vĐồng tin tức tài chính 365

Nhìn thấy gì từ vụ đình chỉ IPO của Ant Group?

2020-11-14 08:21

Nhìn thấy gì từ vụ đình chỉ IPO của Ant Group?

Lạc Diệp

(TBKTSG) - Thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục của Ant Group tại các sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông vừa phải tạm hoãn trước sức ép từ Bắc Kinh. Đây là ví dụ mới nhất về những mâu thuẫn tài chính đang ngày càng gia tăng trên khắp thế giới trong bối cảnh các công ty công nghệ tài chính mới nổi đang xâm nhập vào các lĩnh vực vốn dĩ hoàn toàn thuộc về ngân hàng trung ương và các ngân hàng truyền thống.

Cú sốc đối với tham vọng của Ant Group

Trong một động thái bất ngờ, ngày 3-11 Ant Group - công ty tài chính của tỉ phú Jack Ma đột ngột thông báo hoãn kế hoạch niêm yết kép trên hai thị trường Thượng Hải và Hồng Kông. Động thái này là một bước đi gây chấn động của sự kiện IPO vốn được đánh giá là lớn nhất lịch sử, dự kiến sẽ đem về 35 tỉ đô la Mỹ.

Những thay đổi trong môi trường quản lý lĩnh vực công nghệ tài chính tại Trung Quốc được coi là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc chưa từng có tiền lệ này. Giới chức Bắc Kinh được cho là đang ngày càng tỏ ra lo ngại trước sự bùng nổ, phát triển quá nhanh của các công ty công nghệ tài chính như Ant Group.

Ông Dickie Wong - Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu tại Kingston Financial Group, cho biết những gì vừa xảy ra có thể coi như lời nhắc nhở giới đầu tư về những rủi ro tương tự có thể xảy ra với cổ phiếu các công ty công nghệ tài chính khác của Trung Quốc, buộc họ phải tính toán lại chiến lược của mình. “Giờ đây, chúng tôi phải tính toán lại các rủi ro về mặt chính sách, bởi khi chính phủ đã nói một doanh nghiệp không thể làm điều gì, đó gần như là điều chắc chắn. Nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường chứng khoán”.

Ngay cả khi Ant Group đã bắt đầu trả lại tiền cho các nhà đầu tư đặt mua cổ phiếu, niềm tin vào triển vọng IPO của doanh nghiệp này cũng đã giảm sút đáng kể. Vincent Tse - một nhà đầu tư 21 tuổi tại Hồng Kông, người đã chi 20.640 đô la để đăng ký mua 2.000 cổ phiếu Ant Group chia sẻ với Reuters rằng, anh cảm thấy mình đã quyết định rất sai lầm. “Tôi nghĩ tình huống này thực sự đã hé lộ vấn đề cốt lõi ở thị trường Trung Quốc. Đầu tiên là họ không có đủ kinh nghiệm để tổ chức một đợt IPO lớn như vậy, và cũng không có quy định đủ rõ ràng về các tiêu chuẩn để được niêm yết”.

Anh Vincent cũng khẳng định, ngay cả khi có kế hoạch tái đầu tư, anh sẽ hướng tới các thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản chứ không phải Ant Group, cho dù việc IPO có được nối lại. “Thị trường bị chi phối quá mức bởi chính phủ. Tôi không nghĩ việc đầu tư vào một thị trường bán tự do là tốt, bởi dòng vốn sẽ không chảy như các nhà đầu tư mong đợi”. Còn theo SCMP, một số nhà đầu tư khác cho biết vẫn sẽ đầu tư vào Ant Group, tuy nhiên mức độ sẽ không quá nhiều để hạn chế rủi ro.

Quá lớn để có thể sụp đổ

Theo Bloomberg, trong khi vụ đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group mang nhiều yếu tố chính trị nội bộ tại Trung Quốc, nó đồng thời cũng phản ánh những nỗ lực của giới chức các nước trong việc bắt kịp với tốc độ đổi mới của ngành công nghệ tài chính. Trước đó, nhu cầu cấp bách này đã được nhấn mạnh sau nhiều vụ việc, từ dự án tiền kỹ thuật số Libra của Facebook cho tới sự sụp đổ của Wirecard AG tại Đức.

Phát biểu tại Diễn đàn Tuần Công nghệ tài chính Hồng Kông hôm 2-11, ông Agustin Carstens - Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho biết trong khi cuộc cách mạng công nghiệp phải mất một thế kỷ để tạo ra sự thay đổi cấu trúc trong các nền kinh tế, thì những tiến bộ công nghệ có thể làm được điều này chỉ trong một vài năm ngắn ngủi. “Ban đầu, các công ty công nghệ lớn quá nhỏ để được quan tâm đến, nhưng chỉ trong vài năm chúng đã trở nên quá lớn để có thể bị lờ đi, và giờ đang ở thời điểm, chúng quá lớn để có thể sụp đổ”.

Trung Quốc hiện đang là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số, điều đang trở nên rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhân viên văn phòng quét mã QR để thanh toán cà phê sáng hoặc bữa trưa, khoảng 30% tổng số giao dịch bán lẻ được thực hiện trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số thậm chí còn thay thế những phong bào lì xì trong dịp Tết Nguyên đán.

Thật vậy, quốc gia này đang trên đường trở thành một nước không sử dụng tiền mặt, thông qua việc sử dụng những công nghệ tiên phong của các doanh nghiệp tư nhân như Alipay hay WeChat Pay. Ant Group là công ty có lượng người dùng kỹ thuật số khổng lồ, cung cấp đầy đủ các dịch vụ, từ thanh toán cho đến cho vay, dự kiến sẽ huy động tới 35 tỉ đô la trong đợt IPO được coi là lớn nhất thế giới, thể hiện vai trò lãnh đạo mới nổi của Trung Quốc trong việc đổi mới ngành tài chính.

Vai trò ngày càng quan trọng đó đã khiến các hãng công nghệ tài chính nhận được nhiều sự ngợi khen. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương đã ghi nhận “tính hiệu quả” mà họ đưa vào hệ thống tài chính, trong khi nghiên cứu do BIS công bố đã chỉ ra cách họ có thể cung cấp vốn cho các công ty nhỏ hơn trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Vùng xám về pháp lý

Tuy nhiên, những thách thức và rủi ro từ các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán độc lập hay tạo ra tiền kỹ thuật số là sự mất kiểm soát về mặt quy định, đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ nhiều quốc gia, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình về những rủi ro liên quan là sự sụp đổ của công ty thanh toán Internet khổng lồ Wirecard vào đầu năm nay. Vụ bê bối đã làm lộ ra những lỗ hổng trong hệ thống giám sát tài chính của Đức mà giới chức nước này hiện đang phải nỗ lực vá lại.

Wirecard - công ty từng có mặt trong chỉ số DAX của Đức đã sụp đổ vào tháng 6 sau những thông báo về việc một phần tư tài sản của hãng không hề tồn tại, dẫn đến những tranh cãi đổ lỗi qua lại giữa các cơ quan chính phủ về việc mất hiệu lực trong công tác giám sát. Sự sụp đổ đã hé lộ những góc khuất về một nơi từng là vùng xám về mặt pháp lý - các công ty không phải là ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế trên quy mô lớn.

Ông Raimund Roeseler, người đứng đầu bộ phận giám sát ngân hàng tại cơ quan quản lý BaFin của Đức, cho biết: “Đây không phải là những công ty khởi nghiệp nhỏ bé thân thiện mà là những công ty toàn cầu lưu thông một lượng tiền khổng lồ. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được rủi ro nếu tiến hành giám sát chúng xuyên biên giới”.

Cuộc đua tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương cũng không khỏi lo lắng trước đề xuất của Facebook về việc tạo ra phương tiện trao đổi của riêng mình, đồng tiền kỹ thuật số Libra. Với việc Facebook đang sở hữu cơ sở là hơn 2 tỉ người dùng, việc quyền kiểm soát hệ thống tài chính có nguy cơ tuột khỏi tầm tay của các ngân hàng trung ương là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều này đã buộc giới chức các nước phải có những động thái phản ứng. Thụy Điển và Trung Quốc hiện đang là những quốc gia dẫn đầu trong việc tạo ra các phiên bản kỹ thuật số cho đồng tiền của mình. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đẩy nhanh tiến độ phát triển đồng euro kỹ thuật số, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang có những bước đi quan trọng.

