Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trong đó APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo đó, hội nghị đã hoàn tất thực hiện sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng tháng 11/2017.
Tối ngày 20/11, Hội nghị các Lãnh đạo Kinh tế APEC 27 - sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) - đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin và lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế.
TẬN DỤNG TIỀM NĂNG CON NGƯỜI
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin nhấn mạnh, trước những những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực, cũng như trước những thách thức chưa từng có.
Với chủ đề "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung", Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 khẳng định quyết tâm của các nhà Lãnh đạo APEC đưa châu Á – Thái Bình Dương phục hồi thành công, hướng đến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bao trùm, sáng tạo và an toàn.
Theo ông Muhyddin Yassin, đại dịch Covid-19 đã có những tác động sâu sắc đến những ưu tiên về thương mại và đầu tư của các quốc gia thành viên APEC. Do đó, APEC càng cần hợp tác cùng nhau, thống nhất để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. APEC chiếm 60% GDP thế giới, do đó có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khôi phục kinh tế.
Kể từ năm 1994, khi APEC đặt ra mục tiêu Bogor, thương mại nội khối đã tăng hơn 4 lần, hiện chiếm khoảng 50% thương mại toàn cầu. Kể từ năm 2000, đầu tư vào các nền kinh tế APEC cũng tăng gấp 2 lần.
Thủ tướng Malaysia đề xuất 3 ưu tiên mà APEC nên hướng tới và thúc đẩy, bao gồm khẳng định cam kết hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; tăng cường và phát triển nền kinh tế số; và tăng trưởng kinh tế bao trùm.
VÌ SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA MỌI NGƯỜI DÂN VÀ CÁC THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí với đánh giá của tổng giám đốc IMF cho rằng kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn suy thoái nặng nề, đại dịch đã làm đảo ngược những thành tựu của thế giới về xoá đói giảm nghèo trong ba thập kỷ qua và gia tăng bất bình đẳng. Hội nghị nhấn mạnh quá trình phục hồi còn nhiều rủi ro và không đồng đều, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, chú trọng tài khóa minh bạch và bền vững, tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân, nhất là các doanh nhân và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á - Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Hội nghị đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong kiểm soát và ứng phó dịch bệnh, bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của tất cả người dân đối với vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu an toàn, chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về những chuyển biến sâu sắc và xu thế lớn của thế giới và khu vực, vai trò của hợp tác APEC trong cục diện đang định hình.
Bên cạnh tiếp tục khẳng định duy trì môi trường thương mại và đầu tư mở và tự do, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và hoạt động hiệu quả, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa liên kết kinh tế, kết nối toàn diện, kết nối số tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, hội nghị có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, hoan nghênh Hiệp định Đối tác Toàn diện Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được triển khai và Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) vừa được ký kết ngày 15/11 tại Hà Nội.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khu vực trong triển khai các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở được thông qua từ năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn mới của hợp tác khu vực.
Theo đó, Tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Hội nghị đánh giá cao đóng góp và những đề xuất tham vọng và thiết thực của Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) trong quá trình thảo luận và xây dựng Tầm nhìn trong 3 năm qua.
DUY TRÌ VỊ TRÍ ĐẦU TÀU PHỤC HỒI KINH TẾ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều nhận định về cục diện thế giới và khu vực cũng như định hướng thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó dịch bệnh thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và trên hết là tăng cường hợp tác đa phương, cũng như cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung và dài hạn trong ứng phó "đa khủng hoảng" hiện nay.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung trong chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, kịp thời, kiểm soát đại dịch, xử lý các hệ lụy kinh tế, xã hội và từng bước phục hồi kinh tế.
Về định hướng hợp tác APEC, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước những kỳ tích về phát triển kinh tế, xã hội của châu Á - Thái Bình Dương sau hơn 25 năm theo đuổi thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Thủ tướng cũng khẳng định trọng trách kế thừa các thành tựu, cùng nhau xây dựng tương lai để APEC tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu và khả năng thích ứng trong một thế giới thay đổi và cấu trúc khu vực đang định hình.
Đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới, Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tầu trong tiến trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. APEC cần đi đầu đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số…
Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. Trong đó, người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế. APEC cần hỗ trợ các thành viên phát triển theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC để biến tầm nhìn và ước vọng được thông qua ngày hôm nay thành trái ngọt của hoà bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực.
Hội nghị các Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 27 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề "Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng".
Sau APEC, từ ngày 21-22/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân. Thủ tướng dự kiến sẽ có bài phát biểu tại hai phiên thảo luận với các chủ đề là "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm" và "Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu".