vĐồng tin tức tài chính 365

Vẫn có cách giúp SME đối phó với đại dịch

2020-11-20 15:50

Vẫn có cách giúp SME đối phó với đại dịch

Lạc Diệp

(TBKTSG) - Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế nhiều nước, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Để hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn tín dụng cần thiết, từ đó vượt qua khó khăn và khôi phục hoạt động kinh doanh, nhiều chính sách đã được chính phủ các nước triển khai.

Doanh nghiệp Nhật hưởng lợi từ gói vay lãi suất 0%

Theo Thời báo Phố Wall, thời điểm này không phải là giai đoạn kinh doanh thuận lợi đối với ngành khách sạn ở Nhật Bản bởi sự thiếu vắng du khách nước ngoài do tác động từ đại dịch Covid-19. Thế nhưng, ông Kazushige Kanai, chủ nhà trọ suối nước nóng truyền thống Gosho Bessho ở Kobe vẫn không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc vay vốn để nâng cấp cơ sở kinh doanh.

Ông đã vay tiền từ ba ngân hàng để lắp đặt các bồn tắm suối nước nóng riêng trong 10 phòng ở nhà trọ của mình, nhằm thu hút những vị khách không muốn sử dụng khu vực tắm chung. “Chúng tôi có thể đầu tư mạnh mẽ như vậy là nhờ các khoản vay dễ dàng”, ông Kazushige Kanai chia sẻ.

Trước đó, ngay từ hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thông báo chương trình mới nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp SME đang phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Theo chương trình này, BOJ sẽ cung cấp các khoản vay trị giá 30.000 tỉ yen (286 tỉ đô la Mỹ) cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 0% nếu họ sử dụng số tiền này để cho các doanh nghiệp SME gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vay với lãi suất 0% và không cần tài sản thế chấp.

Tokyo cam kết sẽ trang trải bất kỳ khoản thua lỗ nào nếu các doanh nghiệp SME không thể chi trả các khoản vay. Vì vậy, các ngân hàng thương mại có thể đẩy mạnh cho vay mà không lo ngại nợ xấu. Thậm chí, BOJ còn khuyến khích các ngân hàng cho vay bằng cách trả cho họ lãi suất 0,1% đối với những khoản cho vay giải cứu doanh nghiệp.

Nhờ đó, tốc độ cho vay của các ngân hàng đang tăng nhanh ở mức kỷ lục. Theo Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, đến nay, trong vòng chưa đầy sáu tháng, các ngân hàng thương mại đã sử dụng chương trình giải cứu doanh nghiệp SME của chính phủ để cung cấp các khoản vay trị giá hơn 250 tỉ đô la.

Hiện vẫn có một số ý kiến lo ngại rằng việc các ngân hàng nới lỏng thủ tục cho vay, có thể dẫn tới sự xuất hiện của các “công ty thây ma” - những doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu và đã mất khả năng cạnh tranh nhưng vẫn được duy trì nhờ sự hỗ trợ từ các ngân hàng.

Bà Nana Otsuki - một chuyên gia ngân hàng và giám đốc điều hành tại công ty môi giới Monex cho biết: “Dường như không có tiêu chuẩn nào cho các khoản vay”. Theo chuyên gia này, nhiều công ty đã vay tiền từ trước đại dịch và giờ đây nguy cơ họ không thể thanh toán nếu nền kinh tế phục hồi chậm ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng, thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19 không phải là lúc để chần chừ. Ông Toshitaka Sekine - giáo sư tại Đại học Hitotsubashi và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của BOJ nhận định: “Chúng ta không nên loại bỏ các công ty thây ma khi nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ”.

Ông cho biết, những kinh nghiệm tại Nhật Bản từ thập niên 1990 cho thấy, việc loại bỏ các công ty kém cạnh tranh chưa hẳn đã là điều tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là với thị trường lao động tương đối linh hoạt tại nước này.

Úc triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính

Còn tại Úc, trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME đã được triển khai.

Đáng chú ý hơn cả là chương trình bảo lãnh cho vay của chính phủ Úc đối với các doanh nghiệp SME. Theo đó, mỗi doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 triệu đô la Úc có thể đăng ký tham gia chương trình và tiếp cận khoản vay với giá trị lên tới 1 triệu đô la Úc, trong thời hạn năm năm, mà không cần thế chấp tài sản.

Số tiền vay được có thể sử dụng cho nhiều mục đích kinh doanh khác nhau, bao gồm cả hỗ trợ đầu tư. Lãi suất cho các khoản vay sẽ do người cho vay quyết định, nhưng được giới hạn ở mức khoảng 10% và có một số điều chỉnh linh hoạt nếu lãi suất thị trường tăng theo thời gian.

