vĐồng tin tức tài chính 365

Ai cũng nghĩ tiêu tiền là dễ nhưng để tiêu tiền đúng cách, bạn cần trả lời 3 câu hỏi này

2021-12-09 03:04

Một số chuyên gia, ví dụ như ông Ramit Sethi (tác giả của  cuốn "I Will Teach You To Be Rich") cho biết: Khi quá để ý đến hoàn cảnh cá nhân, bạn dễ bị ngợp, khiến cho việc đưa ra các quyết định về tài chính trở nên khó khăn hơn.

"Hầu hết những người có chuyên môn cao về tài chính cá nhân như chúng tôi đều có những mục tiêu tài chính rất giống nhau. Chúng tôi muốn tiền phục vụ cho mình, được an toàn và yên tâm, cũng như muốn có thêm ít tiền đủ để chi trả cho tất cả những thứ mà mình yêu thích", ông Sethi nói.

Thật vậy, những quy tắc đã được kiểm nghiệm và chứng thực trong lĩnh vực tài chính cá nhân có thể giúp mọi người đạt được những mục tiêu tài chính cơ bản này. Nhưng khi thực hiện những quyết định tài chính quan trọng cũng nên lắng nghe bản thân ở một mức độ nhất định. Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính hành vi nói rằng việc áp dụng các quy tắc mà không hiểu rõ về những thói quen chi tiêu và những ưu tiên về tài chính của bản thân có thể làm giảm đi tính hiệu quả của bất kỳ chiến lược tài chính nào mà bạn đang muốn áp dụng.

Martin Seay - Nhà lập kế hoạch tài chính đã được cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế, đồng thời là chủ tịch của Phòng Kế hoạch Tài chính Cá nhân tại Bang Kansas cho biết:"Luôn có một kế hoạch tài chính 'đúng đắn' nào đó mà bạn có thể áp dụng, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu bạn không thể duy trì thực hiện được nó. Tốt nhất là bạn nên đưa ra những quyết định hướng đến những điều bạn thực sự coi trọng."

Các chuyên gia khuyên bạn hãy tự đặt ra cho mình ba câu hỏi dưới đây để xem một quyết định tài chính nào đó có phù hợp với mình hay không.

Quyết định tài chính đó có phù hợp với đời sống tinh thần của tôi không?

Cuốn sách của chuyên gia tài chính hành vi Shari Greco Reiches - có tên là "Tối đa hóa lợi ích trong cuộc sống của bạn", đã chỉ ra rằng khi thực hiện một quyết định tài chính nên cân nhắc hai yếu tố. Cô nói với tờ Grow:"Mỗi quyết định thường có hai yếu tố, một là khía cạnh tài chính, hai là khía cạnh cảm xúc – hay giá trị về mặt tinh thần. Trước khi làm bất cứ điều gì, chúng ta cần phải hiểu rõ về đời sống tinh thần của bản thân. Điều bạn xem trọng nhất có thể là sức khỏe, hoạt động cộng đồng, từ thiện hoặc gia đình. Bạn cần chắc chắn rằng bất kỳ quyết định tài chính nào cũng phải phù hợp với những giá trị tinh thần mà bạn coi trọng".

Trong cuốn sách, Reiches yêu cầu người đọc rút ngắn danh sách 100 giá trị trong cuộc sống xuống còn 5 điều họ coi trọng nhất. Những điều này có thể trở thành chuẩn mực để bạn có thể xây dựng được đường lối tài chính cá nhân của riêng mình. Cô cho rằng nếu không biết đâu là những giá trị mà mình coi trọng nhất, bạn có thể đưa ra những quyết định tốn kém hoặc tiêu tiền vào những thứ chẳng giúp ích gì cho bạn trong việc cải thiện đời sống tinh thần.

Reiches nói: "Bạn đã từng đến cửa hàng tạp hóa mà không lên danh sách những thứ cần mua chưa? Thường thì cuối cùng bạn sẽ mua những thứ không cần thiết hoặc quên mất là mình phải mua gì".

Hiểu rõ về  những điều bạn coi trọng khiến  bạn có thể dễ dàng bỏ qua những lời khuyên tài chính cứng nhắc, (kể cả những nguyên tắc đã "được kiểm nghiệm và chứng thực"), bởi những nguyên tắc này có thể làm cuộc sống của bạn thiếu đi nhiều điều ý nghĩa. Lấy lời khuyên được coi là chuẩn mực này làm ví dụ: Thà trả tiền thế chấp để mua một ngôi nhà của riêng mình còn hơn là đóng tiền thuê nhà hàng tháng. Reiches cho rằng: Lời khuyên này có thể đúng với nhiều người, nhưng có thể sẽ không phù hợp với bạn.

Cô nói: "Nếu bạn coi trọng sự linh hoạt, hay đang muốn sống gần một người thân đang ốm yếu để tiện chăm sóc thì phương án thuê nhà sẽ hợp lý hơn".

Có thể điều chỉnh thay vì phá vỡ những quy tắc tài chính để có thể đáp ứng được nhu cầu của tôi được hay không?

