Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: S.H
Chiều 20-11, bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Đoàn cán bộ thành phố đã có buổi làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi.
Buổi làm việc tập trung đánh giá khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện Củ Chi giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với đó là việc thực hiện những chương trình, dự án trọng điểm của huyện và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ sau Đại hội Đại hội Đảng bộ huyện đến nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng Củ Chi là một huyện nằm ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TP, trong quá trình phát triển, huyện phải khẳng định được vị trí, vai trò, nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh của mình với TP.HCM.
Theo bí thư Nên, việc đầu tư cho Củ Chi không chỉ là đầu tư cho huyện mà còn là đầu tư cho sự phát triển của TP. Công tác quy hoạch cần được thực hiện thận trọng, tính toán kỹ những nội dung trước mắt, hiện tại và lâu dài.
Trong đó, cần được tính toán kỹ, phù hợp hành lang chung phía Tây Bắc TP với hệ thống giao thông, công nghiệp, đô thị, cảng logistics… Cùng với đó là xây dựng một vành đai với những mảng xanh phải xanh hơn những nơi khác.
Theo ông Nên, diện tích của Củ Chi lớn bằng diện tích của 19 quận, huyện khác của TP cộng lại. Đây là tiềm năng lớn cần phải tính toán kỹ lưỡng để việc khai thác sử dụng đất hiệu quả nhất, trong đó phải giữ được mảng xanh, phát huy được lợi thế về sông nước, du lịch, đô thị sinh thái…
Việc phát triển cũng phải gắn với không gian về lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần người dân Củ Chi, đặc biệt là chú trọng tôn tạo, giữ gìn, tái tạo những giá trị truyền thống đặc trưng của huyện.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: WEBSITE THÀNH ỦY
Tại buổi làm việc, bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho hay, hệ thống giao thông của huyện Củ Chi đang mất an toàn. Dù là địa bàn kết nối miền Đông và miền Tây nhưng các tuyến đường kết nối lại nhỏ, nguy hiểm.
Ông Thắng đề xuất TP chỉ đạo các sở, ngành giúp huyện quy hoạch lại mạng lưới giao thông huyện Củ Chi. Nếu không làm thì 3 năm nữa sẽ xảy ra ùn tắc.
Theo bí thư Huyện ủy Củ Chi, qua rà soát các đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn được duyệt năm 2013 đến nay không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Củ Chi.
Vì vậy, huyện Củ Chi kiến nghị UBND TP cho phép UBND huyện lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn, làm cơ sở quản lý việc xây dựng ở nông thôn phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.
Đồng thời chuyển phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 31.400 ha xuống còn 14.500 ha theo lộ trình giảm dần phần diện tích khoảng 17.000 ha trong 10 năm.
Bên cạnh đó, xem xét chủ trương xây dựng TP Củ Chi tầm nhìn giai đoạn 2025-2030 trên cơ sở liên kết 3 quận, huyện gồm: Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 phù hợp với lịch sử truyền thống, phát triển kinh tế, du lịch.
Kiến nghị bố trí ngân sách xây hạ tầng kết nối giữa Tỉnh lộ 15 với sông Sài Gòn
Huyện Củ Chi cũng kiến nghị TP chỉ đạo bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối giữa Tỉnh lộ 15 với sông Sài Gòn (13 công trình giao thông và 3 cầu tàu).
Bên cạnh đó là sớm triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện Dự án Thảo cầm viên mới tại 3 xã An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhằm tránh để đất hoang hóa kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Một trong những nội dung quan trọng cũng được huyệnkiến nghị UBND TP là chấp thuận chủ trương đầu tư cảng cạn trên sông Sài Gòn kết hợp với kho bãi phục vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch chung ở TP.HCM đang tập trung lớn vào sửa chữa các điểm bất cập, và đơn vị tư vấn đang hoàn thiện để trình UBND TP. Cơ bản các bất cập, định hướng mới của TP.HCM đã được đề xuất.
Về việc phát triển giao thông hạ tầng, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải TP Trần Quang Lâm cho rằng, đối với khu vực Củ Chi, để phát triển, thu hút đầu tư, thì cần phát triển các tuyến đường, trong đó cần ưu tiên cho đường vành đai 3, Quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
TTO - Chiều 20-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn cán bộ TP.HCM đến viếng đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Củ Chi.