Các quan chức Fed đang xem xét chi phí, lợi ích của một loại tiền kỹ thuật số và đã hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts để xây dựng một “loại tiền kỹ thuật số giả định được định hướng cho ngân hàng trung ương sử dụng”.

Họ cũng đang theo đuổi hệ thống thanh toán thời gian thực của riêng mình để cạnh tranh với một hệ thống đang được các ngân hàng tư nhân phát triển. Điều rõ ràng từ cả hai sáng kiến ​​là FED rất quan tâm đến các hệ thống thanh toán dựa trên đồng đô la Mỹ, bất kể chúng phát triển như thế nào.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang đẩy nhanh nghiên cứu đổi mới tài chính, và cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm tiền kỹ thuật số vào năm tới. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tạo ra một khung quy định cho ngành công nghiệp tài chính, cho phép cơ quan quản lý, nhà đổi mới, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và khách hàng thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới.

Tại Trung Quốc, sau khi chính phủ kiềm chế các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, PBOC hiện đang cố gắng củng cố vị thế ưu thế của Nhà Nước đối với tiền tệ và các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng mình. Hồi tháng 10, hàng chục nghìn người Trung Quốc đã tham gia chi tiêu bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong một chương trình thử nghiệm ở Thâm Quyến, miền Nam nước này.

Bài toán cân bằng giữa đổi mới và quản lý

Theo Bloomberg, một thách thức lớn đối với các nhà chức trách là làm thế nào để các biện pháp đổi mới tài chính có thể vừa hữu ích nhưng đồng thời cũng không bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Chỉ vài ngày trước khi có thông tin về việc thương vụ IPO của Ant Group bị đình chỉ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã chia sẻ tại diễn đàn ở Hồng Kông rằng các doanh nghiệp công nghệ tài chính đã mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở các vùng nông thôn và thúc đẩy các ngân hàng thương mại đổi mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng tạo ra nhiều rủi ro, đặc biệt là xung quanh vấn đề bảo vệ dữ liệu.

Cuối cùng, quy định rõ ràng hơn có thể mang lại lợi ích cho công nghệ tài chính, thay vì cản trở sự mở rộng của nó. Theo thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan và Thành viên Hội đồng ổn định tài chính Klaas Knot, trong thời điểm sự khác biệt giữa ngân hàng hoặc tiền tệ truyền thống và một công ty công nghệ tài chính mới nổi trong mắt người tiêu dùng chỉ đơn thuần là sự khác biệt về màu sắc của các ứng dụng trên điện thoại thông minh, điều quan trọng là nó có thể được tin cậy về lâu dài. Ông nhận định: “Các quy định sẽ cung cấp một mức độ tin cậy”.

Nhưng cho đến khi các cơ quan quản lý bắt kịp với tốc độ đổi mới, nhiều khả năng sẽ có nhiều cú sốc tương tự như vụ IPO bị tạm dừng của Ant Group hay vụ bê bối của Wirecard. “Bài học cho các nhà đầu tư là các cơ quan quản lý tài chính vẫn đang đấu tranh để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa việc thúc đẩy sự đổi mới, vốn sẽ không đến từ các ngân hàng lớn, đồng thời vẫn có thể kìm hãm những rủi ro đang gia tăng đối với hệ thống”, theo David Loevinger, một cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, hiện là nhà phân tích của TCW Group ở Los Angeles. “Bất cứ khi nào mọi thứ di chuyển quá xa theo một hướng, cuối cùng nó sẽ được điều chỉnh cân bằng lại”.

Nguồn: Bloomberg, Reuters, SCMP, Marketscreener

Xem thêm: lmth.puorg-tna-auc-opi-ihc-hnid-uv-ut-ig-yaht-nihn/325013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhìn thấy gì từ vụ đình chỉ IPO của Ant Group?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools