Đánh giá toàn cầu về các thỏa thuận mua bán cho thấy các quốc gia có thu nhập cao cũng như một số quốc gia thu nhập trung bình có năng lực sản xuất đã mua gần 3,8 tỷ liều vắc xin COVID-19, với các thỏa thuận để mua thêm 5 tỷ liều khác.
Bài phân tích này cho thấy nhiều quốc gia trong số này có thể tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ và một số quốc gia sẽ có thể làm như vậy nhiều lần trước khi hàng tỷ người được tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Elina Urli Hodges, người đứng đầu Launch and Scale Speedometer thuộc Trung tâm đổi mới sức khỏe toàn cầu của Đại học Duke nhắm tới xác định những trở ngại cho quá trình cung cấp sản phẩm y tế đổi mới cho các nước có thu nhập thấp – cho biết: “Một nỗ lực đầy tham vọng nhằm tạo ra một hệ thống vắc-xin công bằng toàn cầu (Sáng kiến COVAX Facility) đang bị phá hoại bởi một số ít quốc gia bao gồm cả những quốc gia đã cam kết bình đẳng cố gắng mua càng nhiều liều (vắc-xin) càng tốt.”
Urli Hodges nói: “Các quốc gia đang phòng ngừa rủi ro bằng cách thực hiện các giao dịch trực tiếp đồng thời tham gia vào các nền tảng đa phương, điều này gây ra bất bình đẳng và nguy cơ kéo dài đại dịch toàn cầu.”
Các đánh giá khác cũng đã cảnh báo về sự bất bình đẳng tiềm ẩn trong việc tiếp cận vắc-xin, nhưng phân tích mới này là đánh giá lần đầu tiên xác định cẩn thận được số lượng vắc-xin đang được yêu cầu bởi các thỏa thuận cấp quốc gia và cách mà các thỏa thuận này có thể trì hoãn khả năng tiếp cận tới vắc-xin COVID-19 của các vùng rộng lớn bao gồm cả châu Phi cận Sahara cho đến gần giữa thập kỷ này.
Sự chờ đợi kéo dài cho vắc-xin COVID-19
Phân tích của Launch and Scale cho thấy trong khi có thể sẽ mất từ ba đến bốn năm để sản xuất đủ vắc-xin cho dân số thế giới, thì gần bốn tỷ liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng đã là một phần của các thỏa thuận mua trước song phương chủ yếu tới từ các quốc gia có thu nhập cao, các nhà phát triển vắc xin và các nhà sản xuất vắc xin toàn cầu. Năm tỷ liều khác là chủ đề của các cuộc đàm phán cũng giữa các bên này nhưng chưa được hoàn tất.
Trên thực tế, dữ liệu của Launch and Scale tiết lộ rằng một số bên ký kết COVAX, bao gồm Vương quốc Anh (Anh), Liên minh Châu Âu (EU) và Canada, đang phá hoại hiệp định này bằng cách đàm phán “các thỏa thuận phụ” cho các lô hàng vắc-xin lớn.
Mỹ, không phải là nước ký COVAX, đã đạt thỏa thuận mua đủ liệu vắc-xin cho 230% dân số và có thể sở hữu tới 1,8 tỷ liều vắc-xin, chiếm ¼ nguồn cung ngắn hạn toàn cầu.
Bên cạnh đó, các quốc gia có thu nhập trung bình như Brazil và Ấn Độ - mỗi quốc gia đều có cơ sở hạ tầng sản xuất vắc-xin lớn đã mua được quyền sản xuất vắc-xin đủ cho khoảng ½ dân số của họ và đang đàm phán các thỏa thuận bổ sung.
Tuy nhiên, phân tích cho thấy không có một quốc gia thu nhập thấp nào thực hiện thỏa thuận trực tiếp để mua vắc xin, điều này cho thấy rằng các quốc gia thu nhập thấp sẽ chỉ có thể phụ thuộc vào hiệp định COVAX để nhận được vắc-xin.
Nghiên cứu mới của Launch and Scale chỉ ra rằng hầu hết người dân ở các nước thu nhập thấp sẽ phải đợi tới năm 2024 để được tiêm phòng COVID-19 nếu các nước thu nhập cao tiếp tục tham gia vào “chủ nghĩa tiêm chủng”.
Ví dụ, có những ước tính rằng để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20% quốc gia thành viên, COVAX sẽ cần ít nhất 1,14 tỷ liều vắc-xin cho tiêm chủng một liều và gấp đôi số lượng đó cho chế độ hai liều. Hiện tại, hầu hết các vắc-xin COVID-19 tiềm năng đều yêu cầu hai liều.
Gốc rễ của vấn đề
Theo phân tích của Launch and Scale, vấn đề gốc rễ là sự kết hợp của năng lực sản xuất hữu hạn trên toàn cầu và sự chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia cũng như tư lợi mà các nước thu nhập thấp không thể cạnh tranh.
Ví dụ, nghiên cứu này tiết lộ rằng hai loại vắc-xin tiềm năng một từ quan hệ đối tác giữa Đại học Oxford và Astra-Zeneca (AZ) và một từ nhà phát triển vắc-xin của Mỹ Novavax là chủ đề của các thỏa thuận với các nhà sản xuất toàn cầu để sản xuất 3,73 tỷ liều. Tuy nhiên do năng lực sản xuất hữu hạn, khoảng 3 tỷ liều vắc-xin đó sẽ đến từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ.
Trong khi đó, cả hai vắc xin tiềm năng đều là đối tượng của các cam kết mua trước (AMC – Advance Market Commitment) lớn từ các quốc gia có thu nhập cao hoặc trung bình. Vắc-xin của Oxford/AZ dẫn đầu gói AMC với hơn hai tỷ liều, mặc dù con số đó bao gồm từ 300 đến 500 triệu liều cho COVAX. Để đối phó với tình hình (thiếu hụt) này, COVAX đã nhanh chóng chuyển sang dự trữ năng lực sản xuất ở Tây Ban Nha và Hàn Quốc cho hơn một tỷ liều của một hoặc nhiều loại vắc-xin vẫn chưa được lựa chọn.
Andrea Taylor, người phụ trách phân tích của Launch and Scale, cho biết triển vọng vắc-xin của các quốc gia thu nhập thấp có thể trở nên ảm đạm hơn khi đại đa số các quốc gia thu nhập thấp cần loại vắc-xin không cần bảo quản quá lạnh. Điều đó có nghĩa là chỉ một số vắc-xin tiềm năng nhất định đang trong quá trình phát triển sẽ phù hợp với họ.
Ví dụ, một trong những ứng cử viên vắc-xin hàng đầu trong các thử nghiệm giai đoạn cuối - một công thức từ Pfizer - yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ từ -60 đến -80 độ C.
Trong khi đó, một ứng cử viên vắc-xin của Johnson & Johnson, mặc dù phải vận chuyển đông lạnh, nhưng có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh điển hình trong vài tháng và chỉ cần một liều, hai yếu tố sẽ giảm bớt thách thức phân phối ở các nước thu nhập thấp.
Nhưng phân tích mới cho thấy Mỹ, Anh, EU và Canada đã đàm phán các thỏa thuận mua trước số lượng lớn cho vắc-xin của Johnson & Johnson. Các thỏa thuận đó có thể đóng lại khả năng mua loại vắc-xin này của các nước thu nhập thấp.
Taylor lưu ý rằng những thách thức khác ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia có thu nhập thấp bao gồm nhu cầu sở hữu các nguồn cung cấp như ống tiêm được vận chuyển và sẵn sàng khi vắc-xin được chuyển tới. Ngoài ra, cô nói rằng mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn ở các nước thu nhập thấp để tiêm chủng cho trẻ em, COVID-19 sẽ yêu cầu các chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu là người lớn và đặc biệt là người lớn tuổi.
K Nguyễn
Theo Tổ Quốc