Bên cạnh đó, để góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA - ngân hàng trung ương) đã liên tục cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay. Lần cắt giảm gần nhất hôm 3-11 đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức 0,1% lần đầu tiên trong lịch sử và dự kiến sẽ duy trì ở mức này trong vòng ba năm tới, để hỗ trợ nền kinh tế.

Các biện pháp này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp SME. Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Úc (ABA), kể từ ngày 1-2 đến nay, các ngân hàng đã phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 41 tỉ đô la Úc (khoảng 30 tỉ đô la Mỹ) cho các doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trung bình mỗi tháng có khoảng 5 tỉ đô la Úc được cung cấp cho các doanh nghiệp.

ABA khẳng định, trong suốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn đảm bảo sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp SME, với tỷ lệ chấp thuận cho vay luôn ở mức cao, chiếm khoảng 70% tổng số đơn xin vay vốn. Tổng cộng đã có hơn 128.000 doanh nghiệp nhận được vốn vay, với quy mô khoản vay trung bình là 320.000 đô la Úc. Theo ABA, trong suốt hơn tám tháng qua, mỗi ngày các ngân hàng tại Úc lại phê duyệt hơn 500 khoản vay mới dành cho các doanh nghiệp SME.

“Thông điệp rõ ràng từ dữ liệu mới này là các ngân hàng của Úc vẫn mở cửa đối với các khách hàng doanh nghiệp nhỏ”, bà Anna Bligh - Giám đốc điều hành ABA cho biết, “Và tỷ lệ cho vay vẫn tăng mạnh bất chấp đại dịch”.

Thái Lan gia hạn các biện pháp hỗ trợ

Tại một nền kinh tế châu Á khác là Thái Lan, lời kêu gọi mở rộng các biện pháp hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp SME, vốn vẫn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng đã được chính phủ nước này đáp lại. Hôm 3-11, chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã thông qua việc mở rộng và gia hạn một số kế hoạch cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp SME, sau khi chương trình cứu trợ trước đó của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) hết hạn hồi tháng 10.

Cụ thể, Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ Thái Lan (GSB) sẽ tiếp tục triển khai gói cho vay ưu đãi cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 0,01%/năm để các ngân hàng này cho doanh nghiệp vay với lãi suất 2%/năm trong vòng hai năm tới. Tuy nhiên, hạn mức cho vay dành cho mỗi doanh nghiệp sẽ được chính phủ Thái Lan nâng từ mức 20 triệu baht trước đây lên 100 triệu baht (3,2 triệu đô la Mỹ). Bên cạnh đó, GSB cũng sẽ giảm bớt các tiêu chuẩn cho vay, để thu hút thêm sự tham gia của các doanh nghiệp SME hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thái Lan vẫn kỳ vọng nhiều hơn thế. Trước đó, hồi tháng 4, BOT đã triển khai một loạt các biện pháp để giúp giảm bớt sức ép đối với các doanh nghiệp SME, bao gồm hạ lãi suất, lùi thời hạn thanh toán các khoản vay, cơ cấu lại nợ và cung cấp các khoản tín dụng bổ sung. Thế nhưng, sau khi chương trình hết hạn hồi tháng 10, BOT khẳng định sẽ không gia hạn các biện pháp trên, nhằm hạn chế rủi ro từ nợ xấu.

Cơ quan này cho biết, đã có tổng cộng 1,05 triệu tài khoản cho vay của doanh nghiệp SME tham gia chương trình xóa nợ, với tổng giá trị lên tới 1.350 tỉ baht. Ông Sangtawan On-nuam, chủ một nhà hàng và phòng trưng bày nghệ thuật - vốn phụ thuộc nhiều vào khách du lịch cho biết, doanh thu của ông đã giảm hơn 80% do thiếu khách du lịch nước ngoài. Ông đã tham gia vào chương trình xóa nợ của BOT nhưng hiện vẫn phải gồng gánh các khoản vay khi phần lớn khách du lịch vẫn chưa thể quay trở lại.

Hiện Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã yêu cầu một đợt cứu trợ khác của chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp SME tại nước này. Theo Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree, hầu hết các doanh nghiệp SME tại Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, do đó việc chấm dứt kế hoạch xóa nợ có thể tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây ra tình trạng suy giảm thanh khoản giữa các doanh nghiệp SME, cản trở nghiêm trọng sức mua.

Chia sẻ quan điểm này, ông Rakti Yuankrathok - Phó chủ tịch Liên đoàn các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan, đồng thời là chủ sở hữu một công ty cho thuê căn hộ cho biết, các doanh nghiệp SME cần được tái cơ cấu nợ nhiều hơn cho đến khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. “Chúng tôi cần giảm nợ nhiều hơn hoặc được hoãn thanh toán”.

Nguồn: Nikkei Asia, Wall Street Journal, ABC, Ausbanking

Xem thêm: lmth.hcid-iad-iov-ohp-iod-ems-puig-hcac-oc-nav/808013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vẫn có cách giúp SME đối phó với đại dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools