Không tận dụng được đường sẵn có, dự án cầu Mỹ Thuận 2 mở đường dân sinh mới
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Trước phản ánh của TBKTSG Online việc dự án cầu Mỹ Thuận 2 “tận dụng” đường của người dân tự bỏ tiền ra đầu tư để đấu nối vào đường dân sinh của dự án, ông Nguyễn Hoàng Thảo, Giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển Quỹ đất huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương và Ban quản lý dự án 7 đã thống nhất giải pháp giải toả đền bù bổ sung để xây dựng đường dân sinh mới, thay vì “tận dụng” đường sẵn có của dân.
Làm đường dân sinh cầu Mỹ Thuận 2: không thể thấy 'lót ổ sẵn thì vô đẻ'
Phạm vi mốc giải phóng mặt bằng dự án nằm khá gần ta luy cầu An Hữu (đang thi công), không đủ làm đường dân sinh, cho nên, khi mở mới đoạn đường dân sinh dài khoảng 80 mét để kết nối hai điểm bị chia cắt bởi cầu An Hữu phải giải toả rộng thêm. Ảnh: Trung Chánh |
Sau bài viết “Làm đường dân sinh cầu Mỹ Thuận 2: không thể thấy ‘lót ổ sẵn thì vô đẻ'”, ông Nguyễn Hoàng Thảo cùng các đơn vị liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế tại vị trí mà bài báo đã phản ánh là xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hay nói cách khác là tại vị trí xây dựng cầu An Hữu thuộc gói thầu XL.01- là một trong năm gói thầu của dự án thành phần xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Cụ thể, khi thực hiện hạng mục cầu An Hữu thuộc gói thầu XL.01, thì tuyến đường dân sinh hiện hữu của ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị cây cầu này chia cắt làm hai. Khi đó, dự án bắt buộc phải tạo mới một đoạn đường dân sinh để kết nối hai vị trí đã bị cầu An Hữu chia cắt, giúp việc lưu thông của người dân diễn ra bình thường như trước đó.
Theo đó, thay vì đầu tư tuyến đường mới nằm song song cầu An Hữu (bên phải cầu theo hướng đi từ Trung Lương về Mỹ Thuận - PV) để vòng xuống gầm cầu nhằm đấu nối vào vị trí bị chia cắt bên trái, thì dự án lại “tận dụng” đoạn đường bê tông (rộng 4,2 mét khoảng dài 60 mét), nằm về phía bên phải cầu An Hữu và bên ngoài phạm vi ranh giới dự án (theo hướng đi từ Trung Lương về Mỹ Thuận) do cá nhân gia đình ông Nguyễn Bá Tùng (ngụ ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè) đầu tư để tạo thành đoạn kết nối hai điểm bị chia cắt bởi cầu An Hữu.
Tuy nhiên, sau khi TBKTSG Online đã có bài phản ánh như nêu trên, thì địa phương và Ban quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Thuận 2) thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất không “tận dụng” đoạn đường của tư nhân để kết nối như tính toán ban đầu.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hoàng Thảo cho biết, qua khảo sát và xem xét, đoạn đường cần mở mới để kết nối hai điểm đường bị chia cắt dài khoảng 80 mét, cho nên, địa phương và Ban quản lý dự án 7 đã thống nhất mở đường mới. “Mở đường mới đi cặp cầu An Hữu vì khoảng cách từ đầu này đến đầu kia chỉ khoảng 80 mét”, ông nói.
Theo ông Thảo, khi thực hiện theo phương án mở mới đường, bắt buộc dự án phải giải toả, đền bù bổ sung, bởi diện tích mặt bằng đã giải toả hiện hữu không đủ rộng để làm đường dân sinh nhằm kết nối hai điểm bị chia cắt bởi cầu An Hữu. “Chúng tôi sẽ giải toả thêm vài thước (chiều rộng - PV), đây là phương án của tôi và Ban quản lý dự án 7 đã thống nhất”, ông nói.
Tuy nhiên, để thực hiện như kế hoạch nêu trên, thì địa phương và Ban quản lý dự án 7 phải có thủ tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định. "Khi cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì mới triển khai thực hiện được”, ông Thảo nói và cho biết, trong thời gian chờ giải quyết thì dự án sẽ “mượn tạm” đoạn đường của ông Tùng để cho dân lưu thông.
Liên quan đến phương án giải quyết như nêu trên, ông Nguyễn Bá Tùng - người đã đầu tư tuyến đường như nêu trên - cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ cách làm này của địa phương và Ban quản lý dự án 7. “Nhưng, khi áp giá đền bù mở đoạn đường dân sinh mới để kết nối hai vị trí bị chia cắt bởi cầu An Hữu, thì phải áp theo mức giá hiện hành, đúng quy định (phần đất dự kiến giải toả cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Tùng - PV)”, ông Tùng cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Đình Trung, phụ trách giải phóng mặt bằng của Ban quản lý dự án 7 khi trao đổi với TBKTSG Online xác nhận, đường dân sinh của dự án sẽ kết nối vào đoạn đường bê tông của ông Tùng. “Đường đó là đường hiện hữu, mà đường hiện hữu thì chúng tôi sẽ kết nối vào thôi”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Trung, còn việc xác định đoạn đường đó có đúng là đường của cá nhân ông Nguyễn Bá Tùng hay không sẽ được huyện tiến hành xác minh. “Nếu huyện xác nhận đúng là của ông Tùng, thì huyện sẽ giải toả đền bù theo quy định”, ông Trung cho biết.
Còn ông Thảo cho rằng, dự án định đấu nối vào đường của ông Tùng vì Ban quản lý dự án 7 “tưởng” là đường công cộng, chứ không phải là đường của tư nhân đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi xác minh, địa phương khẳng định đó là đường do gia đình ông Tùng tự bỏ tiền ra đầu tư, chứ không phải đường công cộng, cho nên, địa phương lên phương án đầu tư mới tuyến đường để kết nối hai điểm bị chia cắt bởi cầu An Hữu như nêu ở trên.