Sáng nay, 23-11, thông tin tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định 52), ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho biết hiện nay cả nước có trên 817.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017.
Mức độ tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua cũng đạt khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017.
Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch COVID-19 nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; mây tre cói thảm, sản phẩm thêu, dệt thủ công cũng đạt tương ứng là 250 triệu USD và 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, trong 10 năm, chúng ta đầu tư 3 triệu tỷ đồng để xây dựng thiết chế hạ tầng nông thôn. Ảnh: AH
"Hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu" - ông Thịnh cho biết.
Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Việt Nam đi lên từ ngành kinh tế nông nghiệp. Vào năm 2008, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau Nghị quyết tiếp tục ban hành một loạt chương trình hành động. Tất cả đều chung mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nhanh hơn, xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, trong 10 năm, chúng ta đầu tư 3 triệu tỷ đồng, bằng 150 triệu USD để phát triển các thiết chế hạ tầng ở nông thôn như điện, đường, trường, trạm, cơ sở sản xuất, hệ thống thủy lợi... để thúc đẩy sản xuất. Chúng ta đã hoàn thiện một khối lượng không lồ về cơ chế hạ tầng" - ông Cường nhấn mạnh.
Nhờ đó, đến năm 2020, chúng ta đã có 50% số xã đạt 19 nhóm tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân. Năm 2019, đã xuất khẩu được 40,55 tỷ USD nông sản đi 185 quốc gia trên thế giới. Thu nhập người dân vùng nông thôn năm 2009, năm bắt tay thực hiện Nghị quyết 26 là 9,1 triệu đồng thì đến cuối năm 2019 đã đạt 43 triệu đồng, gấp gần 4 lần.
Bộ trưởng cũng đánh giá sau hai năm ban hành Nghị định số 52, cùng với đà phát triển của đất nước, của chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP, đời sống của người dân nông thôn đã được nâng cao rõ rệt.
"Trước kia nghề sinh vật cảnh chỉ để trang trí, giờ là nghề làm giàu rất tốt" - Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đánh giá hiệu quả kinh tế ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp, đời sống của một bộ phận bà con còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, môi trường vẫn chưa sạch dù đã có hơn một nửa số xã đạt nông thôn mới. Cạnh đó, sản phẩm bà con làm ra có chuỗi giá trị chưa cao, chưa ổn định...
Bộ trưởng chỉ rõ, kinh tế nông thôn vẫn là một thế mạnh mà Việt Nam phải tận dụng. Do đó ông yêu cầu cần chỉ rõ đâu là trách nhiệm của các tỉnh phải làm; đâu là vướng mắc mà Bộ NN&PTNT cần tiếp thu để báo cáo Chính phủ; đâu là rào cản ngăn trở sự vươn lên của các doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã và người dân trong phát triển làng nghề.