Kinh tế Mỹ dưới thời ông Biden
Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - Ông Joe Biden được cho là sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, sẽ nhậm chức vào đầu năm sau khi đã bước vào độ tuổi 78. Dựa vào các phát biểu trong quá trình tranh cử, người ta có thể dự báo đường lối kinh tế của nước Mỹ trong bốn năm tới dưới sự điều hành của vị tổng thống mới này.
Nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden vẫn cứng rắn với Trung Quốc?
Nhìn ở góc độ kinh tế, nước Mỹ sau cuộc bầu cử đầy kịch tính phải đối diện với nhiều vấn đề hóc búa: hàng triệu người thất nghiệp dài hạn, nợ công cao ở mức kỷ lục, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều mô hình kinh doanh bị vỡ vụn, phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên quan trọng hơn những vấn đề này là một mâu thuẫn khó giải quyết: trong khi cánh tả nuôi dưỡng một suy nghĩ rằng mô hình kinh tế hiện tại đã hỏng, cần tăng cường vai trò can thiệp của nhà nước để điều chỉnh, nhiều người dân giờ đã hoài nghi chuyện toàn cầu hóa, hoài nghi khả năng vực dậy nền kinh tế của chính phủ khi ngay cả với dịch Covid-19 họ đã từng thất bại. Kết quả sát sao của cuộc bầu cử cũng cho thấy một nước Mỹ chia rẽ, lực lượng hai bên gần như cân bằng.
Đối chiếu những phát biểu của Joe Biden trong chiến dịch tranh cử, có thể thấy ông sẽ không nghiêng về tả cũng chẳng hướng về hữu. Chẳng hạn ông sẽ đặt mục tiêu hướng chủ nghĩa tư bản Mỹ sao cho có lợi cho công nhân chứ không phải giới chủ nhà giàu. Ưu tiên hàng đầu về kinh tế của ông là tìm cách thông qua một kế hoạch kích cầu lớn đủ để hồi sinh nền kinh tế nhưng việc hồi sinh này không phải bằng mọi giá, có nghĩa ông sẽ chú trọng chuyện tăng trưởng xanh, tăng chi tiêu công, mở cửa biên giới cho giới nhập cư có tay nghề cao. Đồng thời ông cũng sẽ không tìm cách đảo ngược xu hướng bảo hộ mới của Mỹ trong những năm gần đây. Đây chính là thế khó của ông Biden - muốn tìm con đường trung dung nhưng quan điểm trung dung dường như đã biến mất ở Mỹ.
Với Trung Quốc, ông Biden có thể lịch sự hơn ông Trump nhưng vẫn sẽ cứng rắn, sẽ huy động các nước đồng minh để đối phó với Trung Quốc, không vội rút lại các sắc thuế đánh lên hàng nhập từ Trung Quốc, vẫn cấm cửa Huawei và cảnh giác trước công nghệ Trung Quốc. |
Theo phân tích của tờ Economist, thế mạnh của Joe Biden không phải là chính sách kinh tế. Trong suốt 36 năm làm thượng nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ, mối quan tâm của ông là hệ thống tư pháp và chính sách đối ngoại. Tờ báo này cũng cho rằng ông gần với giới trung lưu hơn là giới tinh hoa hay tầng lớp dân nghèo thành thị. Ông Biden lớn lên và sau này đại diện cho tiểu bang Delaware là nơi dựa vào các doanh nghiệp lớn là nguồn thu. Trên hai phần ba các hãng trong danh sách Fortune 500 đăng ký thành lập ở bang này để tận dụng luật lệ thân thiện với cổ đông và mức thuế ưu đãi.
Delaware cũng là nơi đóng trụ sở của nhiều doanh nghiệp mang tính biểu tượng của thế kỷ 20 như DuPont. Chính vì thế ông Biden có xu hướng thích sản xuất, chuộng hình thức tư bản kiểu cũ, người chủ như chủ gia đình chăm nom công nhân - trái ngược với hình ảnh công nghệ cao hay nền kinh tế chia sẻ dựa trên lao động tự do.
Cũng theo Economist, để hiểu xu hướng kinh tế của chính phủ Biden cần xem xét ba lực ngoại tác mà ông Biden phải đương đầu - cái nào cũng có xu hướng đẩy ông vào con đường cấp tiến hơn. Trước tiên là dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Mỹ vào chỗ suy thoái. Mặc dù số liệu vĩ mô cho thấy Mỹ phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, GDP có thể chỉ giảm 4% chứ không đến mức 7% nhưng suy thoái đang đánh mạnh vào người nghèo, làm hố sâu cách biệt giàu nghèo càng lớn thêm. Lượng doanh nghiệp nhỏ rơi vào tình trạng phá sản tăng vọt, kế hoạch cho doanh nghiệp nhỏ vay 600 tỉ đô la chỉ mới giải ngân chưa đầy 1%, ngân sách tiểu bang và địa phương cạn kiệt. Nguyên cả một ngành nghề như du lịch hay bán lẻ sẽ phải thay đổi mô hình.
Trong khi đó vũ khí ông Biden có trong tay để đương đầu với tình trạng kinh tế này lại hầu như đã hết đạn: lãi suất đang ở mức thấp chưa từng có nên không thể giảm nữa; thâm hụt ngân sách Mỹ năm nay đã lên đến 16% GDP. Ngược lại, giá cổ phiếu lại cao ngất ngưỡng, thị trường chứng khoán ở mức cao nhất kể từ năm 2000.
Thứ hai là áp lực từ bên trong đảng Dân chủ của ông Biden. Trong bầu cử sơ bộ đến một phần ba ủng hộ cho Bernie Sanders hay Elizabeth Warren mà quan điểm của họ là tăng chi tiêu chính phủ lên mức tối đa. Mặc dù ông Biden đã khéo léo ngó lơ các đề xuất cực tả của một bộ phận trong đảng Dân chủ như quốc hữu hóa chăm sóc y tế, kế hoạch đánh thuế nhà giàu, kế hoạch tạo việc làm cho hết thảy mọi người... nay sẽ có áp lực Tổng thống mới phải thu nhận một số nhân vật cực tả này vào chính phủ mới. Cái khó là 87% dân Mỹ theo khảo sát vẫn tin vào nền kinh tế thị trường ít có sự can thiệp của nhà nước.
Lực tác động thứ ba là Quốc hội Mỹ mà theo kết quả bầu cử rất có thể đảng Dân chủ chỉ nắm đa số ở Hạ viện, còn đảng Cộng hòa vẫn chi phối Thượng viện - một cơ chế trói tay mọi chính sách của Nhà trắng khó lòng triển khai bén ngọt.
Trong bối cảnh đó, ông Biden phải lựa chọn ưu tiên để tập trung. Chẳng hạn, cả bà Warren và ông Sanders đều đề xuất tăng chi tiêu chính phủ lên bằng 16-23% GDP trong khi mức ông Biden muốn được thông qua khiêm tốn hơn nhiều, chỉ 3%. Vì thế ưu tiên số một là thông qua gói kích thích kinh tế chừng 2.000-3.000 tỉ đô la, trong đó có chi tiêu cho hạ tầng, nhằm tạo công ăn việc làm. Biện pháp kích thích ngắn hạn có thể là bơm tiền cho tiểu bang và địa phương, tăng mức trợ cấp thất nghiệp, tăng mức lương tối thiểu lên 15 đô la/giờ và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông cũng sẽ không tìm cách đảo ngược xu hướng bảo hộ mới của Mỹ trong những năm gần đây. |
Để hướng đến nền kinh tế “xanh”, việc xây dựng hạ tầng sẽ hướng đến nâng cấp hệ thống điện, xây trạm sạc cho xe hơi điện. Ông Biden cũng sẽ rót nhiều tỉ đô la vào nghiên cứu phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo và mạng 5G nhằm tăng ưu thế cho Mỹ trước sự cạnh tranh của Trung Quốc. Với các công ty công nghệ, rất có thể chuyện sửa luật cạnh tranh để hạn chế việc tập trung quyền lực vào các hãng công nghệ lớn có thể bị hoãn lại; bà Kamala Harris, phó của ông Biden có tiếng là thân thiện với giới Silicon Valley.
Để tăng thu ngân sách có tiền cho các chương trình xã hội, ông Biden sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đặt ra mức thuế tối thiểu cho thu nhập từ nước ngoài, bỏ các miễn giảm thuế cho giới bất động sản hay quỹ đầu tư. Thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập từ 400.000 đô la trở lên sẽ tăng lên 39,6%, thuế thu nhập từ đầu tư cho người có thu nhập từ 1 triệu đô la trở lên sẽ tăng lên bằng mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất.
Ông Biden cũng có thể sử dụng các chỉ thị hành pháp để lật ngược một số chỉ thị trước đây của ông Trump như gỡ bỏ lệnh cấm một số người nhập cư, quy định visa cho người có tay nghề cao cũng sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên với Trung Quốc, ông Biden có thể lịch sự hơn ông Trump nhưng vẫn sẽ cứng rắn, sẽ huy động các nước đồng minh để đối phó với Trung Quốc, không vội rút lại các sắc thuế đánh lên hàng nhập từ Trung Quốc, vẫn cấm cửa Huawei và cảnh giác trước công nghệ Trung Quốc.
Thương thảo các hiệp định thương mại mới sẽ không phải là ưu tiên của ông Biden. Chính sách của ông sẽ nghiêng về hướng bảo hộ mềm, đưa chuỗi cung ứng về Mỹ, áp dụng chính sách chính phủ dùng hàng Mỹ, dùng thép Mỹ cho các dự án giao thông...
Có thể nói ông Joe Biden sẽ tăng thuế vừa phải, tăng chi vừa phải, ưu tiên sản xuất trong nước và không thay đổi chính sách ngoại thương. Chính sách này sẽ có lợi cho giới trung lưu và công nhân lương thấp và giới nhà giàu sẽ chịu gánh nặng tăng thuế. Theo nghiên cứu của Penn Wharton, thu nhập của 1% người giàu nhất sẽ giảm 14% trong khi tác động sửa đổi thuế lên 99% còn lại xem như không đáng kể. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm 12% do tăng thuế.
Xem thêm: lmth.nedib-gno-ioht-ioud-ym-et-hnik/815013/nv.semitnogiaseht.www