Tọa đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” do nhà sách Omega+ và Cafe Thứ Bảy Trẻ phối hợp tổ chức, diễn ra vào cuối tuần qua. Tọa đàm được tổ chức nhân dịp ra mắt tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen”.
Hiện, tác giả Thụy Phương đang ở Pháp, không thể về Việt Nam do dịch Covid-19. Vì vậy, tác giả đã gửi lời giới thiệu sách và trả lời những câu hỏi của độc giả gửi đến trước tọa đàm bằng clip. TS Bùi Trân Phượng - nhà quản lý giáo dục, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen dẫn dắt buổi tọa đàm.
Tác giả Thụy Phương chia sẻ về cuốn sách bằng clip. Ảnh: KHÁNH CHI
Tại tọa đàm, tác giả và TS Bùi Trân Phượng đã đưa ra một cái nhìn khách quan về hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa. Nền giáo dục đó được đề cập đến như một “Huyền thoại đỏ” và “Huyền thoại đen” (hai tên gọi ẩn dụ của tác giả về 2 quan điểm đánh giá nền giáo dục Việt Nam thời thuộc địa - ca tụng, phê phán).
Tác giả chia sẻ: “Với tư cách là một độc giả lịch sử, ngày nay chúng ta cần một cái nhìn đa diện để đánh giá đúng di sản (nền giáo dục Việt Nam) thuộc địa này. Theo tôi, vấn đề cấp thiết của thế hệ trẻ ngày nay là nới rộng biên độ ký ức của quá khứ chung và cùng kiến tạo tương lai.
Huyền thoại đen: phê phán nền giáo dục ngu dân
Tại tọa đàm, tác giả cho biết chính sách giáo dục của Pháp nằm trong logic của chính quyền thuộc địa, không bao giờ để thuộc địa phát triển bằng chính quốc. Chính sách giáo dục cả nước là phân chia thành nửa bậc cấp học: tiểu học sơ đẳng, tiểu học, cao đẳng tiểu học, trung học, dạy nghề và đại học. Cùng với đó là các loại bằng cấp, kỳ thi tạo nên những vật cản khiến đa số học sinh khó tiếp tục học lên cao được.
Theo TS Bùi Trân Phượng, Pháp tự nhận là cường quốc quan trọng để bảo trợ trí tuệ và tinh thần cho các nước khác. “Pháp nghĩ dân tộc Pháp là văn minh, còn các dân tộc khác là man rợ. Và Pháp có trách nhiệm, nghĩa vụ phải khai sáng văn minh cho các dân tộc man rợ đó”.
TS Bùi Trân Phượng chia sẻ về cuốn sách "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa". Ảnh: KHÁNH CHI
Trong đó, giáo dục nằm giữa hai mô hình đồng hóa và hợp tác. Thứ nhất là mô hình đồng hóa, biến người thuộc địa thành người của Pháp, từng bước san bằng nền văn hóa của họ, buộc họ từ bỏ ngôn ngữ để họ tiến hóa thành người Pháp.Tuy vậy, nếu người thuộc địa trở thành người Pháp thì họ phải có những quyền lợi như Pháp, điều này gây khó dễ cho chính quyền thực dân và mô hình này bị phê phán.
Mô hình thứ 2 là giáo dục có sự hợp tác giữa 2 bên: bên thống trị và bên bị trị. Pháp sẽ cải thiện dân bản xứ bằng mọi cách nhưng phải có lợi cho sự thống trị và Pháp để cho người bản xứ làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp tại An Nam. Điều này phải đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của Pháp.Tại hai mô hình đó, giáo dục là công cụ thực hiện hữu hiệu nhất nằm trong tay kẻ đi chinh phục, “muốn nắm giữ con tim của người bản xứ”.
Khán giả lắng nghe chia sẻ của khách mời. Ảnh: KHÁNH CHI
Kết quả, trong giai đoạn tiền mô hình, tại Nam kỳ chỉ có 1% trẻ đi học, chưa có bậc trung học và chỉ có 3 trường cao đẳng tiểu học. Trong khi mục đích ban đầu của giáo dục là mở trường thông ngôn để xóa đi chữ Hán, phổ cập chữ Pháp thì giáo dục truyền thống, chữ Nho vẫn thu hút 1/3 trẻ trong độ tuổi đi học.
Trong giai đoạn thuộc địa, cả An Nam chỉ có 1 triệu học sinh/12 triệu trẻ trong tuổi đến trường được đi học. Năm 1943, chỉ có 1/10 học sinh qua được bậc tiểu học, 1/100 học sinh học qua được bậc cao đẳng tiểu học, dưới 2 học sinh/1000 học sinh chạm đến cánh cửa trung học và đại học.
Năm 1927, một vị đại diện của bộ thuộc địa Pháp đã tiến hành cuộc khảo sát về giáo dục tại An Nam cũng chỉ trích chính sách giáo dục này . Ông phê phán chính sách quá đào thải học sinh, giáo dục “xoàng”, chương trình dạy quá Pháp, và không đủ giáo viên.
Huyền thoại đỏ: ca tụng sự hào phóng của Pháp
Theo TS Bùi Trân Phượng, những điểm sáng trong giáo dục của Pháp tại thuộc địa bắt đầu có vào khoảng năm 1886. Đó là thời gian ông Paul Bert - người cầm quyền cao cấp nhất xứ Bắc và Trung kỳ được Pháp cử sang Việt Nam. Ông đã thiết lập một nền giáo dục dạy 3 thứ tiếng: tiếng Việt (chữ quốc ngữ), tiếng Hán và tiếng Pháp, nhằm mục đích vừa tôn trọng văn hóa bản địa, vừa phổ biến, truyền bá văn hóa mới.
Paul Bert nhận ra người bản xứ đi học tiếng Pháp quá ít. Số lượng người học tiếng Pháp không đủ để người Pháp dùng trong bộ máy chính quyền.Vì vậy, ông đưa ra quy định biết tiếng Pháp là yêu cầu, điều kiện bắt buộc để trở thành viên chức trong chính quyền Pháp. Tiếng Pháp và chữ quốc ngữ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi Hương (kỳ thi do triều đình Huế tổ chức). Paul Bert cũng cho thành lập các trường nữ sinh, các trường sư phạm đào tạo nữ giáo viên và trường dạy nghề. Việc giáo dục cho nữ sinh đã làm thay đổi vị thế người phụ nữ trong xã hội Việt Nam.
Khán giả cùng khách mời trao đổi về chủ đề của tọa đàm. Ảnh: KHÁNH CHI
Trường nữ sinh được thành lập ngay từ đầu Thế kỷ XX là điều vô cùng mới mẻ và thay đổi bộ mặt xứ Nam Kỳ. Ở các tỉnh lỵ, nhà trường dạy chung nam sinh và nữ sinh. Tác giả Thụy Phương cũng nhắc nhở việc dạy chung nam và nữ sinh là điều tiến bộ đã có từ nước bản địa rất lâu trước đó, trước Pháp khoảng vài chục năm. Tỉ lệ nữ sinh ở các bậc công lập tăng dần đều. Năm 1906, trường Đại học Đông Dương được thành lập ở Hà Nội. Tuy vậy, đến năm 1907 cũng chỉ có 27 người có bằng tiểu học trong toàn cõi Đông Dương.
Tác giả Thủy Phương cho hay: “Cuối giai đoạn thuộc địa, một thanh niên Đông Dương có thể theo đuổi việc học đến tận bậc Đại học có trình độ tương đương với chính quốc. Đông Dương là trường hợp duy nhất có được điều này trong các nước thuộc địa”.
“Mặc dù đỉnh tháp tri thức rất nhọn nhưng vẫn có nhiều học sinh Đông Dương xuất sắc vươn tới đỉnh tháp này”, cô chia sẻ. Tác giả cho biết: “Năm 1945, sau khi giành được độc lập, Chính phủ Việt Nam đã tiếp nhận và thừa hưởng hệ thống giáo dục của Pháp. Bao gồm từ bậc Tiểu học lên Đại học, trên phương diện phương pháp, kết cấu, bằng cấp và chỉ “quốc dân hóa” “nội dung chương trình””.
Một điều đáng ghi nhận khác là sự pha trộn sắc tộc trong trường học ở tất cả các bậc học tại Đông Dương. Tỉ lệ học sinh Đông Dương trong các trường trung học Pháp chiếm khá cao. Ở cuối giai đoạn thuộc địa, những trường trung học Pháp tại xứ thuộc địa nhận học khoảng 20% học sinh Đông Dương. Nền giáo dục thuộc địa của Pháp cũng đưa vào giảng dạy những môn khoa học và kỹ thuật, đưa văn chương và triết học ra ngoài khuôn khổ Khổng giáo.
Giáo dục cho con em dân tộc thiểu số và hiện đại hóa trường chùa cũng là những thành tích đáng kể. Bên cạnh đó, nền giáo dục thuộc địa còn đem đến sự tiếp nhận và chiếm lĩnh trở lại chữ quốc ngữ của người Việt. Trước đó, chữ quốc ngữ được hình thành nhằm mục đích truyền đạo. Sau khi được đưa vào giáo dục, nó trở nên thông dụng với đại chúng, góp phần hình thành nền báo chí và văn học chữ quốc ngữ sống động, phong phú.
Cuối giai đoạn thuộc địa, chính quyền Pháp nhận ra họ đã đào tạo nên 1 lớp tinh hoa Việt hấp thu văn hóa phương Tây. Những người trẻ Việt xuất sắc đó đã chứng kiến sự mâu thuẫn và phi lý của nền giáo dục chính quốc. Trong khi giáo dục của Pháp ca tụng tự do cá nhân và tinh thần phản biện thì chính quyền Pháp và nhà trường lại đàn áp những cuộc biểu tình đòi tự do, bình đẳng của học sinh, sinh viên.
Nhà xã hội học Trịnh Văn Thảo đã gọi họ là “thế hệ 1925”. Họ gia nhập vào hàng ngũ đấu tranh bằng cả chính trị và vũ lực. Họ vận dụng trình độ chuyên môn, kiến thức lĩnh hội được trong trường học để làm vũ khí đấu tranh giành độc lập nước nhà.
Tọa đàm giúp tôi biết giáo dục thuộc địa của Pháp mang lại cả những điều tiêu cực và tích cực, có những đóng góp ảnh hưởng đến giáo dục hiện đại. Những phần trao đổi trong tọa đàm cũng mở rộng kiến thức của tôi về giáo dục của Việt Nam. Đồng thời truyền cảm hứng hơn cho tôi trong việc tìm hiểu lịch sử một cách khách quan đa chiều, phản biện thay vì chỉ học bài, học thuộc lòng theo chương trình của giáo viên. Tường Vy - sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM |