- Tách Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng
- Vấn đề quan trọng nhất trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là bảo vệ con người
- Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Mục tiêu lớn nhất là bảo vệ con người
Sáng 16/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận về quỹ đất dành cho phát triển giao thông; quản lý phương tiện giao thông đặc biệt là xe đưa đón học sinh. Một trong những vấn đề cũng các đại biểu nêu đó là có nên tách dự án Luật Bảo đảm TTAGT đường bộ khỏi Luật Giao thông đường bộ hay không...
Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, quan điểm khi xây dựng luật nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên cơ sở phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết, “Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Chính phủ thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tách hai dự án Luật, tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì tôi thấy việc này có lợi cho dân, cho nước”.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh |
Về tên gọi, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng cần sửa tên thành “Luật Đường bộ” cho phù hợp với các luật khác như Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, đồng thời sửa quy định về quỹ đất giao thông đô thị, đặc biệt là giao thông tĩnh để xây dựng đô thị xanh sạch, an toàn, đảm bảo mật độ, làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu, UBND các cấp trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cũng thảo luận về việc có nên tách 2 dự án Luật hay không, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, 2 dư án Luật được Chính phủ trình, Bộ Tư pháp thẩm định; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý chuyển nội dung đào tạo, sát hạch GPLX sang Bộ Công an. Các đại biểu cũng đã thống nhất thông qua chương trình xây dựng Luật nên chúng ta không bàn có tách hay không.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu cho biết, việc tách hay không tách thành 2 luật là chuyện bình thường không ảnh hưởng đến sự thống nhất của pháp luật và dù có giao cho Bộ nào làm thì phải quan tâm đến tính hiệu quả. Hoạt động quản lý Giấy phép lái xe không chỉ là hoạt động giao thông vận tải, quản lý an toàn giao thông đơn thuần mà còn là vấn đề đảm bảo TTATXH, an ninh quốc gia. Quản lý người điều khiển phương tiện còn là quản lý công cụ phương tiện gây án, thậm chí có thể là hoạt động khủng bố…
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tranh luận cho rằng, cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật vì đây là 2 lĩnh vực khác nhau, mục tiêu điều chỉnh khác nhau. Cụ thể, lĩnh vực bảo đảm TTATGT là thuộc lĩnh vực đảm bảo trật tự xã hội, còn phát triển hạ tầng giao thông thuộc lĩnh vực kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân |
“Việc đảm bảo TTATGT là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế hành vi vi phạm, phòng ngừa TNGT với mục tiêu là bảo đảm tính mạng, sức khoẻ con người, bảo vệ tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong khi Luật Giao thông đường bộ quy định về cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng giao thông. Mục tiêu là phát triển kinh tế xã hội Chính vì vậy, mỗi dự án Luật điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực, quy định các cơ chế, biện pháp, nâng cao hiệu lực lượng, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương |
Về công tác quản lý nhà nước về giao thông, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, trong quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực nói chung đều có sự chồng chéo, tác động lẫn nhau chứ không riêng lĩnh vực giao thông. “Ví dụ như khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, về lĩnh vực an toàn thực phẩm có sự chồng chéo giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Tôi cho rằng chồng chéo hay không cần xem xét trên tổng thể theo hướng làm giảm ùn tắc, đảm bảo TTATGT.
Trong đó, quản lý cấp GPLX là 1 nội dung nhỏ. Như hiện nay, Bộ Giao thông quản lý hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện. Bộ Công an đảm bảo TTATGT trên đường, Bộ Y tế quản lý về thương vong. Vấn đề là cần xem xét xem phân công như vậy hợp lý chưa, nên cải tiến phân công như thế nào?” – đại biểu nhấn mạnh và khẳng định điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào, giúp gì cho tình trạng nhức nhối về giao thông hiện nay và an toàn giao thông có nâng lên hay không.