cuối cùng, hơn cả lời xin lỗi, ông Dương quyết định từ nhiệm khỏi chiếc ghế quyền lực cao nhất Coteccons.
Và người thay ông ngồi “ghế nóng” tại CTD, không ai khác, chính là ông Bolat Duisenov (SN 1981, quốc tịch Kazakhstan) - CEO của Kusto đồng thời là đại diện của nhóm cổ đông lớn này.
Đến nay, điều mà cổ đông Conteccons quan tâm hiện tại là Coteccons dưới trướng Kusto sẽ phát triển như thế nào. Được biết, mới đây, phía Kusto có gửi đi thông báo sẽ tiếp tục phát triển mảng kinh doanh hiện tại, và đã đích thân đi từng công trình để nghiệm thu.
Sau nội chiến, Coteccons trúng thầu liền 5 dự án nghìn tỷ
Cụ thể, Coteccons cùng công ty con là Unicons trúng thầu thiết kế và thi công 5 dự án với tổng giá trị hợp đồng ký kết gần 3.200 tỷ đồng.
Bao gồm: Dự án khu nhà ở Thương mại dịch vụ cao tầng Lê Phong (Bình Dương) - The Emerald Golf View, có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; dự án khách sạn Sea Stars Hạ Long hơn 1.000 tỷ đồng; cụm dự án Picity High Park (TP.HCM); dự án khu Du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải - Angsana Quan Lan - Banyan Tree Hotel & Resort (Quảng Ninh); dự án khu Khách sạn 6 tầng và 36 căn villa cao cấp hướng biển trong khuôn viên Công viên Đại dương Hạ Long (Quảng Ninh)...
M.M
Xem thêm: lmth.391694a-snoccetoc-iat-ar-yax-gnad-ig-neyuhc-gnon-ehg-ior-oad-hnal-taol-gnah/nv.nitaudiougn.www