Ngày 9-11, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 - đạt một câu hỏi trên Twitter: “Kể từ khi nào mà các phương tiện truyền thông dự đoán ai là tổng thống tiếp theo?".
Hãng tin AP đã có một bài phân tích phản bác câu hỏi “đầy ngạc nhiên” của ông Trump. Năm 1848, AP chính là cơ quan truyền thông đầu tiên dự báo người chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (lúc đó là ông Zachary Taylor, tổng thống thứ 12 của Mỹ).
Theo AP, cơ chế bầu cử ở Mỹ kéo dài nhiều tuần, ít nhất là từ ngày bỏ phiếu phổ thông ở đầu tháng 11 đến đại cử tri bỏ phiếu ở giữa tháng 12. Cùng với đó, chính quyền liên bang không có một ủy ban bầu cử chung để thống nhất quy định và tập hợp số liệu phiếu bầu ở các địa phương.
Các phóng viên hãng tin AP xử lý số liệu và đưa tin về bầu cử tổng thống Mỹ năm 1940. Ảnh: AP
Chính những điều này tạo ra khoảng trống lớn mà giới truyền thông có thể tham gia để đưa ra dự báo một cách nhanh chóng và chính xác về việc ứng cử viên nào sẽ là người đắc cử.
Lịch sử và vai trò của hệ thống cử tri đoàn
Nhà sử học Alex Keyssar - chuyên gia về quyền bầu cử tại Đại học Harvard - cho biết quy định về bầu cử từng là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Các chính trị gia miền nam và vùng nông thôn từng không muốn trao quyền bầu cử cho chính quyền liên bang.
Ở Mỹ, 50 tiểu bang và thủ đô Washington có quy định và hệ thống bầu cử khác nhau. Việc mỗi bang có một đại cử tri đoàn mang tính đại diện để bầu ra tổng thống là giải pháp giúp giữ lại quyền lực nhất định cho các bang nhưng vẫn tạo ra một cuộc bầu cử thống nhất trong cả nước.
Thêm vào đó, sự ra đời của ngành điện tín khiến kết quả bầu cử ở bang này có thể ảnh hưởng tới tâm lý cử tri ở bang khác đã buộc 51 cuộc bầu cử nhỏ phải diễn ra cùng ngày - theo giáo sư David Greenberg (Đại học Rutgers, bang New Jersey).
Trong kỳ bầu cử năm 2020, cử tri đoàn sẽ họp tại thủ phủ từng bang vào ngày 14-12. Theo thông lệ, tất cả đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên giành được nhiều phiếu nhất tại bang của mình. Việc đại cử tri “bất tuân” hiếm khi xảy ra, thậm chí ở một số bang thì việc này bị cấm, và khó có khả năng làm thay đổi kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử.
Ngày 6-1-2021, Hạ viện mới được bầu sẽ họp. Dựa theo số phiếu đại cử tri mà các bang gửi về, Hạ viện sẽ công bố ai chính thức là người đắc cử để điều hành Nhà Trắng trong bốn năm tới.
Người dân Mỹ cần giới truyền thông để sớm biết kết quả bầu cử
Theo AP, vai trò của truyền thông trong việc dự báo người đắc cử tổng thống Mỹ chủ yếu xuất phát từ thực tế là người Mỹ không muốn chờ đợi kết quả bầu cử. Đồng thời, vai trò này phù hợp với khả năng đưa tin nhanh chóng của các báo giới.
Một lý do khác nữa là các cơ quan truyền thông là lực lượng duy nhất chịu bỏ tiền để lập bảng thống kê phiếu bầu - theo ông Rick Edmonds, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Truyền thông Poynter (bang Florida).
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn cho quá trình bầu cử ở Mỹ. Số cử tri bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu bằng thư tăng cao khiến việc kiểm phiếu ở nhiều bang kéo dài.
