Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã và đang đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Về tổng quát, các TCTD phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Sự phát triển đó có đóng góp rất lớn của đội ngũ nhân lực ngành Ngân hàng. Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn như sự biến chuyển của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, sự cạnh tranh khốc liệt của các ngân hàng nước ngoài, các công ty fintech… Mặc dù, sở hữu đội ngũ nhân lực có trình độ tương đối tốt, nhưng thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chất lượng nhân lực ngành Ngân hàng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như: đội ngũ nhân lực trình độ cao tại NHNN và các TCTD còn mỏng, tính chuyên nghiệp của nhân lực ngân hàng trong các vị trí công việc vẫn chưa cao, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng nói chung và kiến thức về công nghệ của nhiều nhân sự trong ngành Ngân hàng còn hạn chế.
Để có thể vượt qua những khó khăn trên, duy trì đà phát triển nhanh và bền vững, NHNN nhận thấy cần chú trọng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của ngành. Do vậy, cần tiếp tục chú trọng hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Phó Thống đốc đề nghị tọa đàm cần tập trung thảo luận, đánh giá sâu sắc một số nội dung căn bản như: Thống nhất về các nội dung công việc cần thực hiện để triển khai Quyết định số 1537/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xác định các mục tiêu, nội dung, hoạt động, lĩnh vực cần sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để triển khai thành công Quyết định 1537, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nhân lực của các ngân hàng; Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết, hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Ngân hàng; Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và tổ chức đào tạo nội bộ giữa các cơ sở đào tạo.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các tham luận và đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các chủ đề: Tổng quát nhân lực hệ thống Ngân hàng; sự cần thiết và biện pháp thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm thực hiện Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực; Những đổi mới trong tổ chức, quản lý đào tạo và nhu cầu phối hợp với đào tạo trong hệ thống ngân hàng; Hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành ngân hàng; đào tạo chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp ngân hàng: vai trò của khu vực công và NHTM ở Việt Nam; Xác định các vị trí, lĩnh vực chuyên môn trụ cột phản ánh hoạt động của các ngân hàng, gắn với việc xây dựng các khung năng lực và chương trình đào tạo, bồi dưỡng,…
Cũng trong buổi tọa đàm, dưới sự chứng kiến của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, Trường Đào tạo cán bộ Agribank ký kết Thỏa thuận hợp tác “Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hệ thống Ngân hàng Việt Nam”.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác
Thỏa thuận nhằm phát triển quan hệ tin cậy, tạo ra một khuôn khổ hợp tác hiệu quả giữa các bên để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp triển khai Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, từ đó giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các Bên nói riêng và của hệ thống Ngân hàng nói chung.
MA
Xem thêm: 816424VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www