Có thể nói cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thời gian qua, tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng (hoặc vượt mặt) trí tuệ nhân tạo (AI) để làm những việc phi pháp.
Say tình mất tiền
Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội, thời gian gần đây, nạn giả danh các tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt trước đây, thông thường có một "mẹo" để tránh việc bị mắc bẫy là bị hại trước khi chuyển tiền thì gọi điện thoại trực tiếp (voice call hoặc video call) cho phía bên kia để xác định danh tính. Tuy nhiên, hiện tại, các đối tượng lừa đảo đã dùng trí tuệ nhân tạo khiến cho con mồi sập bẫy một cách vô cùng tinh vi.
Chị Phạm Hồng Thu (SN 1977, thường trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đang công tác tại một cơ quan nhà nước, dù đầy đủ kiến thức hiểu biết về pháp luật cũng như chiêu trò lừa đảo, song vẫn bị dính bẫy. Theo chị Thu, vài tháng trước, qua mạng Facebook, chị Thu có quen với Robert (55 tuổi, quốc tịch Mỹ). Robert tự giới thiệu là sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ. Sau một thời gian nói chuyện, ông ta bày tỏ mong muốn được trò chuyện với chị Thu nhiều hơn. Hai người đã cài nhiều ứng dụng như Zalo, Line... để tiếp tục.
Khoảng một tháng trở lại đây, Robert cho chị Thu biết rằng, ông ta sắp mãn hạn quân dịch và có một khoản tiền lớn (gần 3 triệu USD) muốn đầu tư về Việt Nam. Gã cũng khéo léo bật mí rằng vợ đã chết, có một con gái đã học xong đại học và đi làm, nên không còn phải lo lắng gì cho gia đình cả. Cũng trong quá trình trò chuyện, Robert thường xuyên khen chị Thu xinh đẹp, thông minh, duyên dáng... Robert đã phải lòng chị và muốn “tiến xa hơn” với chị.
Tình cảm đôi bên cứ lớn dần. Robert hứa với chị hết hạn phục vụ trong quân đội sẽ bay thẳng về Việt Nam để... cưới chị. Và để thể hiện tấm lòng, gã bảo sẽ gửi quà, tiền cho chị Thu.
Robert gửi cho chị hình ảnh về một thùng hàng đã được gói ghém cẩn thận, ở trên có đề tên và địa chỉ, số điện thoại của chị Thu tại Hà Nội. Khoảng gần một tuần sau, chị Thu nhận được điện thoại từ một phụ nữ nói giọng miền Nam, nói rằng chị ta là nhân viên công ty chuyển phát nhanh có nhận được một bưu phẩm chuyển cho chị Thu. Để nhận được bưu phẩm này, chị Thu phải nộp thuế thông quan là 65 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, chị Thu đã nhanh chóng chuyển vào tài khoản mà người phụ nữ kia cung cấp.
Hai ngày sau, có một người đàn ông xưng là hải quan TPHCM nói với chị Thu rằng, qua kiểm tra phát hiện thấy trong đó có đến 300.000 USD tiền mặt nên chị Thu phải đóng thêm khoản phí gần 300 triệu đồng nữa. Sau khi gửi cho bọn chúng hết lần này đến lần khác mà không nhận được hàng, chị Thu mới nảy sinh mối ngờ. Chị gọi điện đòi nói chuyện trực tiếp với Robert nhưng đều bị từ chối.
Tối hôm đó, khi chị Thu gọi video call thì Robert xuất hiện trong trang phục sĩ quan rất hoành tráng, quang cảnh xung quanh là một sa mạc cát với nhiều ô tô quân sự xếp hàng dài... Tuy chỉ nói được vài câu song chị Thu đã tin tưởng tuyệt đối với Robert và sấp ngửa gửi thêm ba lần cho gã, tổng số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng thì gã biến mất. Khi đó, chị Thu mới vỡ lẽ đã dính phải bẫy lừa đau đớn.
Cũng theo cơ quan Công an, hiện đã xuất hiện những phần mềm có thể giả lập video của con người (nhất là người nổi tiếng) rất tinh vi. Tháng 9.2020, ứng dụng Z chuyên giả lập video của Trung Quốc ra đời và nhanh chóng tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới. Nếu như trước đây đã có một số ứng dụng hoán đổi gương mặt, lấy ảnh gương mặt của bạn hoán đổi với gương mặt của người khác (ảnh tĩnh) thì Z đã đi một bước xa hơn nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Hoán đổi gương mặt người dùng với hình ảnh của diễn viên điện ảnh nổi tiếng trong một đoạn video (ảnh động).
Lập hàng trăm website để lừa nạn nhân ở Mỹ
Còn nhớ tháng 3.2020, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tổ chức triệt phá đường dây; bắt giữ ông trùm Nguyễn Duy Toản (SN 1987, thường trú tại Đông Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa) cùng nhiều đồng phạm về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, Toản đã “qua mặt” được hệ thống AI của Paypal - website của một trong những công ty trung gian thanh toán nổi tiếng nhất thế giới và cũng được đánh giá là bảo mật, thuận tiện vào loại bậc nhất.
Tài liệu điều tra từ cơ quan Công an cho thấy, do có nhiều năm chuyên buôn bán hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Toản nắm rõ những cách thức để bán hàng cho khách hàng nước ngoài. Từ việc lập trang web đăng tải sản phẩm trên mạng, mở "chiến dịch" quảng cáo nhằm vào khách hàng mục tiêu cho đến vận chuyển, thanh toán giữa khách hàng và nhà bán hàng, Toản đều cực kỳ thông thạo. Toản cũng vung tiền để đăng nhiều quảng cáo từ các trang của Google, nhằm kiếm được thật nhiều khách.
Đồng thời, Toản cũng phát hiện kẽ hở trong việc thanh toán qua website của Công ty Paypal nên nảy sinh ý định lừa đảo. Do số lượng thanh toán giao dịch qua cổng trung gian này lên đến hàng nghìn lượt mỗi ngày, khiến cho việc quản lý các giao dịch phải phụ thuộc vào các thuật toán của trí tuệ nhân tạo. Toản đã rủ cháu ruột là Phan Đình Thư hiện là sinh viên một trường chuyên về công nghệ thông tin về làm cho mình và thuê thêm Trần Quốc Khánh (SN 1984 thường trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng nhau "khởi nghiệp". Qua công việc MMO (kiếm tiền online), Toản quen với đối tượng Đỗ Chí Huy (SN 1993, thường trú tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Huy nhanh chóng trở thành một cánh tay đắc lực cho Toản để lừa đảo.
Nhiệm vụ của Thư là thiết kế các nội dung của một website bán hàng khá chuyên nghiệp. Các website đều lấy địa chỉ kho hàng, số điện thoại tại Mỹ. Thư sau đó chuyển toàn bộ website đã thiết kế cho Trần Quốc Khánh để Khánh thêm nội dung các sản phẩm, mặt hàng và chạy quảng cáo cho website. Ban đầu, Khánh liên kết với Toản cùng tham gia kiếm tiền online bằng cách đăng tải sản phẩm lên trang thương mại điện tử Shopify; làm Dropshipping (nhập hàng từ đại lý và bán lại cho khách để hưởng chênh lệch).
Sau đó, để tổ chức lừa đảo quy mô lớn, Toản yêu cầu Khánh mua các tên miền, hosting để thiết lập các trang website bán hàng. Khánh đã mua khoảng 150-170 tên miền. Tuy nhiên, số lượng tên miền, hosting được Google duyệt chỉ được khoảng 50% và các website được duyệt chỉ hoạt động được từ 1-3 tuần sẽ bị hệ thống Google khóa. Do vậy, Toản đã yêu cầu Khánh phải lập thật nhiều website để khi website nào bị khóa thì lập tức sẽ có website để thay thế để việc kinh doanh không bị gián đoạn.
Đồng thời, Toản hướng dẫn Khánh tạo các tài khoản Paypal để nhận tiền từ khách mua hàng. Do Paypal xác minh các tài khoản rất kỹ nên các đối tượng thậm chí còn phải bỏ tiền ra để “mua” tài khoản Paypal. Nhằm đẩy mạnh việc bán hàng, Khánh lập khoảng 20 trang website có địa chỉ và số điện thoại tại Hoa Kỳ có đăng các sản phẩm được sao chụp từ trang walmart; bestbuy. Các website này được liên kết với tài khoản Paypal của Huy. Khánh cũng tạo các tài khoản Google Ads (quảng cáo bằng công cụ của Google) để chạy quảng cáo các trang website nhắm đến các khách hàng tại Mỹ.
Chỉ trong tháng 3.2020, đã có khoảng hơn 4.000 đơn hàng tại Mỹ đặt hàng qua hệ thống Paypal. Số tiền "đổ" về qua tài khoản Paypal của Toản quản lý đã lên đến gần 600.000 USD. Tuy nhiên, các khách hàng tại Mỹ không thấy hàng chuyển đến thì đã khiếu nại lên Công ty Paypal. Hệ thống Paypal đã trả lại khách hàng khoảng hơn 400.000 USD, số tiền còn lại trong tài khoản Paypal Toản cũng chưa rút được vì bị khóa.
Sau đó, "ông trùm" đã nghĩ ra cách để qua mặt được Paypal. Đầu tháng 4.2020, Toản giao nhiệm vụ cho Thư tải mã vận chuyển (ups tracking) lên Paypal thông qua trang website của đơn vị vận chuyển UPS (www.ups.com) để khách hàng theo dõi. Do sử dụng AI để quản lý các giao dịch nên PayPal không biết rằng những vận đơn trên chỉ là "ảo". Còn các khách hàng nghĩ do dịch bệnh nên hàng được giao chậm hơn dự kiến nên tạm thời không khiếu nại.
Bằng thủ đoạn này, Toản đã có thể rút được tiền từ tài khoản Paypal về. Bên cạnh đó, Toản đã thỏa thuận với Huy về việc mượn tài khoản Paypal của Huy, để khi khách hàng mua trên các website do Toản tạo ra sau khi khách hàng thanh toán vào các tài khoản Paypal của Huy có trách nhiệm đổi ra tiền VND và chuyển trả lại cho Toản. Cụ thể, Huy đã chuyển cho Toản qua tài khoản ngân hàng 1,2 tỉ đồng. Tổng số tiền các đối tượng đã rút về trót lọt lên đến hơn 2 tỉ đồng...
Xem thêm: odl.897558-oac-ehgn-gnoc-mahp-iot-auc-aoh-nav-neib-neiht/taul-pahp/nv.gnodoal