Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, một khi nguồn tiền đã chuyển ra nước ngoài, sẽ cực kỳ khó khăn để yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của họ. Vì vậy, nếu có thể thực hiện thu thuế ngay khi nguồn tiền vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam thì khả năng giảm thiểu hiện tượng thất thu thuế là rất cao.
Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW về “hàng rào kỹ thuật” tại Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ 5.12 tới, nhằm chống thất thu thuế từ các công ty, nhà cung cấp nước ngoài.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay, một doanh nghiệp, nhà cung cấp nước ngoài dù không có trụ sở tại Việt Nam vẫn có thể cung cấp hàng hóa/dịch vụ và thu về lợi nhuận “khủng” từ thị trường hơn 90 triệu dân này. Vậy luật pháp về thuế hiện nay ngăn ngừa thất thu thuế từ nhóm đối tượng này như thế nào, thưa luật sư?
- Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5.12 quy định: Các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài) theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019.
Quy định này được ban hành nhằm hạn chế tối đa việc thất thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam vì mặc dù không có trụ sở thường trú tại Việt Nam, các nhà cung cấp nước ngoài cũng sẽ thực thiện các giao dịch thông qua ngân hàng Việt Nam để chuyển tiền qua nước ngoài.
Một khi nguồn tiền đã chuyển ra nước ngoài, sẽ cực kỳ khó khăn khi yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Vì vậy, nếu chúng ta có thể thực hiện thu thuế ngay khi nguồn tiền vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam thì khả năng giảm thiểu hiện tượng thất thu thuế là rất cao.
Dựa vào quy định mới được đưa ra trong Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, chúng ta có thể phần nào giải quyết được tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Liệu có khoảng cách nào từ luật đến thực tiễn không thưa luật sư?
- Trên thực tế, việc các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác, ví dụ như chính sách giữa ngân hàng và nhà cung cấp nước ngoài; khả năng quản lý được các tài khoản mà nhà cung cấp nước ngoài mở; mức độ hợp tác giữa các bên; chi phí thực hiện quy định trong thực tế…
Hướng đi của chúng ta có thể được coi là tương đối giống và học tập theo các quy định mà Liên minh Châu Âu ban hành. Ví dụ, Châu Âu cũng đã đề xuất việc tạo ra các nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng hoặc các bên trung gian thanh toán trong việc lưu trữ hồ sơ về những giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Vào năm 2018, họ cũng có xây dựng chương trình hợp tác giữa cơ quan thuế và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Trên thế giới, các nước chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử bằng cách nào?
- Hiện nay, để chống thất thu thuế, phần lớn các quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu thuế. Mục đích chính của việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế không chỉ để cắt giảm chi phí thu thuế mà còn nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn quản lý thuế hiện đại.
Ví dụ, tại Thái Lan, Malaysia, Kenya và Uganda áp dụng công nghệ dịch vụ thuế trên điện thoại di động. Indonesia giới thiệu một chương trình có tên gọi là “Biết người nộp thuế” trong đó cán bộ thuế được giao nhiệm vụ theo dõi và giám sát một số trường hợp cụ thể (khoảng 1.500 trường hợp) mà họ đã quen thuộc. Các dữ liệu người nộp thuế được ghi lại vào hệ thống dữ liệu của máy tính, qua đó quản lý các doanh nghiệp đăng ký. Khi cơ sở dữ liệu đầy đủ thì việc quản lý hệ thống thu thuế sẽ đạt hiệu quả hơn.
Các quốc gia khác sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy có tác động làm giảm đáng kể những chi phí phát sinh cho doanh nghiệp (do cho phép tuân thủ một cách tự động). Đi đầu trong lĩnh vực này là các quốc gia Mỹ Latinh, ngoài ra, Trung Quốc và một số nước Châu Âu đang sử dụng hóa đơn điện tử để giảm thiểu hành vi trốn thuế/gian lận thuế giá trị gia tăng. Hà Lan ứng dụng 100% công nghệ thông tin vào quản lý thuế và sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xem thêm: odl.009658-euht-gnod-iahp-nav-man-teiv-iat-os-urt-oc-gnohk-iaogn-coun-yt-gnoc/et-hnik/nv.gnodoal