Dòng xe ùn tắc dài tại đường Trường Chinh trước ngã tư Sở theo hướng đường Trường Chinh - đường Láng vào sáng 13-11 - Ảnh: NAM TRẦN
Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã kiểm tra thực trạng giao thông, phối hợp cùng liên ngành tiếp tục theo dõi, điều chỉnh giao thông, đèn tín hiệu để cải thiện tình hình.
Thông đường, tắc nút giao
Theo quan sát của phóng viên, từ khi thông xe đường trên cao, dòng xe từ nhánh đường trên cao đổ xuống giữa đường Trường Chinh khiến mật độ xe và sự xung đột giữa các dòng xe đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải qua ngã tư Sở tăng lên.
Việc chen lấn giữa xe máy với ôtô, xe rẽ trái cắt đầu xe đi thẳng, xe rẽ phải nhưng đi làn bên trái tạo thêm nhiều giao cắt giữa dòng xe khiến nhiều lúc dòng xe đứng chôn chân 15 phút mới qua được ngã tư Sở.
Anh Hoàng Vĩnh Thắng (33 tuổi, ở phường Khương Thượng) cho biết trước khi có đường trên cao, hướng đường Trường Chinh qua ngã tư Sở sang đường Láng thường chờ 2-3 nhịp đèn đỏ, từ khi thông đường trên cao thì phải cần 4-5 nhịp đèn mới qua được ngã tư này.
Theo anh Thắng, đoạn đường trên cao này tuy có giảm ùn tắc cho nút giao đường Trường Chinh và đường Tôn Thất Tùng nhưng khi tất cả ôtô đi đường trên cao đều phải đổ xuống ngã tư Sở thì lại làm ngã tư này thêm quá tải.
Không nên biến đường đô thị thành đường trên cao
Ông Vũ Anh Tuấn - phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý GTVT, Trường đại học GTVT - nhận định đường trên cao kết thúc trước ngã tư Sở khiến lượng xe đi vào đường Trường Chinh tăng thêm 1,5 - 2 lần, gây ùn tắc giao thông cho ngã tư này nhiều hơn vì ngã tư này vô tình biến thành nút thắt.
Theo ông Tuấn, nút giao ngã tư Sở sẽ ít tắc hơn nếu được cải tạo đồng bộ hoặc tuyến đường trên cao được làm thông tiếp đến Cầu Giấy, nối vào đường Võ Chí Công.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đường trên cao không thể giải quyết bài toán ùn tắc vì chỉ giải quyết được năng lực cục bộ chứ không cho toàn mạng lưới giao thông. Nếu đường trên cao mà phục vụ xe đi chặng ngắn thay vì xe đi đường dài, xe quá cảnh thì lẫn lộn mục đích của đường trên cao.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Trường đại học GTVT - cho rằng bản chất của đường trên cao trong đô thị là để tách dòng xe đi qua thành phố nhưng không có nhu cầu xuống nội đô, không nên biến đường đô thị thành đường trên cao.
"Nếu thêm đường, thêm lưu lượng xe đổ về các nút giao đó thì nhiều khi giải quyết được chỗ này sẽ tắc chỗ kia theo kiểu thông đường thì tắc nút. Tác dụng của đoạn đường trên cao từ ngã tư Vọng đến ngã tư Sở hiện nay là cải thiện được tình trạng giao thông ở nút giao Trường Chinh - Tôn Thất Tùng nhưng phải "hi sinh" tình trạng giao thông ở ngã tư Sở" - ông Toản nhận định.
Theo ông Toản, vấn đề cần làm hiện nay đã được Sở GTVT Hà Nội nhìn ra là tổ chức lại giao thông ngã tư Sở. Ngoài việc bố trí lại chu kỳ đèn hợp lý, tăng cường thời lượng đèn xanh cho hướng nhiều xe thì cần tăng cường điều tiết giao thông thường xuyên với nòng cốt là CSGT.
Tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng, được UBND TP Hà Nội khởi công từ tháng 4-2018. Dự án xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở có chiều dài 5,1km, rộng 19m.
Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - ngã tư Vọng dài 3,1km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên...
Tổng mức đầu tư của dự án gần 9.500 tỉ đồng.
TTO - Ông Vũ Hà, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trực tiếp đi kiểm tra tình hình giao thông trong giờ cao điểm tại Ngã Tư Sở chiều tối 11-11, sau khi báo chí phản ánh đường vành đai 2 trên cao thông xe khiến ùn tắc ở đây thêm nghiêm trọng.
Xem thêm: mth.38775708041110202-cat-gnac-os-ut-agn-oac-nert-gnoud-ex-gnoht/nv.ertiout