vĐồng tin tức tài chính 365

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu có bước dịch chuyển lớn, 2020 khởi động "thế kỷ của châu Á"

2020-11-19 13:07

Ai mới thực sự là bên chiến thắng trong Chiến tranh lạnh? Theo Bloomberg, đó là Trung Quốc.

Năm 1972, chiến tranh lạnh đã đẩy cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào vai trò đồng minh với nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, giúp Trung Quốc quay trở lại hội nhập với kinh tế thế giới. Đến năm 1991, sự kiện Liên Xô sụp đổ lại phần nào khiến phương Tây đánh giá quá thấp về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nổi lên là 1 siêu cường. Bloomberg Economics dự báo đến năm 2035 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và có lẽ cùng sẽ là đối thủ chính trị mạnh nhất mà Mỹ phải đối mặt.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ là 1 phần trong làn sóng dịch chuyển lớn hơn đang diễn ra và sẽ còn tăng tốc trong mấy chục năm sắp tới.

Dựa trên một số yếu tố như lao động, nguồn vốn và năng suất, Bloomberg đưa ra dự báo về GDP năm 2050 của 39 quốc gia, từ Mỹ đến Ghana. Từ dữ liệu này cũng có thể phác họa một số xu hướng của kinh tế thế giới.

Hãng tin này nhận định có lẽ thời kỳ ổn định kéo dài từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến đầu thế kỷ 21 đang dần chấm dứt. Trọng tâm của kinh tế toàn cầu dịch chuyển từ Tây sang Đông, từ các nền kinh tế phát triển sang thị trường mới nổi, từ các thị trường tự do sang những thị trường mà nhà nước đóng vai trò chủ đạo hơn. Sự dịch chuyển này làm đảo lộn bức tranh chính trị, kinh tế toàn cầu. Và giờ mới chỉ là diểm khởi đầu.

Tất nhiên trong tương lai còn rất nhiều biến số có thể làm dự báo của Bloomberg không thể trở thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra cho thấy 1 đại dịch có thể vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới như thế nào. Chiến tranh, thiên tai và khủng hoảng tài chính hay lựa chọn của các nước về toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể gây ra những tác động tương tự. Dẫu vậy, dự báo về tăng trưởng GDP vẫn có thể coi là 1 cơ sở đáng tin cậy để dự đoán về bức tranh thế giới trong dài hạn.

Thế kỷ của châu Á

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu có bước dịch chuyển lớn, 2020 khởi động thế kỷ của châu Á - Ảnh 1.

Châu Á đang dần trở thành trung tâm của kinh tế toàn cầu. Như biểu đồ ở trên cho thấy, ở đầu thế kỷ này – khi Trung Quốc chưa gia nhập WTO và tiềm năng của Ấn Độ chưa được khai phá – châu Á chỉ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu, thấp hơn đáng kể so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên đến năm 2050 châu lục này được dự báo sẽ chiếm hơn một nửa dân số thế giới và hơn 50% GDP toàn cầu, trong khi tỷ trọng của Bắc Mỹ và châu Âu giảm xuống.

Cũng nhờ Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ trọng của nhóm thị trường mới nổi trong GDP toàn cầu gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2000 các thị trường mới nổi chỉ chiếm khoảng 20% GDP thế giới thì đến năm 2042 nhóm này sẽ vượt qua cả các nền kinh tế phát triển để trở thành nhóm đóng góp nhiều nhất. Năm 2050, tỷ trọng của họ là gần 60%.

Năm 2033, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản già nua để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Năm 2035, Trung Quốc vượt Mỹ vươn lên vị trí số 1. Đến năm 2050 Indonesia có thể lọt vào nhóm những nền kinh tế lớn nhất. 3 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các thị trường mới nổi ở châu Á.

Trung Quốc là người thách thức nhưng sau đó cũng bị thách thức

Sẽ là 1 dự báo lạc quan nếu cho rằng tất cả quá trình chuyển dịch sẽ diễn ra một cách trơn tru. Phần đông giới học giả đều đồng tình với ý tưởng "bẫy Thucydides" của giáo sư khoa học chính trị Graham Allison của ĐH Harvard, rằng xung đột giữa những kẻ đứng đầu và các cường quốc đang nổi lên là không thể tránh khỏi.

Hiện nay thế giới cũng đã chứng kiến sự đối đầu quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ thương mại đến công nghệ, nhân quyền và cả chủ quyền. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể có chính sách ngoại giao đột phá theo hướng cứng rắn, trực diện hơn so với thông thường, tuy nhiên sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung là điều khó thay đổi dù ai là Tổng thống tiếp theo của Mỹ đi chăng nữa.

Và sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là rủi ro địa chính trị duy nhất đe dọa thế giới. Đến năm 2040, sự kết hợp giữa dân số già hóa và động lực tăng trưởng suy giảm sẽ kéo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống chỉ còn khoảng 3%/năm. Ấn Độ với dân số trẻ hơn và nhiều dư địa tăng trưởng sẽ bắt kịp với tốc độ nhanh hơn. Trong năm nay, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này cũng lâm vào tình trạng căng thẳng.

Nền kinh tế tự do không còn chiếm ưu thế?

Suốt 40 năm qua, kể từ thời các cuộc cách mạng của Reagan và Thatcher, thị trường tự do đã trở thành ý tưởng cốt lõi mà kinh tế toàn cầu hướng đến. Tuy nhiên trong 30 năm tới, cán cân với 1 bên là nhà nước và 1 bên là thị trường sẽ có sự thay đổi, bởi vì những nền kinh tế mà trong đó đề cao vai trò của nhà nước lại đang tỏ ra hiệu quả hơn so với những gì người ta vẫn thường đánh giá.

Bloomberg Economics dự báo tỷ trọng của các nền kinh tế "tự do" hoặc "gần như tự do" trong GDP toàn cầu sẽ giảm từ mức 57% trong năm 2000 xuống còn 33% vào năm 2050. Ngược lại tỷ trọng của nhóm "gần như phi tự do" – những nền kinh tế có tỷ lệ sở hữu và kiểm soát của nhà nước cao – lại tăng từ 12% lên 43%.

Có thể các nền kinh tế "phi tự do" sẽ cải cách theo hướng tự do và để thị trường đóng vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên không có gì đảm bảo cho điều đó. Ấn Độ đang cải cách nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ra khá chần chừ.

Mặt khác, một số nền kinh tế tự do lại đang cảm thấy khó có thể duy trì những lợi ích của sự mở cửa khi mà họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là 1 ví dụ rất rõ nét. Kể từ khi thương chiến nổ ra, Mỹ đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Mỹ phải xin giấy phép mới có thể bán 1 số công nghệ cho Trung Quốc và còn nỗ lực "triệt hạ" một số công ty internet lớn của Trung Quốc.

Nói cách khác, đối mặt với 1 Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ đang bắt đầu quay lưng với một số quy tắc cơ bản của thị trường tự do.

Không chỉ ở Mỹ, trên khắp thế giới, sự nổi lên của những nền kinh tế có nhà nước đóng vai trò trung tâm - theo đuổi chính sách thương mại trọng thương và có phương pháp tiếp cận lỏng lẻo hơn với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ - đang làm dấy lên nỗi hoài nghi về hệ thống thị trường tự do. Liệu đó có phải là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng hay không?

Đối mặt tương lai

Vẫn còn một số yếu tố ngăn cản những dự báo trên trở thành hiện thực. Đối với Mỹ và châu Âu, các khoản đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và công tác nghiên cứu có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới. Còn đối với Trung Quốc, 1 xã hội mở hơn và nỗ lực cải cách mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích kép: vừa mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ như thời đầu những năm 1990 – 2000, vừa giúp giải tỏa các căng thẳng với nước khác. Còn đối với Ấn Độ, đẩy mạnh cải cách sẽ là chìa khóa quan trọng để mang lại thịnh vượng.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước trông chờ nhiều hơn vào sức mạnh nội tại. Trung Quốc và Ấn Độ hưởng lợi từ thị trường nội địa rộng lớn, tạo ra những tập đoàn nội địa hùng mạnh đóng vai trò như "nam châm" thu hút những doanh nghiệp nước ngoài cũng như công nghệ của họ.

Đối với phương Tây, họ phải đi theo con đường khác. Đối mặt với thế giới đã biến đổi, các cử tri cảm thấy chủ nghĩa dân tuý hấp dẫn hơn so với những chiến lược truyền thống. Tuy nhiên xa rời kinh tế thị trường và hướng đến chủ nghĩa dân tộc không phải là công thức để thành công trong dài hạn.

Thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển giao đầy hỗn loạn với cán cân quyền lực kinh tế và chính trị dịch chuyển dần từ Tây sang Đông, từ thị trường tự do sang kinh tế nhà nước và từ dân chủ sang chủ nghĩa dân tuý. Chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng trong lịch sử thì đó chỉ là khép lại chương cũ, mở ra chương mới. Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, lịch sử chưa chấm dứt mà chỉ mới bắt đầu.

Tham khảo Bloomberg

Xem thêm: nhc.67803000191110202-a-uahc-auc-yk-eht-gnod-iohk-0202-nol-neyuhc-hcid-coub-oc-uac-naot-et-hnik-grebmoolb/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bloomberg: Kinh tế toàn cầu có bước dịch chuyển lớn, 2020 khởi động "thế kỷ của châu Á"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools