vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu?

2020-11-17 10:20
Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu? - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Phú năm nay đã 68 tuổi, là Chủ tịch HĐQT Tiên Phong Bank và Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Doji, doanh nhân này trông phong độ và trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật.

Trong buổi trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ, ông Phú cho biết "chưa nghĩ đến kế hoạch nghỉ hưu" và "chừng nào còn đủ sức khỏe và còn đóng góp được cho doanh nghiệp thì tôi vẫn còn làm".

Con trai của ông Phú hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Doji, còn con gái lớn giữ chức Phó Tổng giám đốc. Thế nhưng, với người bên ngoài, nhà sáng lập Doji vẫn là người có quyền chi phối tuyệt đối tại công ty này cũng như ở Tiên Phong Bank.

Một doanh nhân khác là chủ tịch một công ty gia đình nổi tiếng, được sếp vào hàng tỷ phú đôla ở Việt Nam (năm nay cũng gần tuổi với ông Đỗ Minh Phú) chia sẻ: "Trước giờ tôi không có khái niệm nghỉ hưu.

Nhiều kinh nghiệm phải làm dữ hơn chứ". Doanh nhân này cho biết thêm, khi không còn sức khỏe nữa thì thôi điều hành trực tiếp nhưng sẽ đi chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác.

Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long là một lão doanh nhân khác vẫn còn rất đam mê công việc.

Năm nay đã 67 tuổi nhưng như miêu tả của người con trai trưởng – Lý Huy Sáng (giữ chức Phó Tổng giám đốc), ông Minh vẫn thích mạo hiểm với những dự án lớn còn hơn cả người trẻ. Và tất nhiên, ông Lý Ngọc Minh chưa có kế hoạch nghỉ hưu.

Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu? - Ảnh 2.

Thực tế, tại nhiều công ty gia đình nổi tiếng khác, việc nhà sáng lập đã bước vào tuổi U70 nhưng vẫn ở đỉnh cao quyền lực trong tập đoàn là không hiếm.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của SeABank năm nay đã 65 tuổi. Cùng độ tuổi với bà Nga và vẫn giữ vị trí quyền lực nhất trong công ty của mình là ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Huy.

Ở độ tuổi "trẻ hơn" nhưng cũng đã hơn 60 tuổi và vẫn điều hành trực tiếp tại các Tập đoàn gia đình nổi tiếng là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (63 tuổi), bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH (62 tuổi).

Tại một số công ty được coi là đại chúng nhưng do một gia đình chi phối, người sáng lập trên 60 tuổi vẫn nắm các công việc quan trọng nhất như ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT công ty xây dựng Hòa Bình (62 tuổi), ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland (62 tuổi)…

Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu? - Ảnh 3.

Điều có thể nhìn thấy rõ tại các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam với các "lão đại" vẫn còn ngồi ở vị trí điều hành chính là họ vẫn còn sung sức.

Một tỷ phú đôla đã gần 70 tuổi nhưng vẫn làm việc quần quật suốt ngày đêm cho rằng, ở độ tuổi hơn 60 là lúc rất nhiều kinh nghiệm về điều hành, sức khỏe còn tốt thì việc nghỉ hưu không làm gì cả là rất lãng phí. Bên cạnh đó, việc nghỉ hưu và không làm việc còn làm cho sức khỏe đi xuống rất nhanh.

Trên thực tế, nhiều nhà sáng lập các công ty gia đình nổi tiếng ở Việt Nam gần 70 tuổi hoặc đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn điều hành trực tiếp những công việc quan trọng chủ yếu bởi họ nắm quyền lực tuyệt đối và không có ai buộc họ phải "về hưu".

Thêm vào đó, dưới sự điều hành của họ, doanh nghiệp mà các "lão đại" này nắm vị trí chủ chốt ở hình thức cổ phần (thực chất họ vẫn chiếm quyền chi phối) có hoạt động tốt hoặc không quá dở.

Còn với các doanh nghiệp vẫn ở dạng "công ty gia đình nguyên thủy", áp lực "phải về hưu" chỉ là sức khỏe của các "lão đại". Thế hệ F2 dù đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, thậm chí có thành tựu lớn nhưng vẫn phải đứng sau các "lão đại" chứ không thể trở thành người quyết định đường hướng chiến lược…

Chia sẻ với Trí thức trẻ, con trai lớn của một gia đình kinh doanh nổi tiếng ở Việt Nam nói thẳng: "Những người sáng lập ở Việt Nam sẽ còn giữ quyền lực lớn của mình cho đến khi sức khỏe còn cho phép, chứ không hẳn là việc trao lại quyền lực sớm hơn sẽ có hại cho sự phát triển của công ty.

Lý do thế hệ kế tiếp chưa đủ trưởng thành chỉ là một phần, phần lớn là do họ muốn giữ quyền lực càng lâu càng tốt. Cha tôi cũng như vậy và phải chấp nhận thôi".

Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu? - Ảnh 4.

Có một thực tế thú vị khác. Không chỉ ở các công ty gia đình, việc nhà sáng lập nghỉ hưu và để quyền quyết định chiến lược cho thế hệ kế tiếp là không dễ dàng ở cả các công ty cổ phần mang tính tiên phong mà FPT là một ví dụ. 3 nhà sáng lập hơn 60 tuổi của công ty này là ông Trương Gia Bình, ông Đỗ Cao Bảo, ông Bùi Quang Ngọc thậm chí còn bị nhân viên diễn hài kịch cuối năm "cà khịa" về việc 60 tuổi mà mãi không nghỉ hưu.

Hiện tại, ông Bùi Quang Ngọc đã rời chức Tổng giám đốc nhưng vẫn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Trương Gia Bình đã 64 tuổi vẫn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT – một vị trí sẽ tác động mạnh tới các chiến lược quan trọng của công ty này.

Một lãnh đạo thuộc cấp điều hành cao nhất của Tập đoàn FPT chia sẻ với Trí thức trẻ: "Ở châu Á nói chung chứ không riêng Việt Nam, trong các tập đoàn lớn, bao giờ cũng tồn tại các ‘lão đại’, sự có mặt của họ cũng có nhiều ý nghĩa trong mối quan hệ ở các dự án lớn.

Tuy nhiên, về mặt cơ bản, nếu chuyển giao quyền sớm cho thế hệ kế tiếp để họ được quyết định nhanh chóng các chiến lược tương lai của tập đoàn thì tốt hơn".

Xem thêm: mth.52744329071110202-uuh-ihgn-auhc-man-teiv-tahn-gneit-ion-hnid-aig-yt-gnoc-cac-o-iad-oal-am-07u-ad-oas-iv/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao đã U70 mà ‘lão đại’ ở các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam chưa nghỉ hưu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools