Ngày 19-11, Chính phủ ban hành Nghị quyết 172 về chính sách phát triển công chứng.
Theo nghị quyết, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng, hiện tượng chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển hành nghề công chứng.
Cụ thể, văn phòng công chứng (VPCC) được thành lập không có căn cứ vào nhu cầu công chứng. Việc chuyển trụ sở của VPCC từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nghề công chứng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên...
Đồng thời, chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức nghề. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản…
Một công chứng viên đang dùng máy soi để kiểm tra giấy tờ nhà, đất. Ảnh: YC
Từ thực tiễn trên, nghị quyết đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật như tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Trên cơ sở đó nghiên cứu các sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 theo hướng nâng cao chất lượng công chứng viên, phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát, bảo đảm trình tự, thủ tục công chứng chặt chẽ…
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng.
Để phát triển tổ chức hành nghề công chứng đảm bảo ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội theo địa bàn cấp huyện, cần ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC theo quy định của Luật Công chứng. Tiêu chí phải đánh giá được sự cần thiết thành lập VPCC. Việc cho phép thành lập VPCC mới hoặc thay đổi địa điểm trụ sở từ huyện này sang huyện khác phải đảm bảo phù hợp với tiêu chí đã được ban hành, quy định của pháp luật…
Theo nghị quyết cần chú trọng chất lượng đội ngũ công chứng viên ở tất cả các khâu đào tạo, bồi dưỡng tập sự, bổ nhiệm…. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tổ chức công chứng vi phạm pháp luật. Kiên quyết tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên, chấm dứt hoạt động hoạt các hình thức xử lý tương đương khác đối với các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.
Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, giấy tờ công chứng. Đồng thời, phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng công chứng để hợp thức các giao dịch bất hợp pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của công chứng viên.
Có 1.186 tổ chức hành nghề công chứng Đến nay Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 55 Hội công chứng viên đã được thành lập với 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1.068 VPCC. Hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, khẳng định vị trí vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội… |