Các lọ gắn nhãn "Vắc xin COVID-19, chỉ dùng tiêm" được đặt phía trước logo hãng dược Moderna - Ảnh: REUTERS
Theo đài CNN, dữ liệu đánh giá hiệu quả ban đầu với vắc xin ngừa COVID-19 mà Moderna vừa công bố được thu thập từ thử nghiệm với khoảng 30.000 tình nguyện viên tham gia, trong đó 15.000 người được tiêm vắc xin và 15.000 người dùng giả dược (placebo).
Dữ liệu ấn tượng
Trong số những người được tiêm vắc xin của Moderna, chỉ 5 người mắc COVID-19 và không ai có diễn biến bệnh nghiêm trọng, trong khi 90 người dùng giả dược đã bị nhiễm virus corona chủng mới.
Vắc xin của Moderna cũng dùng công nghệ bào chế messenger RNA như vắc xin của Pfizer và BioNTech. Dù công bố các kết quả sơ bộ về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sau vắc xin COVID-19 của Pfizer, nhưng vắc xin của Moderna lại cung cấp được nhiều hơn thông tin về hiệu quả phòng bệnh của nó trên nhiều nhóm tuổi và nhiều nhóm chủng tộc khác nhau.
Khác với vắc xin do Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) phát triển, công ty Moderna đã được nhận ngân sách chính phủ Mỹ để phát triển loại vắc xin tiềm năng của họ.
Dự án phát triển vắc xin COVID-19 của hãng công nghệ sinh học có trụ sở tại bang Massachusetts này là một phần trong sáng kiến thúc đẩy tìm kiếm, phát triển vắc xin ngừa corona của chính quyền Tổng thống Trump, sáng kiến Operation Warp Speed.
Trong năm tới chính phủ Mỹ có thể tiếp cận được hơn 1 tỉ liều vắc xin của hai hãng dược Moderna và Pfizer. Đây là lượng vắc xin đủ dư để có thể tiêm phòng cho mọi người dân Mỹ.
Nếu Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng các vắc xin COVID-19 trong tình huống khẩn cấp, cho tới cuối năm nay chính quyền Mỹ có thể có được khoảng 20 triệu liều vắc xin của Moderna và 50 triệu liều vắc xin của Pfizer.
Cả hai loại vắc xin này đều phải được trữ lạnh hoặc ở nhiệt độ thấp. Theo tạp chí Vox, vắc xin của Pfizer/BioNTech phải trữ ở nhiệt độ -70 độ C hoặc thấp hơn, còn vắc xin của Moderna hoạt động ổn định khi được trữ ở nhiệt độ từ 36-46 độ F (2,2-7,7 độ C) trong 30 ngày.
"Tôi không muốn vội vàng đi trước FDA, song dữ liệu rất ấn tượng", trang Politico dẫn lời bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói về những tin vắc xin tích cực.
"Lúc này chúng ta đã có 2 loại vắc xin thực sự hiệu quả. Đây là bước đi rất mạnh mẽ tiến tới nơi chúng ta mong muốn, đó là kiểm soát dịch bệnh này", ông Fauci nói.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại một phòng thí nghiệm của hãng dược Moderna - Ảnh: REUTERS
Chưa phải báo cáo đã bình duyệt
Dù vậy theo tạp chí Vox (Mỹ), vẫn còn một số cảnh báo thận trọng về kết quả thử nghiệm vắc xin COVID-19 mà Moderna vừa công bố.
Trong đó, tạp chí Mỹ lưu ý các kết quả này vẫn mới chỉ là bước đầu, chưa phải kết quả cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Thứ nữa, vắc xin của Moderna cần được tiêm hai liều và cũng đã có một số tác dụng phụ.
Một điểm đáng chú ý nữa tờ Vox lưu ý các kết quả thử nghiệm Moderna mới chỉ công bố trong thông cáo báo chí mà chưa phải trong một báo cáo khoa học có sự bình duyệt của chuyên gia trong giới.
Mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả của những thử nghiệm ban đầu đã tốt hơn so với hình dung của họ, song ít nhất phải tới mùa xuân năm sau mới có thể phân phối rộng rãi vắc xin này.
Sau khi Moderna công bố thông tin tích cực về hiệu quả vắc xin của họ, cổ phiếu công ty này đã tăng giá 8%. Thị trường chứng khoán nói chung tại Mỹ và châu Âu cũng tăng điểm.
TTO - Dù công bố bước đầu làm nức lòng mọi người nhưng còn nhiều câu hỏi cần giải đáp: Vắc xin BNT162b2 có ngừa được COVID-19 không? Có gây ra nhiều tác dụng phụ không? Khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu?