Thỏa thuận hòa bình Nagorno-Karabakh được ký giữa Armenia và Azerbaijan được coi là một thắng lợi ngoại giao của Nga, biến tình trạng hỗn độn vốn sẽ đưa tới kết quả những bên tham gia đều thua cuộc thành viễn cảnh các bên đều có lợi. Chìa khóa bây giờ sẽ là duy trì thỏa thuận này khi Armenia “gặm nhấm” vết thương và Azerbaijan thắng lợi vẻ vang.
Armenia bị đánh bại, Nga rơi vào tình thế “thua toàn tập”
Sáng 9-11, mọi thứ có vẻ không tốt cho vị thế của Nga tại vùng Nam Caucasus. Trong vài tuần, chiến tranh đã bùng nổ giữa Armenia và Azerbaijan tại tỉnh ly khai Nagorno-Karabakh.
Từ trái qua: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: REUTERS/SPUTNIK
Giống như Nga, Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, điều này khiến nước này nghiễm nhiên trở thành đồng minh hiệu quả của Nga. Tuy nhiên, Armenia đang thua trong cuộc chiến và thua một cách thảm hại.
Hôm 8-11, lực lượng Azerbaijan giáng một đòn nặng nề vào lực lượng Armenia khi chiếm TP quan trọng Shusha ở nam Nagorno-Karabakh. Quân đội Azerbaijan được cho đang tiếp cận TP Stepanakert, thủ phủ của Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh. Binh sĩ Armenia đang sụt giảm nhuệ khí, trong khi chiến thắng hoàn toàn đang đến gần với Azerbaijan.
Mặc dù không hoàn toàn là thảm họa, nhưng những hệ quả của chiến thắng phía Azerbaijan gần như không thể được gọi là tích cực cho chính sách ngoại giao của Nga. Ngay từ đầu, điều này đã làm giảm uy tín của Nga khi nước này là đồng minh của Armenia.
Thứ hai, chiến thắng của Azerbaijan có nguy cơ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho những quốc gia khác cũng có khu vực đòi ly khai nằm gần Nga, chẳng hạn như Georgia và Ukraine. Azerbaijan tạo ra tiền lệ như vậy có thể khuyến khích những quốc gia khác tin rằng những vấn đề của họ cũng có thể được giải quyết tương tự bằng các biện pháp quân sự.
Vì thế, việc Armenia bị đánh bại hoàn toàn trong cuộc chiến này không hề có lợi cho Nga. Tuy nhiên, Nga cũng không quan tâm tới việc có mối quan hệ suy yếu với Azerbaijan, chứ chưa nói tới việc muốn gây chiến với nước này. Do đó, chuyện Nga hỗ trợ trực tiếp cho Armenia để chống Azerbaijan không phải là một lựa chọn.
Ngay cả khi hành động như một nhà hòa giải thì dường như Nga cũng không thành công, vì Azerbaijan về cơ bản không có nhu cầu hòa giải. Có vẻ như Nga lúc này đang mắc kẹt trong một tình thế “thua toàn tập”.
Armenia và Azerbaijan đình chiến, ba bên cùng có lợi
Và sau đó, bất ngờ vào sáng 9-11, mọi thứ thay đổi. Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ông đã đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từng tuyên bố thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh sẽ bị lực lượng Azerbaijan chiếm nếu không có thỏa thuận hòa bình. Ảnh: Stanislav Krasilnikov/TASS
Tại sao người Armenia đồng ý thì đã rõ, vì tình hình quân sự hiện nay khiến họ gần như không có lựa chọn nào. Còn lý do Azerbaijan đồng ý đình chiến thì vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, vì họ có thể giành được nhiều hơn nếu tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận đủ có lợi đến mức có vẻ như người Azerbaijan xem là quá tốt không thể bỏ qua.
Trước khi nổ ra cuộc giao tranh gần đây, gần như toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh nằm ngoài tầm kiểm soát của Azerbaijan, trong khi Armenia còn kiểm soát bảy tỉnh liền kề Azerbaijan nữa.
Trong cuộc chiến, Azerbaijan tái chiếm khu vực phía nam Karabakh và bốn khu vực trong số bảy khu vực nói trên. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, quân đội mỗi bên sẽ kiểm soát các vị trí hiện tại của họ, nhưng đến ngày 1-12, Armenia phải trao trả lại cho Azerbaijan ba huyện mà nước này còn chiếm đóng – Lachin, Kalbajar và Agdam.
Trên thực tế, thỏa thuận này đảm bảo rằng Azerbaijan sẽ giành lại tất cả lãnh thổ của mình ngoại trừ phần phía bắc Nagorno-Karabakh. Theo cách này, có thể coi đây là thắng lợi lớn của Azerbaijan.
Với việc làm cầu nối dàn xếp thỏa thuận đình chiến, Nga đã cứu Karabakh khỏi bị Azerbaijan chiếm đóng hoàn toàn, ít nhất là hiện giờ. Theo cách này, Nga có thể tuyên bố nước này đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân Armenia. Bằng cách thuyết phục Azerbaijan cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến vào khu vực, Moscow cũng tự đảm bảo vai trò trung tâm của mình trong bất kỳ cuộc hòa giải cuối cùng nào trong vấn đề này.
Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno-Karabakh ban đầu sẽ kéo dài trong năm năm và sẽ tự động gia hạn thêm năm năm nếu trước thời hạn kết thúc sáu tháng nếu Armenia hoặc Azerbaijan không phản đối.
Tuy nhiên, nếu cho đến lúc đó tình trạng cuối cùng của Nagorno-Karabakh không được giải quyết thì người ta có thể hình dung ra viễn cảnh người Azerbaijan sẽ yêu cầu người Nga rời khỏi và sau đó nhanh chóng giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự.