- Bầu cử tổng thống Mỹ liên quan gì đến chúng ta?
- Hậu bầu cử Mỹ: Tiết lộ về vai trò những lá phiếu của… người chết
- Mặt trận truyền thông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Khi bài viết này đến với bạn đọc thì kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ. Nhưng có lẽ, dư âm của sự căng thẳng, hồi hộp chẳng khác nào mỗi khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu thì sẽ còn lâu lắm mới lắng xuống.
Việc quan tâm đến chính trường, đem thời sự thế giới vào bàn luận trong mâm cơm, bên chén trà không còn là mới với rất nhiều người Việt. Nhưng đằng sau những bàn luận về cơ hội, thế mạnh, điểm yếu của Biden hay Donald Trump chợt gợi ra cho chúng ta một câu chuyện thú vị: Đâu phải chỉ với hai người đàn ông quyền lực ấy mà với bất kì ai đều có cơ hội để nhìn ra mình thông qua sự đánh giá của người khác.
Chính vị đương kim tổng thống Mỹ từng có một câu nói truyền cảm hứng: "Thật dễ dàng đón nhận những chỉ trích, vì kẻ không bị chỉ trích là kẻ không hề dám mạo hiểm bao giờ" (Donald Trump). Sự chỉ trích đó là một phần không thể thiếu để phác họa diện mạo của một con người trước cộng đồng. Tùy vào từng cương vị, hoàn cảnh nhưng tựu trung lại đều nói lên sự tín nhiệm của cá nhân mình trước mọi người.
Bầu cử Tổng thống Mỹ. |
Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà từ Đông sang Tây, những danh ngôn triết lý về chữ tín dường như có sức sống rất lâu bền. Khổng Tử từng nói: "Người xưa thận trọng lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà làm không được". Trong khi Jean Jacques Rousseau cũng cho rằng: "Những người chậm chạp khi đưa ra lời hứa là những người trung thành với việc thực hiện nó nhất". Lời nói và việc làm trở thành một cặp đối xứng, lời nói vừa là thước đo, vừa là cảnh giới cao nhất để con người ta luôn phải nhìn vào đó mà lo sợ, mà nỗ lực phấn đấu.
Chẳng đâu xa, văng vẳng trong câu chuyện của ngõ xóm, đâu đó vẫn có những ông cụ, bà cụ đã con đàn, cháu đống vẫn quyết đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn. Vấn đề của họ không phải là còn bao thời gian phía trước để làm lại, để tận hưởng, mà ở họ đã không còn sự tin tưởng, và để khẳng định: Với con người luôn cần sự trân trọng, đó là sự tín nhiệm với người khác, cũng như với chính bản thân mình.
Trong những năm qua, hoạt động thiện nguyện phát triển mạnh mẽ làm cho chúng ta cảm thấy ấm lòng. Nhưng, cùng với đó cũng xuất hiện những kẻ nhẫn tâm ăn chặn, ăn bớt như việc một số cán bộ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội năm 2019; chuyện lãnh đạo xã công khai "xin lại" 15% để chè nước, đi lại ở Hoằng Phong (Thanh Hoá)... Hẳn là, những con người đó đã hơn một lần đứng trước dân, trước cán bộ, nhân viên cấp dưới để rao giảng, dạy bảo về đạo đức, lối sống…
Nếu như câu chuyện bầu cử Tổng thống ở nước Mỹ năm 2020 thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận toàn thế giới thì tín nhiệm cá nhân đôi khi lại chỉ là câu chuyện âm thầm của nhân cách và nghĩa khí. Câu chuyện Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 đồng đội hy sinh ngày 13/10/2020 trên đường đi cứu nạn vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 là một ví dụ. Những người vì nghĩa lớn thì sẽ không có nhiều đắn đo, lựa chọn thiệt hơn, không cần một tuyên ngôn với ngôn từ có cánh, không cần lễ xuất quân rầm rộ. Niềm tin, sự tín nhiệm được đảm bảo bằng chính xương máu của mình và được quần chúng nhân dân đón nhận bằng sự tin tưởng.
Nhưng, vấn đề của niềm tin vốn không đơn giản như thế. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, những gì ta nghe được, nhìn thấy không hẳn lúc nào cũng chính xác. Hẳn ai trong số chúng ta cũng ít nhiều có một lần là khách hàng của những người kinh doanh trên mạng. Bất kể là phải bỏ ra một số tiền lệ phí vận chuyển thì mua hàng online cũng đem lại những tiện lợi.
Có điều, yếu tố tiên quyết đó là chữ tín của người bán hàng. Bởi lẽ, kinh doanh thời 4.0, thời của trực tuyến cũng là câu chuyện của chữ tín. Vẫn biết, hiệu quả kinh doanh chính là lá phiếu quyết định đến sinh mệnh của mặt hàng đó, nhưng có lẽ với nhiều người sự giả tạo vẫn không dừng ở đấy bởi trong suy nghĩ của họ, tất cả mọi giá trị trên đời đều có thể làm giả, làm nhái.
Việc một chủ quán ở Bắc Ninh bắt khách phải quỳ lạy vì đã chê đồ ăn của quán, nếu nhìn một cách sâu xa thì đó là một cách tạo ra uy tín theo kiểu cưỡng chế. Nhớ lại những vụ lùm xùm về chất lượng an toàn thực phẩm của một số mặt hàng trước đây thì điều này đã thành một xu thế tiêu cực trong thời đại thông tin. Họ dùng chính uy thế của thông tin để trục lợi, ngụy tạo uy tín giữa thời đại mà sự minh bạch, giám sát được đặt lên hàng đầu.
Nghịch lý đó đã xảy ra ở cả những ngành như giáo dục, y tế, gây hoang mang cho dư luận. Mỗi lời nói, việc làm tử tế giờ đây cũng bị đặt một dấu hỏi: Có phải đang làm màu? Có đáng tin không? Bỗng dưng sao lại có người tốt thế để làm gì và được gì?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội trước khi đi cứu nạn và hy sinh tại thuỷ điện Rào Trăng 3, để lại sự thương tiếc và kính phục trong lòng mọi người - nguồn ảnh phunumoi.net. |
1. Con người dù rơi vào hoàn ảnh khốn cùng nhất như trường hợp chị Nguyễn Thị Thuật - một người nhặt ve chai ở thị trấn Quốc Oai - Hà Nội đã trả lại 10 cây vàng, hay những người tàn tật vẫn nặng lòng giúp đỡ cộng đồng cho chúng ta thấy tín nhiệm cá nhân chính là phẩm giá không thể thiếu của con người. Con người càng cơ cực càng thấu hiểu và nhân ái. Họ mong điều tốt đẹp đến với người khác; họ mong cùng đẩy lùi cái gian khó, cùng nhau vượt lên chứ không phải chỉ biết lo cho bản thân cũng là cách mà những con người như thế đã nghĩ và hành động.
2. Lá phiếu của niềm tin chính là sự ủng hộ cao nhất cho mọi giá trị tốt đẹp, cho cuộc sống văn minh. Con người luôn cần có niềm tin để tồn tại. Đó có thể chỉ là niềm tin ở những gì gần gũi, đơn giản, nhỏ bé nhất nhưng không kém phần quan trọng. Ở những nơi có chất lượng cuộc sống tốt thường có đội ngũ lãnh đạo chính quyền nhận được niềm tin của nhân dân mà "thành phố đáng sống Đà Nẵng" là một ví dụ. Mọi việc làm tốt đẹp đều xuất phát từ sự tin tưởng và giúp ta quay trở lại có niềm tin ở chính bản thân mình, tránh những hoang mang. Hãy nhớ một điều: nếu cả bản thân mình cũng không tin ở mình thì đừng bao giờ đòi hỏi ai về điều đó.
3. Ở vào một thời đại thông tin có thể cập nhất dễ dàng nhất nhưng cũng bị sai lệch nhất bởi vô số chiêu trò thì càng đòi hỏi ở con người ta một niềm tin. Có thể nhiều người cho rằng sự tin tưởng giữa thời đại này như một sự đánh cược. Nhưng ở bất cứ thời điểm nào chúng ta vẫn cần được tin tưởng cũng như dành sự tin tưởng ấy cho ai đó như một động lực trong cuộc sống. Bản thân chúng ta phải có một chính kiến để phân định đúng sai, nắm được bản chất của mọi việc bên trong thay vì những hiện tượng bề ngoài dễ đánh lừa đôi mắt của mình. Bản chất cũng chính là cái đích mà con người luôn kiếm tìm trong cuộc đời này.
4.Tin tưởng đôi khi là sự nhẫn nại hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng không phải nguội lạnh ý chí. Nói như Nikos Kazantzakis: "Để thành công, trước tiên chúng ta phải tin rằng chúng ta có thể". Trước khi có được sự tin tưởng vào người khác, hãy thực sự chia sẻ, đón nhận để tạo lập nên nền tảng văn hóa và phẩm chất của con người mình. Đó cũng là cách xây dựng con người văn hóa trong thời đại công nghệ như cách mà Joe Lewis nói: "Bạn chỉ sống một lần, nhưng nếu bạn làm nó đúng thì một lần là đủ". Với "một lần là đủ" ấy đâu chỉ cần đòi hỏi phải đủ dũng khí vượt qua tham, sân, si…, đủ dũng khí từ bỏ những thói quen, những điều tưởng như đã hiển nhiên là chân lý mà còn cả bản lĩnh đương đầu với thử thách sáng tạo ra ý tưởng mới.
Nước Mỹ đã có vị tổng thống thứ 46, thế giới có thể sẽ có những đổi thay từ vị chủ nhân của Nhà Trắng này. Câu chuyện về lá phiếu bầu có thể sẽ lắng xuống theo thời gian nhưng câu chuyện về niềm tin, về sự tín nhiệm cá nhân sẽ còn là một bài học quý giá với mỗi con người.
Lâm ViệtXem thêm: /463026-uc-uab-ut/na-gnoc-ehgn-nav-nad-neid/nv.moc.dnac.acnv