Dù các quy tắc tài chính có vẻ rất khắc nghiệt, nhưng chúng ta cũng có thể điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của bản thân. Lấy quy tắc kinh điển 50-30-20 làm ví dụ, quy tắc này cho rằng bạn nên dành 50% thu nhập cho các chi phí thiết yếu, 30% cho những thứ bạn muốn và 20% còn lại để tiết kiệm, đầu tư và trả nợ. Reiches cho rằng: Cố gắng điều chỉnh tình hình tài chính theo những quy tắc đó sẽ chỉ đem lại cho bạn thất bại.

Xem xét những điều bạn coi trọng cũng như tình hình tài chính của bản thân một cách cụ thể, bạn có thể đưa ra được kế hoạch chi tiêu mà bản thân có thể gắn bó lâu dài.

Cô cho biết: "Nếu bạn có khoản nợ sinh viên cao, bạn có thể sẽ phải tiết kiệm tới 25% thu nhập và cắt giảm việc chi tiêu cho những thứ mà bạn thích. Tuy nhiên, bạn lại coi trọng việc đi xem các show biểu diễn hoặc đến Starbucks để ăn trưa mỗi ngày, vậy bạn có thể tìm cách cắt giảm chi tiêu cho những nhu cầu khác hoặc tìm một người bạn cùng phòng để san sẻ chi phí sinh hoạt ".

Seay cho biết: dù thế nào đi nữa, bạn vẫn phải hi sinh một thứ gì đó. Tuy nhiên, nếu xác định được những điều bạn coi trọng và ưu tiên chúng, có thể bạn sẽ bám sát được kế hoạch, ít phá vỡ các quy tắc và ít gặp phải những rắc rối về tài chính.

Ông nói: "Bạn cũng nên thường xuyên để ý dòng tiền xem cuối tháng đang dư hay âm. Có thể bạn đang chi quá nhiều hoặc quá ít cho một số khoản  nhất định, nhưng nếu cuối tháng vẫn dư tiền thì bạn vẫn ổn."

Khi nào bạn nên 'suy ngẫm và xem xét lại' những quyết định của mình?

Seay đang làm việc với một số sinh viên mới tốt nghiệp trường y, đây là những người có hoàn cảnh tài chính đặc biệt: Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, họ có mức lương khá khiêm tốn nhưng sau này mức thu nhập của họ rất cao.

Theo ông Seay, những người này nên nâng cao hiểu biết về mặt tài chính, ví dụ như chú trọng vào việc trả khoản nợ sinh viên ngay từ đầu. Ông nói: "Với những người này, vấn đề không phải là liệu họ có gắn bó được với kế hoạch tài chính của bản thân một cách lâu dài hay không, mà là khi thu nhập của họ tăng lên, họ có thay đổi hành vi tài chính của mình hay không?"

"Cần phải đảm bảo rằng bất cứ quyết định tài chính nào cũng phải phù hợp với những giá trị tinh thần mà bạn coi trọng."- Shari Greco Reiches (chuyên gia tài chính hành vi)

Theo ông Preston Cherry- người sáng lập và là chuyên gia hoạch định tài chính được được cấp chứng chỉ quốc tế của công ty Kế hoạch Tài chính Đồng thời (Concurrent Financial Planning) ở Green Bay, thuộc bang Wisconsin, khi người ta kiếm được nhiều tiền hơn khi sự nghiệp, họ có thể sẽ có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn. Khi mức lương của bạn tăng lên, để tránh rơi vào bẫy chi tiêu theo "lối sống leo thang" và làm ảnh hưởng đến những mục tiêu tài chính khác, Cherry khuyên bạn hãy ghi ra những ưu tiên tài chính ngắn hạn và dài hạn của mình.

Ông nói: "Bạn hãy ngồi xuống, suy ngẫm và viết lại kế hoạch tài chính của mình trong không gian yên tĩnh để tránh bị ảnh hưởng bởi công nghệ hoặc bạn bè. Làm điều này từ sớm sẽ giúp bạn có một khởi đầu tốt. Cũng giống như trong cuộc chạy đua marathon, khởi đầu tốt sẽ giúp bạn giữ nhịp độ ổn định và tránh phải điều chỉnh nhiều trong phần còn lại của cuộc hành trình."

Chẳng hạn như khi bạn cần điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với một sự kiện quan trọng nào đó trong đời, hãy nhớ về những giá trị tinh thần mà từ đầu bạn đã luôn coi trọng và điều chỉnh nó theo tình hình hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện được mục tiêu tài chính của mình. Cherry nói rằng: "Suy ngẫm và xem xét lại là một hành động rất quan trọng, giúp bạn gắn bó được với kế hoạch tài chính. Điều này sẽ giúp bạn vừa có thể linh hoạt trong chi tiêu, vừa có thể giữ cho kế hoạch tài chính của mình đi đúng hướng".

Xem thêm: nhc.40051357180211202-hcac-gnud-neit-ueit-ed-yan-ioh-uac-3-iol-art/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ai cũng nghĩ tiêu tiền là dễ nhưng để tiêu tiền đúng cách, bạn cần trả lời 3 câu hỏi này”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools