Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tham dự cuộc họp trực tuyến ngày 20-11- Ảnh: Reuters
"Đổi mới công nghệ và số hóa là những điều cơ bản trong bối cảnh này, vì những điều đó không chỉ thúc đẩy những nỗ lực truyền sinh khí cho các hoạt động kinh tế mà còn bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân.
Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Muhyiddin Yasin
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay diễn đàn APEC do Malaysia đăng cai phải tổ chức trực tuyến. Không ngạc nhiên khi ứng phó đại dịch và các giải pháp chiến lược phục hồi kinh tế trở thành chủ đề bao trùm toàn bộ diễn đàn năm nay.
Nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương
Ngay trong bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn trực tuyến Đối thoại các lãnh đạo doanh nghiệp APEC Malaysia 2020 ngày 19-11, ông Muhyiddin Yasin, thủ tướng Malaysia, nêu ra ba ưu tiên chủ chốt để tái thiết nền kinh tế sau đại dịch với 21 thành viên APEC.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, theo ông Muhyiddin Yasin, là cần phải tái khẳng định cam kết của các bên về một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp. "Điều này là thiết yếu với các doanh nghiệp của chúng ta, vì sự ổn định và có thể dự đoán của thị trường là những trụ cột trung tâm đảm bảo cho thương mại và đầu tư tiếp tục trôi chảy, ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng" - ông Muhyiddin Yasin nói.
Theo Hãng tin AFP, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó cũng đã bày tỏ quan điểm tán thành luận điểm này, cho rằng "việc thiết lập các nguyên tắc cho nền kinh tế toàn cầu tự do, công bằng là một điều đặc biệt quan trọng".
Ngoài ra, tăng cường nền kinh tế số và tăng trưởng kinh tế bao trùm là hai ưu tiên chiến lược khác nữa mà theo thủ tướng Malaysia các nền kinh tế thành viên APEC cần theo đuổi trong những động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đồng thuận với quan điểm của nước chủ nhà, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho rằng năm 2020 thực sự là thử thách quan trọng với APEC trong các nỗ lực phải chặn đứng dịch bệnh COVID-19 và giải quyết các ảnh hưởng ngắn hạn của đại dịch để thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.
"Chúng ta phải kết nối lại các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong nền kinh tế hậu COVID-19, chúng ta cần tái khẳng định cam kết của các bên với hệ thống thương mại đa phương; hoạt động đầu tư và thương mại mở, tự do; sự kết nối liền lạc, hợp nhất, nhất là nghiên cứu khai thác tiềm năng của nền kinh tế số và đa dạng hóa các chuỗi giá trị toàn cầu", trang web của APEC dẫn phát biểu của ông Prayut Chan-o-cha.
Ông Trump tham dự
Diễn đàn APEC năm nay diễn ra một tuần sau khi Trung Quốc và 14 nước châu Á - Thái Bình Dương ký kết hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định này không có Mỹ tham gia.
Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng ngày 19-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc tiếp tục "mở rộng cửa hơn nữa với thế giới", tạo cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc lớn hơn với các quốc gia khác.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tự do hóa và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư để thông qua đối thoại có thể hoàn tất được các thỏa thuận tự do thương mại tiêu chuẩn cao với nhiều nước hơn, tích cực tham gia các cơ chế song phương, đa phương và khu vực về thương mại và hợp tác đầu tư", Hãng tin AP trích dẫn bài phát biểu của ông Tập.
Trong một diễn biến được giới quan sát chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tham dự từ xa Diễn đàn APEC.
Ông Oh Ei Sun, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore, cho rằng "ông Trump sẽ tận dụng cơ hội này để thể hiện mình như một tổng thống đang tại nhiệm vì lợi ích chính trị trong nước".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 khai mạc lúc 19h (giờ Việt Nam) tối qua 20-11, với sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin.
Theo Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trên hết là tăng cường hợp tác đa phương, cũng như cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung và dài hạn trong ứng phó "đa khủng hoảng" hiện nay.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung trong chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, kịp thời, kiểm soát đại dịch, xử lý các hệ lụy kinh tế, xã hội và từng bước phục hồi kinh tế.
Thủ tướng đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới. Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch COVID-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thủ tướng, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu... cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. Trong đó, người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế. APEC cần hỗ trợ các thành viên phát triển theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn.
Hội nghị lần này dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 và Tuyên bố về tầm nhìn APEC sau năm 2020.
TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump có sự xuất hiện hiếm hoi và bất ngờ tại diễn đàn APEC trực tuyến ngày 20-11 sau khi đã không tham dự APEC kể từ 2017, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Xem thêm: mth.19435018012110202-91-divoc-hcid-iad-uas-cat-poh-nab-cepa/nv.ertiout