Khoảng trống pháp lý của dịch vụ cầm đồ
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) - Công nghệ đã “vẽ” thị trường cầm đồ Việt Nam thành hai ngã rẽ, một bên là các tiệm cầm đồ hiện đại hoạt động theo hệ thống muốn thay thế dần các tiệm cầm đồ nhỏ lẻ, một bên là hoạt động cho vay tín chấp “lách luật”. Hai xu hướng này đặt dấu hỏi về việc phải chăng đã đến lúc cần xem lại mô hình hoạt động của tiệm cầm đồ vốn đang ở thời kỳ sơ khai?
Cầm đồ từ truyền thống đến hiện đại: 'bóng tối' trở mình thành 'ngàn tỉ'?
Cho vay trực tuyến sống cộng sinh vào tiệm cầm đồ
Vướng mắc pháp lý về mô hình cho vay trực tuyến ‘cộng sinh’ tiệm cầm đồ
Cầm đồ là lĩnh vực cho vay tiêu dùng phi chính thức đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: V.D. |
Quy mô nghìn tỉ nhưng hoạt động trong ‘bóng tối’
Có lẽ ít ai nghĩ được rằng một lĩnh vực nhiều năm được xem là trong “bóng tối” nay lại bước ra “ánh sáng” với hàng loạt những thay đổi thú vị. Chẳng hạn như Vietmoney, F88 hay “Người bạn vàng” nằm trong chuỗi cửa hàng PNJ hay nhiều tiệm cầm đồ khác ngày nay đang nỗ lực đầu tư hình ảnh, thương hiệu, mở rộng hệ thống và minh bạch sản phẩm hơn so với cầm đồ kiểu “truyền thống”.
Ai đang quản lý các tiệm cầm đồ? Xét về mặt pháp lý, văn bản được xem là khá đầy đủ và sơ khai là Thông tư liên bộ (Bộ Thương mại – Ngân hàng) ban hành năm 1995, nhưng sau đó được thay thế bởi nhiều Nghị định khác. Hiện hoạt động cầm đồ được nhắc đến trong Nghị định 96/2016 như là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chủ yếu về thân nhân của người chủ tiệm. Các giao dịch về cầm đồ thì được bảo vệ theo Luật Dân sự (quy định lãi suất không quá 20%/năm) và Luật hình sự (tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự). Thế nhưng việc các khoản vay cụ thể thì gần như bỏ ngỏ, không ai quản lý. Một ví dụ thường thấy là tính minh bạch về lãi suất và phí. Trên thực tế các tiệm cầm đồ đa phần lấy lãi suất khoảng 1%/tháng nhưng lại cộng thêm nhiều loại phí khác nhau, có thể lên đến 4-5%/tháng. Chẳng hạn, một số dòng sản phẩm rủi ro cao thì F88 cho vay với khung lãi suất từ 4,1-8,8%/tháng. |
Trong khi thị trường cầm đồ “truyền thống” trở nên sôi động hơn với những tên tuổi mới, một xu hướng khác cũng đang ngầm diễn ra khi dòng vốn nhiều tổ chức trong và ngoài nước đang đổ vào lĩnh vực cho vay trực tuyến nhưng hoạt động dưới hình thức pháp lý là tiệm cầm đồ.
Cả hai đều có những rủi ro nhất định khi quy mô ngành cầm đồ trở nên lớn dần lên, trong bối cảnh quy định pháp lý của ngành cầm đồ còn thiếu minh bạch và gặp nhiều bất cập trong hoạt động.
Mặc dù vậy, danh mục cho vay cầm cố ngày càng mở rộng, nhiều chuỗi cho vay hiện nay doanh số cho vay lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Một fintech cho vay ngang hàng thậm chí còn không ngần ngại quảng bá số tiền đã giải ngân lên đến hơn 100.000 tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với con số dư nợ tín dụng giải ngân hiện nay của nhiều ngân hàng thương mại thuộc tốp dưới.
Sự mở rộng quá nhanh cũng kéo theo những rủi ro cho thị trường. Trong đó có không ít câu chuyện của nhiều thương hiệu cho vay tên tuổi, dưới áp lực mở rộng hệ thống hoặc tăng trưởng doanh số, đã chấp nhận cầm cố tài sản là giấy tờ vốn có nhiều rủi ro.
Về bản chất, cầm đồ là những khoản vay thế chấp, nên sẽ ít rủi ro hơn các khoản vay tín chấp của công ty tài chính. Các khoản vay cầm đồ cũng khác biệt vì kỳ hạn vay rất ngắn, phổ biến là 30 ngày, đồng thời không giới hạn số tiền được vay mà phụ thuộc vào loại tài sản cầm cố.
Chưa nói đến tính pháp lý, vì không giới hạn số tiền vay, lại nhanh gọn nên tiệm cầm đồ cũng tập trung lớn tài sản trong xã hội một cách phi chính thức.
Một ví dụ điển hình là bài học từ Trung Quốc, đó là khi người ta bỗng nhận ra rằng các tài sản khổng lồ như bất động sản, kim cương đá quý không nằm trong các ngân hàng mà nằm trong các tiệm cầm đồ. Trong vài năm qua, giới quản lý Trung Quốc cũng buộc phải siết lại hoạt động cầm đồ, cũng như các hoạt động cho vay rủi ro rất cao như cho vay ngang hàng.
Các tiệm cầm đồ theo chuỗi xuất hiện cũng ngày càng nhiều hơn. |
Ngã rẽ nào cho tiệm cầm đồ?
Quy mô thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam ước tính có thể lên đến 20% tổng dư nợ trong nền kinh tế, khoảng 30% trong số đó có thể dưới hình thức phi chính thức, trong đó có cầm đồ, theo thống kê của nhóm nghiên cứu của ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính. Với quy mô lớn và trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc vay mượn tiền để tiêu dùng cá nhân, tiềm năng ngành cầm đồ còn rất lớn.
Tại Việt Nam, hoạt động cầm đồ được phân loại là nhóm vay tiêu dùng phi chính thức. Trong khi đó, ở các quốc gia khác xem dịch vụ cầm đồ là lĩnh vực phổ thông, chuẩn hóa hoạt động và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Marc Sebastien Lavoie, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Probus Opportunities, một đơn vị đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, cho biết ở các quốc gia mà quỹ đầu tư, ngành dịch vụ cầm đồ phát triển khá phổ biến và có nhiều chuỗi quy mô lớn đã hoàn thành IPO.
Probus hiện đang là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad, nằm trong “top 3” nhà cho vay cầm cố tại Thái Lan. Quốc gia này cũng sở hữu đa dạng các công ty cầm đồ và nhiều trong số đó niêm yết với giá trị vốn hóa tính bằng tỉ đô la công ty cầm đồ lớn nhất Muang Thai Capital (MTC) có 2.600 cửa hàng, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Bangkok và đạt giá trị vốn hóa 4 tỉ đô la Mỹ.
Tại Singapore, công ty cầm đồ lớn nhất Singapore là MaxiCash, sở hữu 45 cửa hàng chuyên cầm cố vàng và trang sức, niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore với giá trị vốn hóa khoảng 1,1 tỉ đô la.
Tương tự, các nước phát triển nhất như Mỹ có chuỗi cầm đồ First Cash có 2.500 cửa hàng tại Mỹ, Mexico, Guatemala, El Salvador and Colombia, niêm yết thị trường chứng khoán NASDAQ và đạt giá trị vốn hóa đạt 4,5 tỉ đô la.
“Bất cứ nền kinh tế nào dù phát triển đến đâu cũng vẫn có những tập khách hàng có nhu cầu cầm đồ. Và tại những nước phát triển này, mô hình cầm đồ được chuẩn hóa, hành lang pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ”, đại diện F88 nhìn nhận.
F88 trong thời gian qua liên tục huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu. Ảnh: V.D. |
Cầm đồ là mô hình thông thường và phổ biến ở nhiều quốc gia, có điểm đặc trưng và có phân khúc riêng biệt. Ở khu vực Đông Nam Á, mô hình cầm đồ khá phát triển, thậm chí một số chuỗi cầm đồ còn có sở hữu cổ phần của chính phủ hoặc chính quyền địa phương. Đối tượng của các chuỗi cầm đồ này không chỉ có khách hàng cá nhân, mà còn có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về bản chất, cầm đồ cũng là hoạt động tín dụng, nên để thị trường phát triển và bền vững trong tương lai thì cần phải có quy định chặt chẽ hơn và kiểm soát tốt hơn. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, cầm đồ là một mô hình đặc thù nên không cần gộp chung vào nhóm các tổ chức tín dụng khác.
Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thiết có những quy định kiểm soát chúng chặt chẽ hơn nếu muốn phát triển trong dài hạn. Thêm nữa, “siết” lại hoạt động cầm đồ cũng là cách thức kiểm soát dòng vốn “ngầm” có rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng cả cầm cố lẫn tín chấp “lách luật”, chưa kể đến các hệ lụy xã hội. Đây cũng là một phương thức tăng cường kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, giảm thiểu tín dụng đen.
Thực tế, lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam chỉ mới thực sự bùng nổ trong khoảng 10 năm trở lại đây và khung pháp lý cũng dần hoàn thiện ngay cả với những tổ chức tín dụng chính thức như công ty tài chính.
Cho đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng chính thức vẫn đang tiếp tục được xem xét và điều chỉnh, như việc chuẩn hóa lại nhiều quy định như việc đòi nợ thuê. Nhưng về nguyên tắc, yếu tố thúc đẩy thị trường đi tốt hơn, có lẽ không gì khác ngoài việc “minh bạch hóa” các hoạt động vốn đang nhiều mập mờ và nhiều “điểm đen” khi cho vay cầm đồ, từ quảng cáo về lãi suất và phí, cho đến việc định giá, bảo quản tài sản.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico Xây môi trường pháp lý Hoạt động cho vay với số lượng rất lớn các công ty gồm cả cầm đồ và fintech hiện nay hẳn nhiên đã hình thành một thị trường cho vay tiêu dùng, nhưng lại thiếu sự quản lý rõ ràng, thiếu giới hạn kinh doanh cụ thể, không rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước quản lý. Nếu có thể tạo được các hành lang pháp lý để fintech hoạt động, thì phạm vi thị trường kinh doanh cầm đồ sẽ tự động thu hẹp lại, trở về đúng với tính chất của nó là phục vụ cho các nhu cầu cho vay nhỏ lẻ gắn với đời sống dân sinh thông thường. Đương nhiên là cần quy định mới cho hoạt động cầm đồ, có thể đặt ra các điều kiện để quản lý đối với các cơ sở kinh doanh này. Những quy định này nếu được ban hành sẽ giúp bảo đảm an toàn cho nhiều người tiêu dùng trong xã hội. Giảm tín dụng đen Từ trước đến nay cứ cho vay lãi suất cao người ta thường quy là tín dụng đen. Khái niệm xác định tín dụng đen là việc cho vay mang tính lừa dối, ép buộc, hoặc sử dụng các phương thức thu hồi nợ xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, uy tín của người đi vay. Nếu nhầm lẫn và không phân biệt được như thế nào là tín dụng đen, trắng, xám thì hẳn chúng ta sẽ không tìm ra được một giải pháp thích hợp quản lý lĩnh vực này. Trong bối cảnh hiện nay, trước hết cần xác định rõ khái niệm tín dụng đen và khuyến khích hoạt động cho vay hợp pháp; phòng chống hình sự cũng nên tránh việc xác định nhầm đối tượng, nên thay thế quy định về tội cho vay lãi nặng bằng các quy định đánh vào cách thức cho vay mang tính ép buộc, lừa dối, cách thức thu hồi nợ xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân. |
Xem thêm: lmth.od-mac-uv-hcid-auc-yl-pahp-gnort-gnaohk/086013/nv.semitnogiaseht.www