vĐồng tin tức tài chính 365

CSR không chỉ đơn thuần là thiện nguyện doanh nghiệp

2020-11-13 12:14

CSR không chỉ đơn thuần là thiện nguyện doanh nghiệp

Lâm Ngọc Thảo (*)

Mỗi khi khái niệm "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" (CSR) được đề cập đến, người ta thường liên tưởng ngay đến các sáng kiến thiện nguyện của doanh nghiệp (Thiện nguyện doanh nghiệp). CSR và Thiện nguyện doanh nghiệp vẫn luôn bị đánh đồng là hai khái niệm giống nhau.

Bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN

Tuy nhiên, trên thực tế, CSR không đồng nghĩa, cũng không thay thế khái niệm Thiện nguyện Doanh nghiệp. Cho dù hoạt động Thiện nguyện doanh nghiệp có thể là một phần trong chiến lược CSR, CSR bao gồm nhiều thứ hơn là các hoạt động thiện nguyện đơn thuần.

CSR và Thiện nguyện doanh nghiệp: đó là gì?

Có nhiều định nghĩa về CSR. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã định nghĩa CSR trong các tiêu chuẩn ISO 26000 về Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp. Trong các quy định này, CSR được định nghĩa là: "Trách nhiệm của một tổ chức trong các quyết định và hoạt động của tổ chức đó đối với tác động xã hội và môi trường, dẫn đến hành vi đạo đức và tính minh bạch góp phần vào phát triển bền vững, bao gồm cả sức khỏe và mức độ hạnh phúc của xã hội; là những trách nhiệm đối với các bên liên quan; tuân thủ luật pháp hiện hành và phù hợp với các chuẩn mực hành vi quốc tế; được tích hợp trong toàn tổ chức và được thực hành trong các mối quan hệ của tổ chức. "

Trong khi đó, thiện nguyện, bắt nguồn từ từ Philanthropos trong tiếng Hi Lạp, nghĩa là "tình yêu của con người", là một phần thuộc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện đại. Với ý nghĩa là một hành động tự nguyện được thực hiện vì lợi ích của xã hội, đặc điểm nổi bật của thiện nguyện là tính tự nguyện. Thiện nguyện doanh nghiệp là việc doanh nghiệp thúc đẩy phúc lợi của cộng đồng thông qua việc tài trợ từ thiện hoặc hoạt động tình nguyện.

Vì sao CSR và Thiện nguyện doanh nghiệp thường bị hiểu nhầm là giống nhau?

Cơ sở hiểu biết ngày nay của chúng ta về CSR ảnh hưởng rất nhiều bởi công trình của Archie Carroll và kim tự tháp CSR (1991) do ông sáng tạo. Bộ bốn trách nhiệm (kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện) tạo ra một cơ sở hạ tầng giúp phân định một cách chi tiết và định hình hoặc mô tả bản chất trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội/cộng đồng mà doanh nghiệp thuộc về. Trong khi các trách nhiệm kinh tế, luật pháp và đạo đức là yêu cầu hoặc kỳ vọng của xã hội đối với doanh nghiệp, thì trách nhiệm thiện nguyện là ước muốn của xã hội dành cho doanh nghiệp đó. Do đó, trách nhiệm thiện nguyện mang tính chất tùy ý hoặc tự nguyện.

Tuy nhiên, ở Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác, văn hóa thiện nguyện đã ăn sâu vào đời sống xã hội nên hoạt động thiện nguyện trở thành tiêu chuẩn được kỳ vọng cao nhất - là điều đúng đắn nên làm của một doanh nghiệp. Người ta mong đợi mỗi doanh nghiệp trở thành “công dân doanh nghiệp” tốt giống như mỗi một cá nhân trong xã hội. Và hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp được coi là cách trực tiếp nhất để trở thành “công dân doanh nghiệp” tốt, giúp cải thiện vị thế và danh tiếng của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc các công ty thường tập trung, nhấn mạnh vào các hoạt động thuộc về trách nhiệm thiện nguyện giữa các chương trình CSR của họ. Rất nhiều doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của CSR, đôi khi còn đánh đồng cả CSR chính là các hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp.

CSR và Thiện nguyện doanh nghiệp: những điểm khác nhau.

Hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp thường được xác định trên cơ sở kết quả, trong việc cải thiện phúc lợi con người hoặc lợi ích cộng đồng. Trong khi đó, CSR thường hướng đến những kỳ vọng của xã hội đối với các khía cạnh ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong các quyết định và hoạt động quản lý của một công ty. Vì khái niệm phát triển bền vững bao hàm những kỳ vọng của xã hội trên các khía cạnh ESG, CSR trở thành những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững.

Việc không hiểu được sự khác biệt giữa hoạt động thiện nguyện và trách nhiệm xã hội có thể khiến các doanh nghiệp thiếu chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của các bên liên quan, những người ngày càng đòi hỏi các công ty phải quản lý tốt hơn các tác động lên xã hội và môi trường trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Khác biệt trong phạm vi: Hoạt động thiện nguyện doanh nghiệp có phạm vi hẹp hơn và hạn chế hơn so với CSR. Các hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp có thể hướng đến các tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức từ thiện cụ thể. Công chúng nói chung, bao gồm thậm chí nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp không tham gia vào cũng như không nhận tác động trực tiếp từ những nỗ lực thiện nguyện đó. Hoạt động thiện nguyện cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi hoạt động hay hình thức kinh doanh.

Ngược lại, một chương trình CSR có thể cần phải thay đổi một số phương thức kinh doanh quan trọng để biến nó thành một doanh nghiệp có trách nhiệm.

CSR có phạm vi rộng hơn thiện nguyện doanh nghiệp vì nó thể hiện thái độ tổng thể của một doanh nghiệp đối với nhân viên, khách hàng, môi trường, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

CSR là công việc liên tục và của toàn bộ thành viên của doanh nghiệp. Mọi bộ phận và mọi nhân viên cần hiểu chiến lược CSR của doanh nghiệp đó, họ hiển vai trò của họ là gì và họ nên đóng góp như thế nào vào sự thành công của chương trình CSR. Đối tượng mục tiêu của CSR rộng hơn nhiều so với Đối tượng của Thiện nguyện Doanh nghiệp.

Khác biệt trong mức độ tự nguyện:

Áp lực “đạt chuẩn’ của CSR ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng vào việc ghi nhận những tác động về môi trường, xã hội và quảng trị (ESG) của chương trình CSR mà họ thực hiện bởi ngày càng có nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm hoặc thậm chí chỉ đầu tư cho những doanh nghiệp có điểm số ESG cao.

Trong khi đó, thiện nguyện doanh nghiệp vẫn là hoạt động tự nguyện, vì hoạt động này chưa gặp phải áp lực tiêu chuẩn tương tự.

Chuyển đổi thiện nguyện doanh nghiệp “thuần túy” sang CSR bằng hoạt động “thiện nguyện chiến lược”

Thiện nguyện chiến lược” của doanh nghiệp mô tả khái niệm ý tưởng đóng góp xã hội của doanh nghiệp, mà ý tưởng đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đòng thời tạo ra lợi ích xã hội có thể đo lường được. Hoạt động thiện nguyện theo phong cách ‘cho đi để nhận phần thưởng’ này là bàn đạp để cải thiện hoạt động tài chính của công ty và như vậy, chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà công ty quan tâm một cách chiến lược. Các ý tưởng về thiện nguyện chiến lược có thể giúp doanh nghiệp đạt được sự cân bằng tối ưu giữa lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của cộng đồng.

Một ví dụ điển hình về thiện nguyện chiến lược là một công ty chuyên thiết kế và tiếp thị máy tính tặng máy tính cho các trường trung học ở các khu dân cư nghèo và sinh viên đại học từ các gia đình có thu nhập thấp. Giá trị xã hội được tạo ra bằng cách tạo điều kiện cho sinh viên làm việc với thiết bị hiện đại. Hoạt động này cũng giúp công ty mở rộng thị trường tiềm năng tương lai, vì nó thu hút khách hàng tiềm năng đến với công nghệ được tặng. Trong tình huống này, chiến lược kinh doanh rõ ràng đang nhắm đến việc tạo ra sự công nhận và lòng trung thành thương hiệu, danh tiếng doanh nghiệp, tinh thần nhân viên cao hơn cùng với cam kết sâu sắc hơn từ khách hàng.

 

(*) Bà Lâm Ngọc Thảo là Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN

Xem thêm: lmth.peihgn-hnaod-neyugn-neiht-al-nauht-nod-ihc-gnohk-rsc/816013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“CSR không chỉ đơn thuần là thiện nguyện doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools