- Bộ môn chèo có đang thực sự “sống”?
- Đặc sắc mô hình vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”
- Nhà viết chèo cổ Trần Đình Ngôn: Người cuối cùng trên sân ga
Một ngày đầu đông, tôi đến thăm người nghệ sĩ của làng với vóc vạc nhỏ nhắn. Ông Lược xúc động kể, nửa đầu thế kỷ 19, dù nằm bên trong con đê sông Hồng hùng vĩ, song làng Xa Mạc chỉ là trại ấp nghèo nàn cô độc giữa vô vàn những sông, rạch chằng chịt.
Để có thể giao lưu với người bên ngoài xóm ấp, đồng thời nhằm tạo ra một thứ điện năng để quá trình lao động mang lại hiệu quả hữu ích, người Xa Mạc dùng đến lời ca, theo lối hát chèo cổ.
Làm phép truy nguyên ngôn ngữ, từ “Xa” ở đây mang nghĩa xa xôi, xa nhớ,… Còn chữ “Mạc” đồng nghĩa với: Làng! Gọi một cách nôm na,“Xa Mạc” là điệu chèo cổ “Nhớ làng”, do người dân Xa Mạc sáng tạo nên.
Theo thời gian và không gian, một lúc nào đó, “Xa Mạc”, không còn là tài sản của riêng người làng Xa Mạc nữa mà trở thành một trong số hơn 100 làn điệu thuộc kho tàng chèo cổ nước Việt.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Lược. |
Thân thiện mời khách ly trà nóng, ông Lược rưng rưng nhớ lại: “Ngày tôi là cậu trẻ trâu lên 5 lên 7, sau giải phóng Điện Biên, cả miền Bắc hừng hực khí thế lao động xây dựng XHCN. Những bài ca lao động hăng say, yêu đời theo điệu chèo cổ “Xa Mạc” mà trước đó các thế hệ cha ông góp tích để lại cho cháu con được dân làng Xa Mạc tìm lại, đặt lời mới để phục vụ đời sống! Có những lúc đã tưởng điệu “Xa Mạc” sẽ chả bao giờ “chết”. Ai ngờ, có lúc điều đó xảy ra thật, không ai tin nổi!”. Bằng chất giọng man mác buồn, ông Lược đã giúp cho khách hình dung ra cái gọi là “chết” của điệu “Xa Mạc” ở ngay mảnh đất Xa Mạc nó như thế này:
Chuyện rằng, vào “Những năm bom Mỹ/ Trút trên mái nhà/ Những năm cây súng/ Theo người đi xa…” (“Hạt gạo làng ta” - Trần Đăng Khoa). Trong hoàn cảnh tay cày tay súng, cùng quân dân toàn miền Bắc dốc sức, dốc lòng để trở thành hậu phương vững chắc, tin cậy của tiền tuyến lớn miền Nam, do công việc bộn bề, căng thẳng lúc bấy giờ, thành ra không mấy người Xa Mạc có thời gian để tâm tới những câu chèo “Xa Mạc” cổ kính nữa. Cứ thế, công việc và hoàn cảnh sống khiến người Xa Mạc sao nhãng dần điệu chèo cổ “Xa Mạc”, dù chẳng ai cố ý.
Bấy giờ, dẫu cho ai đó “xa mặt cách lòng” với điệu “Xa Mạc”, riêng với chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Lược lại không thể. Năm 1972, tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành người lính thông tin, những câu “Xa Mạc” theo chân ông Lược tới nơi thao trường “quân lệnh như sơn”. Và sau đó, “Xa Mạc” cùng người nghệ sỹ của làng chưa một lần cầm bàn tay con gái vào với chiến trường miền Nam, còn hơn cả một người bạn tri âm tri kỷ.
Trong lúc hành quân vượt Trường Sơn, hay những đêm thanh vắng hiếm hoi khét mùi thuốc súng nơi mặt trận, chiến sĩ Lược lại hồn nhiên ngân lên những câu “Xa Mạc” giúp đồng đội vơi đi nỗi thương nhớ quê nhà. Mà đấy cũng chính là cái cớ để chàng chiến sỹ thông tin “nghiện” chèo từ thuở “chưa nứt mắt” khoe khéo với anh em đồng chí bốn phương thứ di sản văn hóa phi vật thể vô giá của làng Xa Mạc: điệu chèo “Xa Mạc”!
Năm 1978, sau mấy năm biền biệt nơi chiến trường, người lính Nguyễn Ngọc Lược xuất ngũ về làng. Nhẽ ra như người ta phải hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, cùng anh em họ hàng mới là “phải phép” thì câu đầu tiên khi gặp người làng của ông Lược là: “Xa Mạc có còn ai hát “Xa Mạc” cổ nữa không?”. Trở về với mạch cảm xúc được khơi trong quá khứ, ông Lược trầm ngâm kể: “Thật thà với anh, năm ấy 27 tuổi, chân ướt chân ráo về tới làng, nghe người ta bảo chả biết “Xa Mạc” là cái thứ chết tiệt gì, tôi đau lắm, cứ như bị đứt từng khúc ruột!”. Nói xong câu ấy, ông Lược đưa tay dụi mắt.
Bất an, bấn loạn trước tình cảnh điệu “Xa Mạc” cổ có nguy cơ thất truyền vĩnh viễn, sau một đêm trắng, ông Lược nảy sinh ý tưởng táo bạo: chưa vội tính chuyện lập gia đình riêng, cho dù các bậc bề trên mong điều đó đỏ con mắt. Chàng cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Lược muốn dành thời gian toàn tâm toàn ý cho việc sưu tầm, gom nhặt cho bằng được những câu “Xa Mạc” - thứ “của để dành” vô giá mà cha ông bao đời để lại.
Ý tưởng lúc đầu là thế, nhưng khi chính thức bắt tay vào việc sưu tầm những câu chèo cổ của điệu “Xa Mạc”, bản thân ông mới thật sự có cảm giác: trước mắt sừng sững một khối núi đá khổng lồ! Bởi lẽ, điệu chèo “Xa Mạc” xuất hiện trong dân gian, mang tính chất truyền khẩu. Ngay chính người Xa Mạc cũng chẳng thể hiểu rõ gốc tích bậc thủy tổ sáng tạo ra “Xa Mạc” là ai; vào thời kỳ nào?!
Đã thế, trước ông Lược, ở Xa Mạc cũng như trong thiên hạ, chưa từng một ai làm cái việc sưu tầm một cách bài bản các câu chèo cổ “Xa Mạc”. Nhưng muôn vàn khó khăn trở ngại ấy không làm cho người cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Lược nản chí.
Vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Lược trong lần tham gia Hội diễn các câu lạc bộ chèo truyền thống. |
Khát vọng tìm giữ di sản mà tiên tổ để lại khiến ông Lược nghĩ ngay tới việc đầu tiên phải làm: tìm tới những bậc trưởng lão của làng với hy vọng khai thác được ở họ những câu chèo cổ “Xa Mạc”, trước khi chúng biến mất vĩnh viễn. Thế nhưng, muốn làm được điều đó, nhất định cứ phải là “có thực mới vực được đạo!”. Không hề so đo tính toán thiệt hơn, trong nhà có những gì có thể thành hàng hóa được, ông Lược mang ra bán cho bằng hết. “Không làm thế thì không thể có tiền bồi dưỡng “một tý gọi là” với những người mà mình gặp gỡ để được nghe người ta hát mà ghi chép lại anh ạ!” - Ông Lược thủng thẳng giải thích - “Có những người chỉ nhớ được một, hai câu chèo “Xa Mạc” thôi, tôi cũng tìm cách gặp gỡ cho kỳ được!”.
Bỏ qua những thị phi, đơm đặt, đàm tiếu của người đời, sau hơn 20 năm âm thầm lặng lẽ, nhẫn nại với việc sưu tầm điệu chèo cổ “Xa Mạc” không khác gì con ong gom mật, vào một ngày nọ, ông Lược bỗng giật mình thảng thốt khi ngộ ra điều giản dị: nếu những câu, những bài “Xa Mạc” cổ chỉ là những con chữ “chết” trên những trang sổ ghi chép, rốt cuộc chúng cũng sẽ chẳng được người đời nhớ tới. Muốn “Xa Mạc” tồn tại, phát triển bền vững theo năm tháng, cách tốt nhất là học cách truyền khẩu của cha ông xưa.
Thấy đúng là làm, năm 1996, ông Lược chủ động đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ chèo Xa Mạc. Để Câu lạc bộ chèo hoạt động được, lại thêm lần nữa, ông Lược mang của nả trong nhà ra bán để có kinh phí mua sắm thiết bị âm thanh, ánh sáng, đàn sáo, v.v… “Thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào mình còn là anh lính về làng rồi bắt đầu tò te với việc sưu tầm điệu “Xa Mạc”, ấy thế mà nay đã 42 năm trời rồi!” - Ông Lược trở nên xúc động đặc biệt - “Thời gian của 42 năm đã giúp mình có cơ may hoàn tất gần như cơ bản điệu chèo cổ “Xa Mạc” sinh ra từ đất Xa Mạc!”.
42 trời không quản gian lao vất vả; không hề tiếc trí lực và tiền bạc, nay ông Lược đã có trong tay hàng nghìn câu hát và 37 bài chèo cổ nguyên bản của điệu “Xa Mạc”. Tất cả đều được ông thể hiện một cách khoa học qua hàng nghìn trang bản thảo, lưu giữ thành nhiều bản. Không dừng lại với việc sưu tầm, hơn 20 năm qua, ông Lược còn đặt lời mới theo điệu “Xa Mạc” cho hàng trăm bài hát để Câu lạc bộ chèo Xa Mạc có thêm lưng vốn mà phát triển một cách căn cơ.
Thành quả mà ông Nguyễn Ngọc Lược có được sau 42 năm trời miệt mài lao động với thái độ nghiêm túc nhất của một công dân sống có trách nhiệm không chỉ đơn giản để điệu chèo cổ “Xa Mạc” có cơ may tồn tại, phát triển bền vững. Mà hơn thế, cái cách ứng xử đầy cao quý với di sản văn hóa dân tộc của người Nghệ nhân Ưu tú ấy còn góp phần làm phong phú hơn, sâu sắc và lắng đọng hơn cái vỉa tầng trầm tích phù sa văn hiến của một Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi. Có lẽ vậy chăng?!
Lê Công HộiXem thêm: /453026-cam-ax-noh-uig-caM-aX-iougN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv