Muốn có sản phẩm 'Make in Vietnam' cần thoát khỏi 'cái bóng' FDI
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đang phát triển thiếu bền vững khi còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Để có sản phẩm công nghệ số 'make in Vietnam' cần phải hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, làm chủ những công đoạn có giá trị gia tăng cao.
Trao đổi về sản phẩm công nghệ số của Việt Nam bên lề hội thảo ngày 18-11 tại TPHCM- Ảnh: Anh Quân |
Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo Doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020", tổ chức ngày 18-11 tại TPHCM.
Tại hội thảo, nói về tầm quan trọng của công nghệ thông tin, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, lĩnh vực ICT đã đang và tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Đặc biệt, hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin đang trở thành hạ tầng số của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, năm 2019 tổng doanh thu ngành công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) đạt hơn 112 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu của ngành công nghiệp này đạt 91,5 tỉ đô la tăng 10% so với năm 2018.
Theo ông Tâm, ngành ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của cả nước với mức đóng góp là 5,59% năm 2018, năm 2019 tăng lên 7,55% và năm 2020 dự kiến đóng góp 7,5%. Nếu tính cả khối FDI thì ngành thông tin truyền thông đóng góp hơn 16% GDP.
“Mặc dù có dự đóng góp lớn trong cơ cấu GDP nhưng các con số tăng trưởng cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của ngành ICT khi còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp khối nước ngoài (FDI)”, ông Tâm chỉ ra thực trạng.
Về giải pháp, để doanh nghiệp ICT Việt Nam có các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm cho rằng cần thực hiện chiến lược phát triển “đi bằng hai chân”. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp FDI cần tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ số, dự án có thể tạo ra các chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, đối với công nghiệp ICT trong nước cần thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ những công đoạn có giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm công nghệ số "make in Vietnam" cần được ứng dụng vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, xã hội và phát triển đồng đều giữa thành thị và nông thôn.
Nhận xét về chiến lược "Make in Vietnam", ông Hà Thân, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA) cho biết, hiện nay công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa làm chủ được công nghiệp cốt lõi. Điều này được thể hiện qua số liệu cả nước chỉ có 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử; nhựa, cao su; sản xuất phụ tùng linh kiện.
Ông Hà Thân đặt vấn đề, "có bao giờ các doanh nghiệp công nghệ thông tin muốn kết nối với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo thành chuỗi cung ứng trong hệ sinh thái để trở thành các tập đoàn công nghệ mạnh như các nước. Hay lại tranh giành miếng bánh nhỏ thị phần trong nước với các doanh nghiệp nội địa khác"?
Tại hội thảo, đại diện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT cho biết, việc ứng dụng công nghệ đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tối ưu hóa các nguồn lực đang có. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin không đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" rất ít nên doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn cho kế hoạch số hóa của mình.
Vào tháng 5-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp “Make in Vietnam” nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ mảng lắp ráp, gia công sang tự chủ làm sản phẩm công nghệ của Việt Nam. Để từ đó, sẽ có những ý tưởng sáng tạo, mẫu thiết kế, quy trình sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phục vụ cho thị trường trong nước, và từng bước vươn ra thế giới.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ như Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG, Bkav, Misa… đã coi việc làm ra sản phẩm Việt Nam là một sứ mệnh cần thực hiện.
Mời xem thêm:
Các điều kiện cần cho chiến lược “Make in Vietnam”
Make in Vietnam, hãy học Ấn Độ
Xem thêm: lmth.idf-gnob-iac-iohk-taoht-nac-manteiv-ni-ekam-mahp-nas-oc-noum/728013/nv.semitnogiaseht.www