Lúc này, các cơ quan truyền thông thể hiện vai trò của mình khi cập nhật liên tục thông tin về quá trình bầu cử và kiểm phiếu ở từng địa phương nhờ mạng lười nguồn tin hùng hậu của mình.
Đến ngày 7-11-2020 - tức là sau ngày bầu cử chính thức bốn ngày và muộn hơn thường lệ các kỳ bầu cử trước, các cơ quan truyền thông mới công bố người được dự báo sẽ đắc cử.
Trong khi đó, kết quả cuối cùng mà chính quyền liên bang có được cũng có khả năng muộn hơn thường lệ do những tranh chấp pháp lý mà ông Trump đang kiên quyết theo đuổi.
Truyền thông đưa ra dự báo dựa vào dữ liệu gốc và các phân tích phức tạp
AP đã xây dựng mạng lưới các "cộng tác viên" thu thập thông tin về phiếu bầu ở từng địa phương, kết hợp với số liệu từ các trang web của các quận, các tiểu bang.
Dựa trên số liệu này, AP và các hãng tin khác lấy nguồn từ AP kết hợp với các phân tích dữ liệu nhân khẩu học, lịch sử và thống kê về các kỳ bầu cử trước để dự báo người đắc cử.
Giới truyền thông túc trực đưa tin ở bên ngoài Nhà Trắng hôm 6-11. Ảnh: AP
Trong trường hợp của ông Joe Biden (đảng Dân chủ) - người được dự báo sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, kết quả dự báo chỉ được công bố sau khi AP xác định ông này giành chiến thắng ở bang Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), qua đó giành được nhiều hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng.
Các cơ quan truyền thống khác cũng dựa vào nguyên tắc tương tự để công bố người được dự báo sẽ đắc cử, AP nhấn mạnh.
Nhà sử học Keyssar cho rằng điểm cộng của giới truyền thông là các cơ quan này "tự do và độc lập, ít nhất là về mặt lý thuyết". Tuy nhiên, ông Keyssar cũng lưu ý rằng nhiều người đang nhầm lẫn mà bỏ qua tính không chính thức trong kết quả dự báo của giới truyền thông.
Bất chấp đôi lần sai sót và tranh cãi, hệ thống dự báo này vẫn hiệu quả
Dù tuân thủ các nguyên tắc rõ ràng, đôi lúc báo chí cũng vội vàng dẫn tới những kết quả dự đoán sai nhưng xác suất này là rất nhỏ.
Như năm 1948, tờ Chicago Daily Tribune đã đưa dự báo ông Thomas Dewey (đảng Cộng hòa) thắng cử. Tuy nhiên sau đó, ông Harry Truman (đảng Dân chủ) đã lật ngược thế cờ và trở thành tổng thống thứ 33 của nước Mỹ.
Năm 2000, chủ yếu dựa vào các kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử, AP và nhiều hãng tin khác dự báo ông Al Gore (đảng Dân chủ) giành chiến thắng. Tuy nhiên, sau quá trình tranh chấp pháp lý kéo dài hàng tháng, ông George W. Bush (đảng Cộng hòa) mới là ông chủ mới của Nhà Trắng.
Năm nay, đội ngũ tranh cử của ông Trump khiến cuộc bầu cử thêm phức tạp vì các tranh chấp pháp lý. Tuy nhiên, AP cho biết đội ngũ chuyên gia của hãng tin này đã xem xét các vấn đề này trước khi công bố kết quả dự báo hôm 7-11 rằng ông Biden sẽ đắc cử.
AP không phủ nhận bình luận của ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của ông Trump - rằng giới truyền thông không có vai trò chính thức trong việc quyết định ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, dẫn lời chuyên gia Edmonds, AP cho rằng hệ thống dự báo người đắc cử tổng thống mà giới truyền thông đang áp dụng vẫn hiệu quả và còn có thể được cải thiện để tránh các sai lầm từng mắc phải.