Hợp lực để vượt qua thử thách trong chuyển đổi số
Chí Thịnh
(TBKTSG Online) - Hoạt động hợp tác, kết nối hệ thống cung cấp sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua đã chứng minh lợi ích của sự hợp lực, cùng nhau khai thác thị trường. Đây cũng sẽ là mục tiêu của các doanh nghiệp trong thời gian tới để thuyết phục doanh nghiệp khách hàng và người tiêu dùng.
Nhân viên FPT đang giới thiệu sản phẩm nhà thông minh cho khách hàng. Ảnh: Chí Thịnh |
Thử thách "sinh tử" của doanh nghiệp
Tại sự kiện ngày hội công nghệ FPT 2020 (FPT Tech Day) diễn ra tại TPHCM hôm nay (ngày 19-11), các doanh nghiệp tham gia sự kiện đều đánh giá cao vai trò quan trọng của chuyển đổi số và sự hợp lực giữa các doanh nghiệp. Bản thân Tập đoàn FPT trong thời gian qua diễn ra dịch bệnh cũng có sự hợp lực giữa các công ty thành viên để có thể duy trì sự ổn định của hoạt động kinh doanh.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FPT cho biết, đại dịch Covid-19 vừa qua chính là thách thức lớn, các doanh nghiệp phải thay đổi, phải thích nghi với những điều kiện làm việc, quản trị, kinh doanh, sản xuất mới, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp chủ động và nỗ lực làm chủ công nghệ, vươn lên tầm cao.
Cách đây vài ngày, tập đoàn Dell Technologies cũng công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu toàn cầu cho thấy các tổ chức đang dần chuyển các chương trình chuyển đổi số sang những thiết bị cao cấp và thời gian hoàn thành chỉ trong vài tháng thay vì mất vài năm như thông thường. Những phát hiện này, được cập nhật hai năm một lần trên bảng Chỉ số Chuyển đổi số (DT Index) của Dell Technologies, chỉ ra rằng các tổ chức, doanh nghiệp đang đẩy nhanh các chương trình chuyển đổi công nghệ trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá nền kinh tế thế giới.
Chỉ số của Dell Technologies trong năm 2020 cho thấy cứ 10 doanh nghiệp thì 8 trong số đó đã đẩy nhanh một số chương trình chuyển đổi số trong năm nay và 79% trong đó đang sáng tạo lại mô hình kinh doanh.
DT Index là một thước đo toàn cầu cho thấy tình trạng chuyển đổi số của các tổ chức, cũng như hiệu suất của họ trên toàn cầu. Khảo sát thu thập ý kiến từ 4.300 lãnh đạo doanh nghiệp (từ nhân sự cấp C cho đến các giám đốc) trong các công ty từ quy mô vừa cho đến các tập đoàn lớn tại 18 quốc gia.
Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Trương Gia Bình cho rằng doanh nghiệp đang phải đối diện một thách thức mới là người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn, bên cạnh việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ họ còn cần một sự trải nghiệm xuyên suốt trong quá trình tiêu dùng.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB thì cho rằng nhà cung ứng phải luôn chú trọng tới trải nghiệm xuyên suốt của khách hàng và yếu tố con người trong hoạt động vận hành công ty. Thời nay, công nghệ thay đổi rất nhanh nên bản thân ACB cũng phải ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ để đáp ứng sự thay đổi về hành vi tiêu dùng.
Đại diện các doanh nghiệp khác cũng xác định việc phải nhanh chóng chuyển đổi cách làm việc, khai thác thị trường, hướng tới chuyển đổi số toàn diện… Thậm chí, bản thân doanh nghiệp phải xem việc chuyển đổi số như một sự “hy sinh”; nếu chấp nhận tham gia vào thử thách sinh tử này, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công.
Phiên thảo luận tại sự kiện FPT Tech Day 2020. Ảnh: Chí Thịnh |
Sáng tạo trong cách thức sản xuất, cung ứng sản phẩm
Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp cũng đề cập tới vấn đề hợp tác, huy động nguồn lực lẫn nhau để từ đó cung cấp sản phẩm một cách sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường luôn luôn chuyển động và thay đổi.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho biết, đơn vị này mong muốn có được sự hợp tác với các doanh nghiệp ngoài ngành tài chính - ngân hàng, ví dụ như bất động sản để có thể cung cấp các dịch vụ phi tài chính cho hàng triệu khách hàng của chính ACB.
Các rào cản đối với chuyển đổi số Theo Dell Technologies, đại dịch có lẽ là nguyên nhân thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn cầu, tuy nhiên việc Theo bảng DT Index trong năm 2020, sau đây là 3 rào cản hàng đầu ngăn việc chuyển đổi số thành công: 1. Những mối quan ngại về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng (đứng thứ 5 hồi 2016). |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, chia sẻ Covid-19 chính là thời điểm “trong nguy có cơ”. FPT tìm được những điểm sáng từ các doanh nghiệp trong quá trình tìm tòi giải pháp chuyển đổi số, ví dụ cho lĩnh vực tài chính, du lịch… Bên cạnh đó, nhằm mục đích đảm bảo năng suất lao động trong mùa Covid-19, Tập đoàn đã thay đổi mô hình bán hàng, hình thành sự hợp lực giữa các công ty thành viên của FPT.
"Chúng tôi đã thành lập ban chỉ huy bán hàng chung (hợp lực giữa giữa các công ty thành viên) để có thể ra quyết định nhanh hơn, tập hợp các giải pháp nền tảng từ nhiều công ty thành viên của tập đoàn, sẵn sàng cung cấp cho khách hàng với nhiều loại yêu cầu khác nhau", ông Khoa nói.
Nhà khởi nghiệp công nghệ Trần Thanh Hải dẫn ra một xu hướng nổi bật là một số doanh nghiệp công nghệ không đơn thuần làm công theo kiểu outsourcing (gia công) mà có sự hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đối tác để cung cấp sản phẩm công nghệ. Đây cũng là bước chuyển đổi, để có thể cung cấp sản phẩm công nghệ một cách sáng tạo.
Ông Pankaj Rathi, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam thì cho rằng các doanh nghiệp hiện nay cần phá vỡ những thói quen cũ để bắt kịp sự thay đổi của thời đại số. Vị thế của các tập đoàn lớn trên toàn cầu hiện nay đều thể hiện sự vượt trội, ưu thế của họ trong quá trình chuyển đổi số. Những "người khổng lồ" công nghệ như Microsoft, Google, Amazon, Apple… đang thay thế sự ngự trị của những tập đoàn vốn sở hữu các tài sản hữu hình (tập đoàn xăng dầu, bán lẻ…).
Còn ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT chia sẻ rằng việc xây dựng chiến lược về chuyển đổi số của Tập đoàn cũng nhằm đảm bảo yêu cầu am hiểu khách hàng, hiểu rõ về các ngành nghề để từ đó giải quyết các bài toán của khách hàng... Doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), xây dựng các trung tâm thông minh để giải quyết các bài toán lớn từ khách hàng. Điển hình như sản phẩm FPT e.Contract vừa qua đã giúp các doanh nghiệp số hoá toàn bộ quy trình ký kết hợp đồng, không cần gặp mặt trực tiếp vẫn ký hợp đồng.
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-gnort-hcaht-uht-auq-touv-ed-cul-poh/358013/nv.semitnogiaseht.www