M&A giống như... chạy vượt rào
Minh Tâm
(TBKTSG Online) - Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hiện nay, sau khi có sự điều chỉnh, thay đổi ở hàng loạt quy định điều luật, sẽ phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước hơn là nội bộ. Những sự thay đổi về hành lang pháp lý này theo hướng chặt chẽ hơn và doanh nghiệp cần nghiên cứu cẩn thận trước khi triển khai M&A để tránh bị thiệt hại kinh tế, thậm chí bị phạt nặng.
Khung pháp lý của hoạt động M&A phức tạp. Vì vậy, hội thảo đã thu hút đông đảo đại diện doanh nghiệp tham dự. Ảnh: MT |
Ông Trần Thanh Tùng, luật sư thành viên Công ty Luật Global Vietnam Lawyers tại Hội thảo "Sự thay đổi khung pháp lý và điểm tác động với giao dịch M&A tại Việt Nam" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức ngày 19-11 tại TPHCM cho biết, khung pháp lý cho M&A gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Cạnh tranh với các góc nhìn và quy định khác nhau.
Trong đó, Luật Đầu tư nhìn dưới góc độ chuyển nhượng dự án đầu tư và yêu cầu hai bên phải thực hiện nhiều thủ tục trước khi thực hiện giao dịch. Luật Doanh nghiệp nhìn dưới góc độ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và cho phép hai bên thương lượng, hoàn tất rồi đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông.
Trong khi đó, Luật Cạnh tranh điều chỉnh bằng quy định thông báo tập trung kinh tế trước khi dự định tham gia, thực hiện và làm cả thủ tục theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Tựu chung lại, các doanh nghiệp M&A phải như chạy vượt rào, vượt qua hết rào mới tới đích. Tức là phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, liên quan đến cơ quan nhà nước hơn là trong nội bộ.
Cũng theo luật sư Tùng, trong các “hàng rào” kể trên thì Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau đã có những điều chỉnh, thay đổi theo hướng tốt lên và mở ra cho nhà đầu tư, có những quy định bảo vệ họ nhưng Luật Cạnh tranh thì đang xiết lại.
Nghị định 35/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định 35/2020), có hiệu lực thi hành từ 15-5-2020, hướng dẫn cho luật này, quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế với các tiêu chí về tổng tại sản, tổng doanh thu bán ra hoặc mua vào tại Việt Nam; giá trị giao dịch và thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia trên thị trường liên quan.
Luật sư Tùng cho rằng, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế này là thấp và trong thực tế vận hành có thể xảy ra tình trạng lạm dụng việc thông báo, khiến cho các giao dịch trở nên phức tạp và tốn kém.
Bàn về Luật Cạnh tranh và Nghị định 35/2020, bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng văn phòng Luật IDVN cho rằng, việc kiểm soát tập trung kinh tế trong M&A trở thành vấn đề kỹ thuật, quan trọng. Cơ quan kiểm soát chính là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì ủy ban này chưa được thành lập, mọi việc vẫn thực hiện tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.
Theo bà Tuyết, các doanh nghiệp khi thực hiện quy trình thông báo tập trung kinh tế thì có thể khó chịu. Nhưng, đây là việc cần thiết và không đến nỗi đáng ngại. Và ngoài những ngưỡng tiêu chí về tài sản, doanh thu bán, mua vào, thị phần… với những con số cụ thể thì còn những phân tích khác.
Và với một giao dịch M&A phức tạp, đã bỏ ra rất nhiều công sức để hoàn thành mà nếu bị áp dụng quy định về loại bỏ do đã không thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế trước đó thì sẽ rất đáng tiếc. Bên cạnh đó, mức xử phạt tiền còn lên tới 5% doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm liền trước năm vi phạm.
Trường hợp của Grab mua lại Uber tại Singapore là một ví dụ cụ thể cho điều này. Hai bên tự xác định không thuộc ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế nên không thực hiện. Sau đó, cơ quan chức năng tại Singapore xác định có và kết quả là doanh nghiệp bị phạt mấy triệu đô la Singapore.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Luật sư thành viên Công ty Luật Tilleke & Gibbins thì chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn mà các doanh nghiệp có thể phải đối mặt khi với những quy định mới.
Thứ nhất, điều 53 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”. Rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt là sau khi bỏ ra rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức thì dự án có thể bị dừng. Vì vậy, vấn đề đặt ra với luật sư là phải rà soát kỹ càng, đạt được những cam kết để có thể bảo vệ nhà đầu tư.
Thứ hai, rủi ro dự án bị chấm dứt vì đầu tư trên cơ sở ẩn danh, theo điều 48.2 (e) Luật Đầu tư 2020. Theo đó, dự án đầu tư bị chấm dứt trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự. Đến thời điểm này, dự thảo của nghị định hướng dẫn luật này nói rằng, thẩm quyền quyết định giao dịch giả tạo là của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ ba, sẽ rất nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thông báo tập trung kinh tế vì ngưỡng khá thấp. Câu chuyện là nếu các bên “quên thông báo” hoặc bên bán quên thì cơ quan nhà nước sẽ áp dụng hình phạt.
Bà Ngô Thị Vân Quỳnh, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH An Legal cho biết, các khu nghỉ dưỡng ở miền Trung đều có thể "dính" đến quy định về đảm bảo an ninh quốc gia, biên giới, hải đảo… Vừa qua, công ty bà mới có một dự án phải mất rất nhiều thời gian để chờ chấp thuận đầu tư do phải đi hỏi rất nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo yêu cầu này.
Hay như về thủ tục thông báo tập trung kinh tế, các dự án có giá trị vượt ngưỡng 43 triệu đô la Mỹ như quy định rất nhiều.
Tất nhiên, theo luật sư Quỳnh, hoạt động M&A ở lĩnh vực bất động sản hiện tại cũng có nhận được những lợi ích tích cực từ việc sửa đổi Luật Đầu tư, tháo gỡ những chồng chéo về thủ tục giữa luật này (phiên bản 2014) với Luật Nhà ở. Nhiều quy định về sáp nhập, chia tách cũng rõ ràng hơn… “Hy vọng M&A sẽ được hưởng lợi”, bà Quỳnh nói.
Xem thêm: lmth.oar-touv-yahc-uhn-gnoig-am/258013/nv.semitnogiaseht.www